itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Về miền đất cội nguồn dân tộc

Về miền đất cội nguồn dân tộc

Giã bánh dày, một trong những

hoạt động của các lễ hội ở

Phú Thọ. Ảnh: TK

Phú Thọ là đất cội nguồn của dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp 18 đời vua Hùng mảnh đất được coi là văn hiến và văn vật với nền văn minh nông nghiệp từ thuở bình minh dựng nước.

Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ được coi là miền quê có hệ thống di tích và lễ hội dày đặc, mỗi lễ hội có một sắc thái riêng thật đặc sắc và độc đáo. Xác định tầm quan trọng các giá trị văn hóa trên miền quê đất Tổ, Phú Thọ đã và đang triển khai hồ sơ trình UNESCO công nhận các di tích khảo cổ học tiền sử, sơ sử và không gian Văn hóa Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới. Năm 2008 này Phú Thọ tổ chức Lễ hội về miền cội nguồn dân tộc Việt Nam với thời gian và quy mô hoành tráng, diễn ra từ ngày 12/2/2008 đến ngày 15/4/2008 (Tức ngày 6 tháng giêng âm lịch đến ngày 10 tháng 3 âm lịch). Lễ hội được tổ chức khắp 13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Điểm mở đầu lễ hội diễn ra vào ngày 6 tháng giêng âm lịch tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương huyện Hạ Hòa. Nơi đây tương truyền xưa mẹ Âu Cơ đã cùng bầy con khai thiên lập địa, dạy dân cấy lúa, chăn tằm, dệt vải, chống thú dữ lập ấp, lập làng và cũng chính nơi này bà cùng bầy tiên nữ hóa về trời. Lễ khai hội được thực hiện bởi kịch bản “Linh thiêng muôn đời thánh mẫu Âu Cơ” của nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành cùng với phần khai hội là tế lễ, dâng hương tại đền Mẫu và tổ chức hội trại văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim và diễn xướng dân gian, tổ chức các hoạt động thể thao. Tại thành phố Việt Trì cũng diễn ra Hội chợ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, triển lãm ảnh tư liệu về giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng xưa và nay, biểu diễn các loại hình dân ca truyền thống như hát Xoan, hát Ghẹo, hát Trống quân, ca trù, chèo cổ...

Trên khắp các địa phương ở Phú Thọ còn diễn ra hàng loạt các lễ hội đặc sắc như: Hội Phết Hiền Quan, lễ hội Trò Trám, lễ hội làng Phương Xá, lễ hội rước voi Đào Xá, lễ hội Cầu Trâu Hương Nha, lễ hội cấp sắc của người Dao (Thanh Sơn), lễ hội múa mỡi làng Lưa, lễ hội Cao Lan (Đoan Hùng), lễ hội tắm ngựa ở Hiền Đa (Cẩm Khê), lễ hội cồng chiêng (Tất Thắng)... Đặc biệt chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2008 này, Phú Thọ còn khôi phục lễ hội chọi trâu tại xã Phù Ninh huyện Phù Ninh và lễ hội chọi trâu xã Chu Hóa huyện Lâm Thao. Chọi trâu ở Phú Thọ có từ thời Hùng Vương gắn liền với việc thắng trận khao quân cùng với việc cầu đinh. Trâu được chọn để chọi cũng được tiến hành theo quy trình khắt khe và có chế độ chăm sóc đặc biệt và phải có một sào Bắc bộ (tức 360m2) lúa thì con gái cho trâu ăn vào lúc sắp đến ngày mở hội... Nhiều lễ hội ở Phú Thọ còn gắn liền với tín ngưỡng phồn thực và thờ sinh thực khí một tín ngưỡng cổ xưa ở tầng sâu nguyên thủy văn hóa dân tộc với những biểu hiện khác nhau. Điển hình như lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã (Lâm Thao), xã Hà Lộc, Phú Hộ (Phù Ninh), xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ).

Một biểu hiện đặc thù khác của văn hóa lễ hội Phú Thọ là tiếng hú, những hình thức nghi lễ có tiếng hú. Tiếng hú gợi lên sự hoang dã cổ sơ là một cách sinh hoạt đặc trưng của vùng Trung du rừng núi, ở xã Hy Cương (Lâm Thao) có lễ hội “Rước tiếng hú” ở đình làng thờ Sơn Tinh và Ngọc Hoa.Tương truyền xa xưa khi mỗi lần Sơn Tinh đưa Ngọc Hoa về thăm Vua cha bên núi Nghĩa Lĩnh khi về núi Tản chàng Sơn Tinh lại hú để tìm Ngọc Hoa.

Phú Thọ còn nổi tiếng ở lễ hội vật đầu xuân. Người xưa có câu “Vật là đầu hàng võ”. ở Phú Thọ có những làng vật truyền thống nổi tiếng như: An Thái, An Đạo (Phù Ninh) Dữa Lâu, Lâu Thượng (Việt Trì).

Những người có công với đất nước, những người khai phá dựng làng dựng nước, lễ hội Phú Thọ còn có nhiều lễ hội gắn với việc tưởng nhớ các tướng lĩnh Xuân Nương, Thiều Hoa, Thục Nương, Trưng Nữ Vương... Xuân này, về với lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ được chứng kiến bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ với những lễ hội cổ xưa cùng tín ngưỡng riêng của vùng đất Tổ nhiều lễ hội đặc sắc, độc đáo, linh thiêng và huyền bí trên mảnh đất cội nguồn dân tộc.

Phạm Công Đảo / Hanoimoi