itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Quê hương trong tôi là...

Quê hương trong tôi là...

Là gì thì tôi cũng không thể định nghĩa được, nhưng nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Đi xa thế này có nhớ nhà không?" và câu trả lời luôn luôn là: "Nhớ lắm, nhớ lắm chứ".

"Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều".

Là gì thì tôi cũng không thể định nghĩa được, nhưng nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Đi xa thế này có nhớ nhà không?" và câu trả lời luôn luôn là: "Nhớ lắm, nhớ lắm chứ".

Với tôi nỗi nhớ này không chỉ là nhớ gia đình, nhớ bạn bè mà còn nhớ tới những cái đa gắn bó với mình hơn 20 năm, để rồi khi ngồi nói chuyện với nhau mọi người đều bảo rằng: "Việt Nam là thế mà".

Tôi không sinh ra ở một làng quê, nên tôi không thể biết được hình ảnh cánh đồng quê, không thể biết được cây đa giếng nước đầu làng, không được nghe tiếng gà gáy vào mỗi buổi sáng sớm. Hình ảnh khi tôi lớn lên không yên ả như ở làng quê, mà là những âm thanh náo nhiệt của chợ búa, âm thanh của xe cộ, của những người bán hàng buổi sáng. Tôi đã quá quen với những tiếng rao của anh bán tào phớ vào những buổi trưa hè: "Ai... tào phớ đây...", hay của chị mua ve chai, phế liệu: "Ai... đồng nát... giấy báo cũ, dép nhựa hỏng... bán nào...". Rồi vào những buổi tối mùa đông lạnh giá lại là tiếng rao của bà cụ bán bánh mì: "Ai... bánh mì nóng nào...". Đó không phải là những áng thơ tôi đã được học, không phải là những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng sao mà tôi nhớ mãi.

Nỗi nhớ đôi khi chỉ là những âm thanh náo nhiệt của chợ búa, của xe cộ, của những người bán hàng...

Có thể ở Việt Nam tôi không để ý đến những điều này, nhưng khi ngồi đây, một nơi cách Việt Nam hơn 12 giờ bay, một nơi toàn những người xa lạ, sao tôi lại thèm được nghe lại những âm thanh quen thuộc ấy biết chừng nào. Chỉ với những tiếng rao đó thôi, tôi có thể đoán được lúc đó là mấy giờ.

Tôi nhớ cái ngõ nhỏ, nơi tôi và những đứa trẻ khác trong ngõ cùng nhau chơi đá bóng, tắm mưa, rủ nhau đi hái trộm dừa nhà người khác. Nhớ những buổi tối mùa hè mất điện, tất cả mọi người cùng ra đầu ngõ ngồi hóng gió cho mát. Hay những kì World Cup, mọi người cùng ngồi xem với nhau, vừa xem , vừa bình luận. Sao cái không khí ấy không bao giờ tôi quên được.

Không có những ngôi nhà chọc trời, không phải gọi điện thoại hẹn trước mỗi khi đến thăm nhau. Mà mỗi lần khách đến thì vồn vã trà nước. Có khi chỉ một hai câu thăm hỏi nhau, cũng có khi chỉ cùng nhau xem một bộ phim, chơi với nhau dăm ba ván cờ, uống với nhau vài tuần trà. Thế cũng là vui, là tình làng nghĩa xóm lắm rồi. Khi nhà ai có việc thì mọi người cùng xắn tay lên giúp cứ như việc nhà mình.

Mùa hè thì nắng nóng 37-38°C, mùa đông thì rét cắt da cắt thịt, khí hậu thì ẩm ướt, nghe thấy thế ai cũng phải sợ. Nhưng với nắng nóng như thế chỉ cần bát nước rau muống dầm me chua, hay bát canh rau mồng tơi nấu tôm cũng làm cho người ta tỉnh lại. Đi đâu về chỉ cần uống một cốc nước dừa tươi, hay cốc sữa đậu nành, thế là quên hết cả mệt nhọc. Vào những ngày lạnh giá, một bát canh bánh đa cua thêm một chút tương ớt cay cay hay một bát xôi, chỉ thế thôi cũng làm cho người ta cảm thấy ấm áp hơn.

Vui lắm khi sắp đến dịp Tết cổ truyền. Mọi người lại chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ mới để chuẩn bị đón năm mới. Lại được ngửi mùi hương trầm quen thuộc, mùi bánh chưng, xôi gấc, bát miến nấu măng. Cái không khí ấy, mùi vị ấy, có lẽ không bao giờ tôi cảm nhận được ở bên nước Đức xa xôi này.

Cuộc sống ở nước ngoài đầy đủ là thế, khí hậu mát mẻ, trong lành là thế, thế mà sau bao nhiêu năm tất cả đều trở về cái nơi đất chật người đông này, nơi khí hậu và thiên nhiên không ưu đãi con người. Vì sao ư? Tôi cũng không biết nữa.

Chỉ biết được rằng, Việt Nam từng đứng trong "Top Ten" những nước nghèo nhất thế giới, đứng thứ hai về hàng nhái, băng đĩa lậu. Nhưng khi có một ai đó hỏi tôi rằng: "Where are you from", tôi vẫn tự hào ngẩng cao đầu trả lời rằng: "I am Vietnamese"!

Thu Hương