itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Nhật Bản thiếu nhiều kỹ sư kỹ thuật bậc cao

Nhật Bản thiếu nhiều kỹ sư kỹ thuật bậc cao

Sự tinh thông về khoa học kỹ thuật đã biến Nhật Bản, một quốc gia bại trận sau Đệ nhị thế chiến, thành một siêu cường kinh tế. Thế nhưng, có vẻ như, lớp trẻ ở xứ sở hoa anh đào bây giờ không thèm quan tâm đến điều đó nữa.

Nước Nhật hiện đang thật sự đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư trong các lãnh vực kỹ thuật và công nghệ cao, lý do là số lượng người trẻ theo học các ngành này giảm xuống trong nhiều năm qua.

Các trường đại học gọi đó là “rikei banare”, hay “lẩn trốn khoa học”. Sự sụt giảm nhiều đến mức ngành công nghiệp này đã bắt đầu các chiến dịch quảng cáo, với ý đồ làm cho ngành kỹ sư trông thật gợi tình và mát mẻ (sexy and cool), và các công ty đang bắt đầu từ từ thâu nhận nhiều nhân công nước ngoài, hoặc chuyển nhiều việc làm cho kỹ sư Việt Nam và Ấn Độ.

Chính sự tinh thông khoa học đã biến quốc gia bại trận sau chiến tranh thành một siêu cường kinh tế. Nhưng theo các nhà giáo dục, nhà quản lý và chính bản thân giới trẻ ở Nhật, thế hệ trẻ ở đây đang hành xử giống như người Mỹ: Lựa chọn những ngành lương cao như tài chính và y khoa, hoặc các ngành nghề thiên về sáng tạo như nghệ thuật thay vì nối nghiệp bố, làm công ăn lương trong thế giới sản xuất chẳng mấy hấp dẫn.

Vấn nạn này không còn làm nước Nhật ngạc nhiên nữa. Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy người trẻ giảm niềm đam mê khoa học và kỹ thuật đã xuất hiện cách đây gần hai thập kỷ, và trong những năm gần đây số lượng sinh viên chuyên ngành khoa học kỹ thuật đã sụt giảm đều đặn. Nhưng cho đến bây giờ các công ty Nhật mới bắt đầu cảm thấy túng thiếu thực sự.

Theo ước tính của Bộ nội vụ, ngành công nghiệp kỹ thuật số ở đây thiếu gần nửa triệu kỹ sư.

Những kẻ săn lùng nhân tài đang bắt đầu giành giật các kỹ sư thâm niên bằng các giao kèo tiền thưởng béo bở, một kiểu mồi chài trước đây chưa từng xẩy ra trong giai đoạn mà chủ nghĩa tư bản của Nhật chưa gay gắt như bây giờ.

Vấn đề này có vẻ còn tồi tệ hơn vì Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. “Nước Nhật đang ngồi trên một quả bom của thời nhân khẩu học,” Kazuhiro Asakawa, giáo sư kinh doanh của Đại học Keio, bình luận. “Một vụ nổ sẽ xẩy ra. Họ nhìn thấy điều đó đang đến, nhưng không mấy ai quan tâm đầy đủ đến vấn nạn này cả.”

Sự thiếu hụt này đang làm gia tăng nỗi lo lắng về sức cạnh tranh của Nhật Bản. Trung Quốc hàng năm đào tạo khoảng 400.000 kỹ sư ra trường, hy vọng nay mai sẽ chiếm mất vị thế của Nhật khi Châu Á trở thành một cường quốc kinh tế lớn nhất.

Sợ các ngành công nghiệp kỹ thuật được ca tụng bị tụt hổng, Nhật Bản đang ra sức thu hút nhiều công dân trẻ theo học các ngành khoa học và kỹ thuật. Nhưng các chuyên gia lao động nói những giải pháp muộn màng này còn ít và có thể không khắc phục được vấn đề.

Các sinh viên Đại học Utsumomiya, nằm ở phía bắc Tokyo, đang thực tập mô hình

Trong lúc đó, nước này đã và đang từ từ thâu nhận nhiều kỹ sư nước ngoài, nhưng không có lãnh vực nào cần nhiều như công nghiệp.

Người ta đổ thừa một phần nguyên nhân là do văn hóa bài ngoại thâm căn cố đế, nhưng các công ty lại cho rằng ngôn ngữ và văn khóa công ty khép kín của Nhật cũng tạo ra nhiều rào cản khiến các kỹ sư chỉ còn cách từ chối nhận việc, ngay cả khi họ đã được tuyển dụng.

Kết quả là một số công ty đang chuyển nhiều công việc nghiên cứu sang Ấn Độ và Việt Nam vì, theo họ, công việc đó dễ dàng hơn là đưa các nhân viên này qua Nhật làm việc.

