itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Xã hội Việt Nam có nhu cầu lên tiếng

Xã hội Việt Nam có nhu cầu lên tiếng

Có lẽ sau này sẽ còn nhiều người nhắc lại cuộc biểu tình ngày 09/12/2007 vừa qua như là một dấu mốc quan trọng trong sự trưởng thành của xã hội dân sự Việt Nam.

Cuộc biểu tình đã cho chúng ta thấy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc cũng như tinh thần dấn thân cho Tổ quốc vẫn luôn là những giá trị căn bản của dân tộc Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đặc biệt là giới trẻ đã chứng minh rằng họ không chỉ biết đến internet, game, bóng đá, … mà còn quan tâm đến mọi vấn đề trọng đại của đất nước mà chính họ là người làm chủ trong tương lai gần.

Cuộc biểu tình đã có tác dụng tinh thần, nó tạo nên sự quan tâm cần thiết của công luận trước tình hình của đất nước, là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho những chiến sỹ đang bảo vệ Tổ quốc.

Và đúng là nó chỉ có giá trị tinh thần, không có giá trị ngoại giao.

Không ảnh hưởng tới ngoại giao

Khi người phát ngôn Bộ ngoại giao của Việt Nam Lê Dũng nói quan điểm của Việt Nam là "thông qua đàm phán, giải quyết một cách hoà bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.", đã hàm ý rằng biểu tình không phải là giải pháp ngoại giao mà Nhà nước Việt Nam lựa chọn. Ở đây có vấn đề về việc nhìn nhận biểu tình có phải là một hoạt động ngoại giao hay không. Rõ ràng biểu tình chỉ là một hoạt động xã hội thông thường độc lập với với đường lối đối ngoại giao của Chính phủ. Sự ảnh hưởng nếu có cũng chỉ là gián tiếp, theo giá trị tinh thần nói trên.

Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về ngoại giao cho một hoạt động dân sự trên đất nước mình, khi mà nó không mang tính bạo lực hay kích động chiến tranh.

Lấy ví dụ là Tổng thống Mỹ khi thăm các nước đồng minh, dù là thân cận nhất, vẫn luôn bị biểu tình phản đối. Nhưng các cuộc biểu tình đó không bao giờ được phép là một cơ sở để giải quyết các vấn đề trên bàn ngoại giao. Chính phủ các nước sở tại không bị chê trách bởi các cuộc biểu tình này cũng như không có trách nhiệm về nó, trừ trách nhiệm bảo đảm an ninh cho quan khách.

Do vậy mà không có sự mâu thuẫn nào giữa cuộc biểu tình này với đường lối ngoại giao đối thoại hòa bình hiện hành của Nhà nước, nếu không muốn nói là đa số những người tham gia biểu tình cũng đều ủng hộ đường lối ngoại giao này. Càng không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương (quan hệ Nhà nước – Nhà nước) giữa hai quốc gia như người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Hoa vừa phát biểu.

Sự thực là các cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình, nó cũng đồng điệu với đường lối ngoại giao hòa bình của Chính phủ.

Xã hội dân sự

Cũng người phát ngôn Bộ ngoại giao nói "Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam". Trên các diễn đàn mạng đã có nhiều người đưa tin là cuộc biểu tình này "đã được phép của bên an ninh", có lẽ để trấn an và động viên người tham gia biểu tình ?

Câu hỏi đặt ra là biểu tình có cần được phép của Nhà nước hay không ?

Hiến pháp điều 69 nói rằng công dân có quyền "biểu tình theo quy định của pháp luật". Nhưng khi chúng ta chưa có Luật biểu tình thì việc biểu tình có phạm pháp luật hay không ?

Cần nhìn lại bản chất tự nhiên của luật pháp: luật pháp sinh ra để hướng dẫn các hoạt động xã hội đã tồn tại. Như vậy Nhà nước, Quốc hội có trách nhiệm làm ra luật pháp để xã hội vận hành theo luật, chứ xã hội không có nghĩa vụ phải chờ luật pháp ra đời rồi mới được hoạt động.

Do vậy việc thiếu luật biểu tình ở Việt nam hiện nay không thể là lý do hợp pháp để ngăn quyền biểu tình của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Chỉ có thể ngăn khi mà đã có luật rồi mà vẫn biểu tình không đúng luật. Công dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu vi phạm pháp luật thì là vi phạm với luật nào?

