itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Nghĩa tình - lửa ấm

Nghĩa tình - lửa ấm

Cứ mỗi dịp áp Tết, trên mọi nẻo đường đất nước ta lại cuộn chảy dòng thác người, xe. Ðồng bào ta quanh năm sinh sống, làm ăn xa quê, đổ về quê cha đất tổ sum họp gia đình, hưởng cái vui, cái tình ấm áp của người thân, của xóm giềng quây quần bên nhau bên lửa nấu bánh chưng trong giờ phút thiêng liêng nhất trong năm - phút giao thừa cảm nhận được từ mọi giác quan khoảnh khắc đất trời lật mình sang năm mới.

Bếp lửa bánh chưng rừng rực đỏ giao thừa, trong tâm thức dân ta, là ngọn lửa thiêng của sự sống trường tồn, của tình nghĩa cộng đồng gia đình-gia tộc-xóm làng-mở rộng ra là tình nghĩa cộng đồng dân tộc.

Niềm thiêng ấy gọi cháu con xa nhà từ mọi miền đất nước, từ chân trời góc bể trở về với nôi sinh, với nguồn cội để được ấm lòng, để được chia sẻ, hòa đồng với người thân, để rồi lại mang hơi lửa nghĩa tình muôn thuở sáng ấm ấy mà ra đi tứ xứ làm ăn sinh sống...

Tình nghĩa cộng đồng gia đình-gia tộc-xóm làng-dân tộc Việt Nam ta, như ngọn lửa thiêng được ấp ủ trong lòng người, cứ sáng ấm mãi cùng năm tháng.

Tình nghĩa cộng đồng bắt nguồn từ truyền thống thương người, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, chung lưng đấu cật để làm ăn sinh sống, sáng tạo văn minh trong ngày thường cũng như trong những tai ương, thử thách ngặt nghèo mà chỉ có sức mạnh cố kết cộng đồng mới có thể vượt qua để sinh tồn và phát triển.

Xưa nhà nhà dựa vào nhau, "tối lửa tắt đèn có nhau", "chị ngã em nâng", "sẻ cơm nhường áo"; làng xã thì có quỹ "nghĩa thương" để cứu giúp người hoạn nạn. Nhà nước vào thời thịnh, vua tôi còn biết "lấy dân làm gốc", khi mất mùa do hạn hán, lũ lụt, sâu bọ..., triều đình thường cũng miễn sưu giảm thuế, mở kho cứu đói... Nay thì sôi nổi biết bao hoạt động với nhiều cách thức sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các đoàn thể quần chúng, các hội từ thiện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp..., huy động sức mạnh của cả nguồn lực Nhà nước và đóng góp ngày càng rộng khắp và to lớn của cộng đồng, vào công cuộc đền ơn đáp nghĩa cũng như chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, người hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào chịu tang tóc, đau thương do tai nạn, do thảm họa thiên nhiên, đồng thời không quên giúp đỡ đồng bào miền núi, vùng nông thôn sâu là lớp người thua thiệt nhất trong thời kỳ phát triển nhanh, sớm thoát nghèo...

Dịp Tết Nguyên đán, những ngày hội xuân lớn nhất và tưng bừng nhất của cả nước, cố gắng chung của cộng đồng là không để cho mái ấm gia đình nào không có Tết.

Ngọn lửa tình nghĩa cộng đồng vậy là được giữ gìn và nhân rộng trong dòng chảy phát triển quốc gia trong thời đại CNH, HÐH, đô thị hóa ngày nay. Nhưng sự phát triển bao giờ chẳng bộc lộ sự phân hóa, đông đảo cộng đồng giữ gìn tình nghĩa truyền thống nghìn đời như một giá trị gốc rễ của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, cũng có nhiều người tình nghĩa lắm khi ấm lạnh, lại có những người trở nên vô cảm.

Thời đại của sự giải phóng các năng lực cá nhân, phẩm cách cá nhân, của sự cạnh tranh gay gắt để mỗi cá nhân giành lấy cơ hội để sống khá giả, để làm giàu, bên cạnh dòng chảy lớn làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, phát triển cá nhân theo hướng văn minh, khó tránh khỏi xu hướng bon chen, tranh đoạt, biển thủ vô tình vô nghĩa, ích kỷ hại người, "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"... Những tật xấu của lối sống tiểu nông ngày trước tái hiện vô vàn dáng vẻ trong đời sống thường ngày: Ði đường thì chen lấn tranh đường, phóng nhanh vượt ẩu, gây tai nạn, gây ùn tắc làm khổ sở mọi người. Làm hàng thì làm bẩn, làm dối, làm ẩu, làm lậu... gây hại, gây họa cho người dùng, miễn là mình được lợi. Thi hành công vụ hay phận sự nghề nghiệp để hưởng lương, lĩnh thưởng, vẫn tìm cách bóp nặn dân phong bao, quà cáp. Không ít người được dân giao quyền để phục vụ dân, thì lạm quyền, nạt dân, tham nhũng, hoặc thờ ơ gỗ đá trước đời sống nhân dân. Lối sống tình nghĩa cộng đồng đang bị thử thách.

Dân ta có lệ: Khi đón dâu vào nhà, mẹ chồng lánh mặt. Ðể tỏ ý chuyển giao bếp lửa gia đình cho người chủ mới.

Ngọn lửa tình nghĩa cũng vậy thôi, hơi ấm và ánh sáng của nó cũng phải được chuyển giao thế hệ này sang thế hệ khác. Chuyển giao trước nhất và quan trọng nhất dưới mỗi mái nhà, cha mẹ, anh chị nêu gương và dạy bảo con em từ tấm bé tình thương người, thói quen quan tâm đến người thân, đến bạn bè, xóm giềng, họ mạc... Trường học từ mầm non đến đại học rèn luyện thế hệ trẻ đạo lý làm người, với lòng nhân ái, tình nghĩa với mọi người, trách nhiệm cá nhân với xã hội...

Còn với toàn xã hội, hãy hình dung mỗi hoạt cảnh sống ở mỗi khung cảnh hẹp trong mỗi giờ mỗi phút hằng ngày, trên đường đi lại, ở nơi công cộng, trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, v.v... là một giờ ở "trường đại học cuộc sống" mà mỗi người học lấy và được mọi người bên cạnh không thờ ơ và đủ can đảm nhắc nhở hành vi văn minh, cử chỉ tình nghĩa.

Hành pháp nghiêm hơn đối với mọi hành vi làm hại đến lợi ích cộng đồng.

Nhà nước, các đoàn thể, các cơ sở, báo chí... nhạy bén hơn, thường xuyên hơn phê phán lối sống ích kỷ vụ lợi, cổ vũ, tôn vinh những gương sáng làm việc thiện, sống tình nghĩa... Và cả xã hội trong đời sống thường ngày quan tâm đến chính những cử chỉ đẹp tình nghĩa hay việc làm thiếu tôn trọng lợi ích cộng đồng, bằng khen, chê, nhắc nhở tức thời.

Ðược thế thì công cuộc chuyển giao ngọn lửa tình nghĩa là sống động, rộng lớn, thấm thía hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.

Nhi Anh / Nhandan