itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Chuyện buồn trên những chuyến đi

Chuyện buồn trên những chuyến đi

Ảnh Hoàng Lương

ItaExpress - Có những số phận hiện lên trên những lá thư khiến chúng tôi, những người trực tiếp tham gia thẩm định hồ sơ Quỹ ITA-s không khỏi ngậm ngùi. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những điều khiến cho chúng tôi rất phiền muộn.

Chuyện tôi kể ra đây như một ví dụ, và hy vọng rằng, đó chỉ là trường hợp cá biệt trong hồ sơ Quỹ ITA-s.

“Không con nhờ cậy, không ruộng vườn, tài sản”

“Tôi tên Phan Văn Khi, 81 tuổi, vợ tên Cao Thị Ba, 80 tuổi ngụ số 184 ấp Bình Hòa, tổ 5, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Vợ chồng già yếu, không con nhờ cậy. Nhà nghèo, không ruộng vườn, không tài sản. 10 năm sống bằng nghề trồng rau muống bán….Thưa ông bà và quý cơ quan, hoàn cảnh của chúng tôi quá neo đơn, không tiền, không gạo, bệnh tật phải thang thuốc mỗi ngày. Già cả không làm chi có tiền nuôi thân. Tôi cầu xin ông bà cứu giúp cho một đôi trăm (tùy ông bà cho) chúng tôi có sự sống…”

Bức thư đã được dùng để gửi sự khẩn cầu đi nhiều nơi. Ảnh Hoàng Lương

Bức thư có lẽ là đã được gửi đi khẩn cầu sự trợ giúp ở nhiều nơi, chúng tôi nhận định thế. Hoàn cảnh của gia đình ông Khi nêu trong thư, tuy không thuộc đối tượng nào được trợ cấp trong ba quỹ ITA, nhưng tôi vẫn gửi email cho Chủ tịch Quỹ. Tôi nhận được chỉ thị, vì hoàn cảnh quá đặc biệt nên vẫn tiến hành xét trợ cấp. Tôi sắp xếp về Bến Tre ngay sau đó.

Bến Tre - Theo dòng địa chỉ.

Quãng đường TP Hồ Chí Minh – Bến Tre lạ lẫm với tôi, một người mới chân ướt chân ráo từ Hà Đông vào Nam công tác. Khung cảnh miền Tây dần một rõ ràng, này dừa, này mênh mông sông nước… những thứ mà trước đó tôi chỉ mới biết đến qua từng trang sách. Từ Sài Gòn qua Long An, qua Tiền Giang, qua phà Rạch Miễu vượt sông Hậu, tôi đã đến Bến Tre. Sau buổi làm việc với Báo Đồng Khởi, Sở Lao động thương binh và xã hội, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre. Tôi có buổi làm việc với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre, tại đây, hàng loạt những câu chuyện, hình ảnh về những gia đình, những số phận khốn cùng tới tấp dội vào cuốn sổ ghi chép của mình. Chị Nguyễn Hồng Lệ, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre hỏi:

- Sau đây em có đến làm việc với cơ quan nào nữa không?

- Dạ không, em ghé thăm một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở huyện Bình Đại.

- Về Bình Đại à? Em về chỗ nào? Thị trấn à?

- Dạ, vâng, thị trấn Bình Đại, ủa, mà sao chị biết hay thế?

Hơi nhổm người về phía trước, chị Lệ hỏi dồn

- Em về nhà ai ở thị trấn Bình Đại?

- Dạ, nhà ông Khi ạ?

- Hả? Có phải là ông Phan Văn Khi có vợ là bà Cao Thị Ba không?

- Ơ, đúng rồi, sao chị biết hay vậy?

Đại diện Quỹ ITA-s làm việc với chị Nguyễn Hồng Lệ, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
tỉnh Bến Tre. Ảnh Ngọc Khánh

Chị Lệ thở dài, bảo anh Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ công tác xã hội của Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Bến Tre lấy cho tôi xem một bức công văn.

Bản công văn của UBND thị trấn Bình Đại và sự hồ nghi

Cầm bản công văn trên tay, tôi lặng lẽ rời khỏi thị xã Bến Tre đi về huyện Bình Đại. Trên trời dưới đất Bến Tre là dừa, tuy nhiên, tôi đã không còn tâm tư đâu mà ngắm nhìn xung quanh. Những câu chữ trong bức công văn rộn lên những hồ nghi. Mưa. Đột ngột mưa, mưa mịt mù. Chiếc Zace vẫn lầm lũi đi. Từng vạt dừa oằn mình trong sức gió giật liên hồi. Những chiếc cầu gỗ nhỏ xíu rung lên bần bật dưới gầm xe…

Con đường đất nhỏ chạy quanh quéo theo địa chỉ trên bì thư. Tìm mãi mới đến nơi. Tôi thận trọng bảo người lái xe đậu thật xa. Xắn quần, đội mưa, tôi lếch thếch vào nhà ông Phan Văn Khi. Đàn chó sủa ầm ĩ khi phát hiện ra hơi người lạ.

Khi ấy, trời mới tạnh mưa.

Sự thật về niềm vui hay thất vọng?

