itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Nhớ đến nao lòng tiếng cào lúa trên sân!

Nhớ đến nao lòng tiếng cào lúa trên sân!

Cách đây mười mấy năm, lúc nghề nông còn là nghiệp mưu sinh, người xóm tôi nhìn vào sân để đánh giá xem nhà đó giàu và to cỡ nào. Vì sân, tác dụng chính vẫn dùng để phơi lúa, nên nếu sân to tức là lúa phải nhiều, và do đó, đất ruộng chắc cũng rất mênh mông… Nhưng với tôi, khoảng sân trước nhà như gốc đa, giếng nước, sân đình - sân mang cả tâm hồn của con người ở đó.

Ở quê tôi, dường như mỗi gia đình đều để dành một khoảng đất trước nhà để làm sân. Nhà nào nghèo thì có một vuông sân bằng đất nhỏ, nhà giàu hơn thì sân lát gạch, sân được tráng bằng xi măng phẳng lì, rộng mênh mông.

Sân nằm im lìm trước nhà, nhưng sân chứng kiến cuộc sống đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Mỗi buổi sáng, khi ánh nắng sớm chan hòa trên sân, bạn lại bế em ra sân hong nắng. Đôi gò má của bạn hồng lên trong nắng và nắng làm cho mái tóc nâu của bạn hoe hoe như râu bắp. Khi nắng lên cao, mẹ lại mang thóc lúa, mang củi ra phơi trên sân. Những ngày gặt lúa, sân vàng ươm như rải mật dưới nắng trưa gay gắt. Sân đã thấm biết bao giọt mồ hôi của ba, của mẹ, của mọi người.

Tôi yêu tiếng cào lúa trên sân cứ mỗi trưa lại vang lên đều đều, bình dị như tiếng gà gáy trong xóm, nhưng nếu một ngày không còn được nghe, chắc sẽ buồn và nhớ. Chiều về, khi lúa đã được gom vào thành từng đống nhỏ là lúc bọn trẻ con trong xóm tụ tập trên sân để chơi trò đuổi bắt, trốn tìm.

Tôi thích nhìn sân vào những ngày mưa. Khi những giọt nước mưa rơi trắng xóa trên sân và chảy thành từng dòng suối nhỏ, bọn trẻ chúng tôi lại kéo nhau ra tắm mưa. Chạy đuổi, hò hét quanh sân. Vì vậy mà tuổi thơ chúng tôi ngày ấy gắn liền với sân. Sân không chỉ để cha mẹ, anh chị phơi lúa, phơi củi hay làm khô những con cá mới buông chài, thả lưới được, sân còn là nơi để chúng tôi kết bạn và bày trò vui.

Nhớ khoảng sân trước nhà của bạn, không to và cũng chẳng dùng để phơi lúa thóc. Sân làm bằng xi măng cũ và đôi chỗ đã bị tróc ra thành nhiều mảng nhỏ. Nên nếu sân của những nhà hàng xóm xung quanh tận dụng ánh nắng để thóc lúa mau khô, thì sân nhà bạn lại rợp bóng những hàng cây xanh. Và khoảng sân đó chứa cả tuổi thơ của chúng tôi…

Những vuông sân nhỏ ngày xưa thì mãi nằm sâu trong góc trái tim
của chúng tôi... (Nguồn: static.flickr.com).

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên quen bạn cũng ngay tại khoảng sân loang lổ rêu xanh. Bạn nhìn tôi e dè, vì tôi cao hơn bạn một cái đầu và bạn khẽ mỉm cười khi tôi nói: “Làm bạn nhé”. Rồi chúng ta nhanh chóng kết thân, và lôi thêm cả nhóm trẻ con trong xóm làm thành một hội. Trên khoảng sân vuông be bé, bạn kê một cái bàn nhỏ, hái lá râm bụt, xắt nụ hoa thành từng lát mỏng mà bạn bảo là ớt đỏ, rồi lấy cỏ cây trong vườn chế biến thành một tô phở đầy màu sắc. Còn tôi và tụi bạn thì phải giả vờ ăn và tấm tắc khen ngon.

Vuông sân nhà bạn, trong trí tưởng tượng của lũ trẻ chúng tôi, khi thì là một nhà hàng chuyên bán những món ăn ngộ nghĩnh nhất trần gian do bạn làm đầu bếp, khi lại thành một cái chợ náo nhiệt mà chúng tôi, mỗi đứa bày một món hàng khác nhau từ nụ râm bụt làm ớt, hoa râm bụt làm thịt v.v... cho đến mấy cọng cải trời làm cải xà lách mà tôi vừa tìm được bên hè.

Nhiều khi, sân thành một dòng sông nhỏ để chúng tôi chơi trò “cá sấu lên bờ”, hay những trò cút bắt, nhảy dây. Những đêm trăng sáng, ba mẹ và các cô chú hay trải chiếu ngoài sân, vừa nhâm nhi những tách trà bốc khói vừa ăn bánh, kể chuyện vừa nhìn lũ trẻ con chúng tôi chạy nhảy xung quanh. Sân không chỉ là nơi để phơi lúa thóc, sân là nơi để nối kết cộng đồng, chòm xóm.

Sân trong tâm tưởng của tôi luôn rộn vang tiếng cười. Cái khoảng sân trước nhà, tuy nhỏ nhưng chứa đầy kỉ niệm; đến nỗi giờ đây, khi con đường trước nhà được mở rộng thành quốc lộ, sân bị đường lấn chiếm, sân bị người tận dụng để cơi nới cho nhà thêm rộng, tôi vẫn thấy nhớ sân. Giờ đây, hầu như đi khắp xóm cũng không thể tìm ra sân.

Lũ trẻ bây giờ lớn lên không còn sân để chơi đùa, không còn sân để quây quần nghe bà kể chuyện vào mỗi đêm trăng, tuổi thơ cứ thấy khuyết đi một mảng lớn, không thể tròn đầy như vầng trăng rằm mà chúng tôi đã có khi xưa. Nhưng những vuông sân nhỏ ngày xưa thì mãi nằm sâu trong góc trái tim của chúng tôi, và của cả những ai được may mắn lớn lên cùng khoảng sân nhỏ rộn tiếng cười…

Quỳnh Như / Vietnamnet