Vấn đề chính yếu có thể xuất phát từ những quan niệm về sự giàu có của người Nhật. Một số người trẻ -- được sinh ra trong một xã hội phồn thịnh, xa lạ với những gian khổ thời hậu chiến mà cha mẹ và ông bà của họ đã nếm trải -- không nhận ra được giá trị của sự học hành vất vả khi họ có thể kiếm tiền, được tiếp xúc với nhiều người khác hay có nhiều trò vui thú hơn.

Kể từ năm 1999, theo Bộ Giáo dục, số lượng sinh viên chuyên ngành khoa học kỹ thuật đã giảm xuống 10%, chiếm 503.062 người (trong đó sinh viên nước ngoài chỉ chiếm 1,1%). Bộ này cho biết số sinh viên chuyên ngành nghệ thuật sáng tác và các ngành liên quan đến sức khỏe lại tăng lên.

Hồ sơ nộp vào ngành kỹ thuật tại Đại học Utsunomiya, cách Tokyo một giờ đồng hồ về phía bắc, đã giảm 1/3 kể từ năm 1999. Bắt đầu từ năm ngoái, trường đại học này đã nỗ lực thu hút sinh viên bằng cách đưa thêm phần hướng dẫn thực hành vào chương trình giảng dạy, vốn rất nặng về lý thuyết.

Toyohiko Yatagai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quang học của trường này, cho biết nhờ thay đổi mà lớp chế tạo ống kinh máy chụp ảnh, hợp tác với hãng Canon, đã thu hút 70 sinh viên, gấp hai lần số sinh viên theo học so với mong đợi.

Nhưng chính các sinh viên ngành kỹ thuật nhận thấy bản thân họ mất hết thể diện. Masafumi Hikita, 24 tuổi, sinh viên chuyên ngành kỹ thuật năm cuối, cho biết hầu hết bạn học thời phổ thông của anh đã chọn các chuyên ngành kinh tế với mục đích “kiếm tiền dễ dàng hơn” trong các lãnh vực tài chính và ngân hàng. Anh nói bạn bè của anh ngạc nhiên khi anh chọn ngành kỹ thuật, vốn khó nuốt và có tiếng ra trường muộn.

Tuy nhiên, anh Hikita và các sinh viên cùng ngành nói, số lượng ít tạo cho họ lợi thế đắt đỏ trong mắt các nhà tuyển dụng. Một cuộc khảo sát của Bộ Lao động năm ngoái cho biết cứ mỗi sinh viên chuyên về các lãnh vực này, chẳng hạn ngành máy điện tử, thì có sẵn 4,5 chỗ làm.

“Chúng tôi không cần tìm việc,” Kenta Yaegashi, 24 tuổi, cũng là một sinh viên năm cuối, phát biểu. “Họ tìm kiếm chúng tôi.” Anh cho biết bố của anh, một kỹ sư, ghen tị về thị trường cao giá trong các lãnh vực này, vốn không còn đông đúc như hồi ông ấy từng đối mặt cách đây 30 năm. Ngay cả các nhà sản xuất hàng đầu, trước kia chỉ chọn các đại học ưu tú, hiện cũng phải quyến rũ nhân tài. Điều này có nghĩa là các công ty phải thích ứng nhằm thu hút các thái độ xã hội đang thay đổi.

Chính vì vậy, hãng Nissan nói với các sinh viên rằng họ có thể phát triển nghề nghiệp nhanh chóng hơn tại hãng so với tại các công ty truyền thống của Nhật. Công ty sản xuất xe hơi này nhấn mạnh nó tạo cơ hội thăng chức nhanh hơn, trả lương cao hơn và thậm chí “huấn luyện nghiệp vụ” để giúp các tài năng trẻ thăng tiến.

Hitoshi Kawaguchi, phó giám đốc cao cấp phụ trách về nhân sự của Nissan, nhận xét: “Sinh viên ngày nay đòi hỏi khắt khe và cá nhân chủ nghĩa hơn, giống như người Phương Tây.”

Một mẫu quảng cáo, ngoài phần kỳ cục, dành cho ngành công nghiệp thép miêu tả một người chơi đàn ghi-ta tóc dài, mặc quần bó sát đang gân cổ hát các bản “rốc Metal!”

Nguồn nhân lực mà Nhật Bản chưa khai thác đầy đủ là nhân công nước ngoài – không giống như Thung lũng Silicon ở Mỹ, đầy chuyên viên công nghệ thông tin hay IT đến từ các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo thống kê của chính phủ, năm 2006 Nhật có 157.719 người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề cao cấp, gấp đôi cách đó một thập kỷ, nhưng vẫn cách xa lắm con số 7,8 triệu người ở Mỹ. Các chuyên gia lao động cho biết Anh cũng đang ráo riết tuyển dụng các kỹ sư nước ngoài, giống như Singapore và Hàn Quốc.