Tôi đứng nhìn ngôi nhà nhỏ. Những hồ nghi vẫn quẩn quanh. Tôi bước vào. Một người phụ nữ trạc 50 tuổi đang lúi húi, ngỡ là bà Ba, tôi cất tiếng chào. Nhưng không phải, đó là một người – giúp – việc – của – ông Khi.

Ông Phan Văn Khi. Ảnh Hoàng Lương
Ngôi nhà của ông Phan Văn Khi và bà Cao Thị Ba. Ảnh Hoàng Lương

Ông Khi đang nằm ngủ ở chái nhà. Ông hỏi tôi từ đâu tới, tôi trả lời mình từ Bến Tre xuống chơi, có biết con gái ông, tiện đường đi qua thì ghé thăm ông 1 chút. Tôi tuyệt nhiên không đả động gì đến Quỹ ITA-s. Nhìn bộ dạng lếch thếch của tôi, hẳn ông Khi cũng không nghi ngờ gì. Ông bị điếc, nên tôi nói chuyện với cô Năm, người giúp việc cho gia đình ông. Vợ ông đang bị bệnh chữa trên thị xã Bến Tre, ở nhà cô con gái. Bản thân ông Khi bị nặng tai và bị khớp.

Cạnh chái nhà tuềnh toàng là một cánh cửa. Lối bước vào căn nhà chính của ông. Thuận mồm theo câu chuyện, ông Khi mở cửa cho tôi xem.

Một chiếc phản hay sập gỗ vì tối quá tôi nhìn không rõ, một chiếc tủ chè và một chiếc xe máy được đậy kín.

Cô Năm Phượng, người giúp việc cho gia đình ông Khi. Ảnh Hoàng Lương

Căn nhà của ông dù nhỏ nhưng không đến nỗi nào.

Và một người phụ nữa giúp việc, mỗi tháng được trả 400 nghìn tiền công.

Hoàn toàn không giống với lá thư ông Khi gửi choQuỹ ITA-s.

Bức công văn của UBND thị trấn Bình Đại.

Lẽ ra, tôi phải mừng khi thấy hoàn cảnh gia đình ông không đến nỗi nào. Phải. Nhưng, có một điều như là thất vọng, như là chua xót cứ ngấm ngầm không giấu diếm nổi. Bản công văn của UBND thị trấn Bình Đại trĩu nặng trong tay.

Ông Phan Văn Khi và bà Cao Thị Ba, thường trú tại số nhà 184/BH ấp Bình Hòa, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, Bến Tre. Năm 1999 ông được địa phương bình nghị đưa vào hộ nghèo loại C. Đến năm 2000 gia đình ông Khi đã thoát nghèo và hiện nay hộ ông đã thuộc loại khá. Gia đình có một người con gái là giáo viên ở thị xã Bến Tre. Bên cạnh đó, vào năm 2002, gia đình ông bán một số diện tích đất trên dưới 20 cây vàng. Hiện nay, căn nhà tương đối ổn định, có phương tiện nghe nhìn, xe honda phục vụ đi lại. Thời gian qua, ông Phan Văn Khi và bà Cao Thị Ba đã viết đơn gửi nhiều cơ quan, đơn vị mạnh thường quân và nhiều đơn vị từ thiện khác với nội dung hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn. Nhưng hiện tại, gia đình thuộc loại khá và hàng tháng có sự săn sóc của người con gái ở thị xã Bến Tre. Vào năm 2003, UBND huyện Bình Đại chỉ đạo UBND thị trấn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố đối với ông Phan Văn Khi và được bà con đóng góp chân tình. Nhưng, đến nay ông Phan Văn Khi và bà Cao Thị Ba chưa khắc phục tốt….”

Lời kết.

Tôi xin mượn lời cuối cùng trong bức công văn của UBND thị trấn Bình Đại thay cho lời kết của bài viết này. Dù phiền muộn song chúng tôi vẫn tin rằng, câu chuyện ấy chỉ là cá biệt: “Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo đang gặp khó khăn. Nhưng đối với gia đình ông Phan Văn Khi và bà Cao Thị Ba thì không thể chấp nhận được. Do đó, với lòng hảo tâm của Công ty xin nhượng lại cho một số hộ đang ngặp khó khăn khác ở địa phương.”

Và cũng cùng chung suy nghĩ ấy, chúng tôi lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm để sẻ chia. Điểm đến tiếp theo là hoành cảnh của một gia đình quân nhân phục viên Lê Văn Mười, liệt hai chân, vợ bị lòa, ba con nhỏ, một mẹ già, thuộc diện cần trợ cấp khẩn cấp thường xuyên của tỉnh Bến Tre. Chúng tôi sẽ đề cập đến ở bài viết sau. Còn bây giờ, các bạn hãy nhìn gương mặt cháu bé này:

Bé Trực. Ảnh Lại Thu Giang

Cháu là Lê Văn Trực, con trai út của anh Lê Văn Mười, gương mặt ấy cùng với những gì được chứng kiến ở căn nhà tồi tàn ấy theo chúng tôi về lại Sài Gòn mãi, để tiếp tục công việc cần mẫn không mệt mỏi bên những chồng hồ sơ…

Sài Gòn tháng 6/2007

Lại Thu Giang