Dĩ nhiên là không có luật biểu tình thì cũng không có nghĩa là khi biểu tình thì muốn làm gì cũng được. Với những công cụ luật pháp đã có, Nhà nước hoàn toàn có đủ biện pháp để đảm bảo cho cuộc biểu tình diễn ra hòa bình, trật tự (luật gây mất trật tự công cộng, phá hoại của công, ... ).

Trước đó đã nhiều người khuyên rằng, mọi người cứ bình tĩnh chờ đợi, Nhà nước sẽ có những biện pháp phù hợp để giải quyết ổn thỏa vấn đề này.

Có những hoạt động xã hội mà không một bộ máy Nhà nước nào có thể đảm nhiệm được. Và một xã hội lấy những những hoạt động cộng đồng đó làm nền tảng của sự vận hành chính là xã hội dân sự, hay xã hội công dân.

Và hình ảnh của một xã hội dân sự đang manh nha hình thành ở Việt Nam như là một hệ quả của sự phát triển kinh tế xã hội vượt bậc trong những năm vừa qua (mà nhiều lúc chúng ta cũng không ngờ hết sức mạnh và tốc độ của nó). Quan điểm của chúng ta do vậy cũng cần thay đổi theo: xã hội có những nhu cầu biểu hiện riêng biệt mà Nhà nước cần tôn trọng, không thể làm thay hay cấm đoán mãi được.

Ví dụ cụ thể là phải coi biểu tình như một hoạt động dân sự thông thường và cần thiết. Vấn đề của Nhà nước hiện nay không phải là làm thế nào để khống chế những vụ biểu tình tiếp theo mà làm thế nào để nâng tầm quản lý của Nhà nước đáp ứng được nhu cầu xã hội này, làm thế nào để Quốc hội có thể sớm triển khai soạn thảo và ban hành Luật biểu tình.

Một điểm đáng chú ý là Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài đã đích thân ra tận nơi nói chuyện và mời thanh niên vào Nhà văn hóa Thanh niên đối thoại. Mong rằng những nhà lãnh đạo các Tỉnh, thành phố khác, cũng như MTTQ, Đoàn, ... tổ chức thêm nhiều cuộc thảo luận công khai để nhân dân bày tỏ ý kiến.

Nhớ lại năm 2003 chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc mítting, hội thảo đông đảo để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Iraq, lẽ nào chúng ta không làm được điều này khi vấn đề (dù không tương tự) đang xảy ra trên đất Việt Nam ?

Cảnh báo và đòi hỏi

Trước cuộc biểu tình cũng đã có rất nhiều tin nhắn cho rằng sẽ có những kẻ phản động, người của các thế lực thù địch trà trộn gây rối, kích động chống phá nhà nước. Lời tường thuật của những người trong cuộc đã trả lời rất rõ ràng cho điều này.

Cuộc biểu tình vừa rồi chỉ có một mục đích và tiếng nói duy nhất: bày tỏ lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc một cách độc lập của người dân Việt nam.

Những cảnh báo này quá coi thường người biểu tình. Chính những người tham gia biểu tình là những người có ý thức nhất. Họ hiểu những gì mình làm, hiểu những gì là giới hạn và nhất là không dễ bị dụ dỗ theo những mục đích chính trị khác.

Chỉ cần hình dung ai đó tự nhiên hô lên "đả đảo chính quyền Việt nam" hay "đòi tự do dân chủ" thì chẳng cần đến lực lượng an ninh, chính những người biểu tình sẽ tống khứ họ.

Những cảnh báo này thực tế đã cố tình gán ghép việc "đòi hỏi dân chủ của những người đối lập" với nguyên nhân của cuộc biểu tình nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Cuộc biểu tình này cũng là một bài test về việc người dân Việt nam có khả năng tham gia các hoạt động vận động xã hội hay không. Nó chứng minh cho chúng ta thấy là chúng ta có thể biểu tình ôn hòa như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là quy luật chung của tất cả các nước đang phát triển trên thế giới : Hàn quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi, ... biểu tình dần dần xuất hiện và đồng hành cùng sự phát triển.

Lập luận "Nước mình dân trí còn thấp ..." có lẽ sẽ không còn phù hợp để biện minh cho tính khả dụng của những hoạt động xã hội tương tự sau này.

Điều cuối cùng muốn nhắn nhủ cùng quý vị độc giả, là chúng ta hãy nghĩ đến một hành động rất cần thiết và có ý nghĩa hiện nay, đó là hãy xây dựng một đài tưởng niệm các chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ hải đảo của Tổ quốc, bao gồm 54 chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh năm 1974 tại Hoàng Sa và 72 chiến sỹ Việt Nam hy sinh tại Trường Sa năm 1988.

Theo BBC