“Nhật đang rớt xuống khỏi thị trường toàn cầu về các kỹ sư IT hàng đầu,” Anthony D’Costa, giáo sư Trường Kinh doanh Copenhagen, người đã nghiên cứu về sự di trú của các kỹ sư Ấn Độ, phát biểu.

Hiện nay các công ty đang tranh dành để thay đổi chiến thuật.

Chẳng hạn, Kizou Tagomori, giám đốc tuyển dụng của Fujitsu, cho biết công ty sản xuất máy tính này và các chi nhanh của nó thông thường thiếu 10% trong mục tiêu tuyển dụng 2.000 nhân viên mới hàng năm. Công ty đã bắt đầu tuyển dụng người nước ngoài để làm việc ở Nhật, vì lo sợ thiếu hụt nhân công thường xuyên.

Bắt đầu từ năm 2003, mỗi năm Fujitsu tuyển khoảng 30 người nước ngoài, hầu hết là người Châu Á đã tốt nghiệp từ các trường đại học Nhật. Bước đầu, nhiều giám đốc lưỡng lự nhận họ, nhưng ông Tagomori nói, bây giời thì họ đang được chào đón.

Ông cho biết 10 nhân viên người Ấn Độ của Fujitsu ở Nhật đã lôi kéo được một số đồng nghiệp của họ để thành lập một đội crikê.

Nhưng Fujitsu vẫn duy trì một ngoại lệ. Trong một cuộc khảo sát của Bộ Kinh tế năm ngoái, 79% công ty Nhật nói họ chưa có các kế hoạch thuê kỹ sư nước ngoài hoặc đang còn lưỡng lự. Bộ này cho biết các nhà quản lý vẫn lo ngại rằng những người nước ngoài không thể thích nghi với ngôn ngữ và văn hóa của công ty Nhật.

Để đánh bại các quan điểm này, bộ này đã thành lập Quỹ Nhân tài Châu Á, mỗi năm chi 30 triệu Mỹ kim để đào tạo tiếng Nhật nhằm giúp họ tìm kiếm công việc tại đây.

“Nếu các sinh viên này làm việc tốt, họ có thể thay đổi thái độ của người Nhật một cách mạnh mẽ,” Go Takizawa, phó giám đốc Ban chính sách nhân sự của bộ này, nhận xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia lao động cảnh báo Nhật Bản có thể đang làm quá ít, quá chậm. Họ nói nước này đã từng bị mang tiếng xấu khi phân biệt đối xử với nhân viên ngoại quốc, bằng những đảm bảo việc làm yếu kém và cam kết lương bổng lỏng lẻo. Các chuyên gia nói người Ấn Độ và các kỹ sư khác thường chọn các thị trường mở giống như Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng công ty Nhật thành công nhờ xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại những nước có lượng kỹ sư dư thừa. Trung tâm Kỹ thuật Toyo, chuyên thiết kế các nhà máy hóa chất, cho biết nó và các chi nhánh hiện nay thuê hơn 3.000 kỹ sư nước ngoài, hầu hết là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, trong khi số kỹ sư người Nhật chỉ có 2.500 người.

Vì công ty Nhật vẫn còn do dự thuê nhân công ngoại quốc, nửa tá công ty đã lấp lỗ hổng này bằng cách mướn các kỹ sư Trung Quốc và Nam Hàn gửi sang Nhật thường xuyên. Một trong những công ty lớn nhất là Altech, đã thành lập các trung tâm đào tạo tại hai đại học của Trung Quốc để tuyển sinh viên ngành kỹ thuật và đào tạo tiếng Nhật và văn hóa công ty cho họ. Trong số khoảng 2.400 kỹ sư của Altech, có 138 người Trung Quốc, và công ty dự kiến thuê nhiều hơn mức 200 người mỗi năm.

Một trong những người đầu tiên mà hãng này thuê cách đây 2 năm là He Xifen, một kỹ sư cơ khí 27 tuổi của Trường Đại học khoa học và Công nghệ Qingdao. Cô cho biết bạn bè của cô ở Trung Quốc ghen tỵ vì cô làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến của Nhật, và được trả lương cao hơn gấp ba hay bốn lần so với ở Trung Quốc.

Trong khi các công ty Nhật lúc đầu không biết sẽ xử trí như thế nào với nhân công nước ngoài nhưng, cô cho biết, họ thích ứng nhanh chóng và cô thường cảm thấy thoải mái.

“Các kỹ sư nước ngoài đang được đón nhận,” Shigetaka Wako, phát ngôn nhân của Altech, cho biết. “Nhật Bản đang nhận thức một cách chậm chạp rằng nền kinh tế nước này không thể tiến bước nếu như không có nhân công nước ngoài.”

Nguyên văn bài viết: High-Tech Japanese, Running Out of Engineers của tác giả Martin Fackler, đăng trên New York Times, ngày 17-5- 2008.

Thao Nguyễn chuyển ngữ