itaexpress / Tin ITA / Chứng khoán ITA / Công bố thông tin / 12/11: ITA được khuyến nghị nắm giữ vì hiện tại nằm trong nhóm có P/B thấp hơn 1

12/11: ITA được khuyến nghị nắm giữ vì hiện tại nằm trong nhóm có P/B thấp hơn 1

Ngày 12/11, trên VietStock có bài nhận định cho rằng ITA nằm trong nhóm có P/B thấp hơn 1 (giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách), và khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc nắm giữ một số cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn so với giá trị sổ sách.

Vốn hóa thị trường lớn, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm cao, chỉ tiêu tài chính tốt, ảnh hưởng khá lớn đến thị trường nhưng giá lại khá thấp. Cổ phiếu blue-chips trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua.

Theo thống kê của CTCK Hòa Bình (HBS), hiện tại nhóm 50 cổ phiếu lớn nhất đang chiếm 71.75% tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường, tăng khá mạnh so với mức 62.74% trong lần thống kê trước của công ty này. Điều đó cho thấy trong thời gian thị trường giảm vừa qua, các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá nhỏ có mức giảm mạnh hơn so với nhóm blue-chips.

Vốn hóa lớn nhất là VCB với 1,210 triệu cổ phiếu, chiếm tới 6.36% toàn thị trường. Cổ phiếu có mức vốn hoá nhỏ nhất trong nhóm này là MPC, với số lượng cổ phiếu lưu hành là 70 triệu cổ phiếu, giá trị thị trường tính tới thời điểm này là 2,233 tỷ đồng.

Tổng tài sản trên 1,000 tỷ đồng và D/E cao

Quy mô tổng tài sản của nhóm cổ phiếu lớn đều hơn 1,000 tỷ đồng và ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu có quy mô lớn nhất thị trường, đứng đầu là CTG tiếp đến là VCB. Bốn mã cổ phiếu có tổng tài sản lớn hơn 100,000 tỷ đồng là CTG, VCB, ACB và STB.

Xét về tỷ lệ sử dụng nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E), các doanh nghiệp này đều ở mức cao. Theo HBS, có 50% số doanh nghiệp thuộc nhóm này có mức sử dụng nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp có tỷ lệ này cao đều là các cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể, CTG, ACB, SHB và VCB đều có tỷ lệ D/E cao hơn 10 lần. Tỷ lệ D/E thấp nhất trong nhóm cổ phiếu này là OCH với mức 0.051 lần.

Khả năng hoàn thành kế hoạch cao

Trong số 50 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất có 47 công ty đã công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2010. Đứng đầu lợi nhuận sau thuế 9 tháng vẫn là VCB với trên 3,134 tỷ đồng, tiếp đó phải kể đến VNM với mức lợi nhuận lên tới gần 2,885 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 9 trên 44 doanh nghiệp đạt trên 100% kế hoạch lợi nhuận năm 2010 như PVT, PPC. DPR, VPL, DPM, PHR, VNM, SJS và POM. Đồng thời có 56.81% các doanh nghiệp hoàn thành trên 70% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chỉ tiêu tài chính tốt

Nhóm cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường đều thuộc những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá tốt. Xét về EPS 9 tháng đầu năm, NTL là đạt hơn 10,000 đồng, tiếp đến là các cổ phiếu DHG, FPT và VNM đều có EPS 9 tháng đạt cao hơn 8,000 đồng.

Cổ phiếu có EPS thấp nhất trong nhóm này là KLS, do KLS liên tục lỗ trong các quý năm 2010, thấp thứ 2 sau KLS là OCH với EPS 9 tháng đạt 0.053 đồng. EPS của OCH thấp là do trong năm 2010 các dự án của OCH mới đang xây dựng, một số dự án đang triển khai xây dựng, OCH vẫn chưa có doanh thu từ các dự án này, mà lợi nhuận chủ yếu vẫn từ hoạt động tài chính.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, cổ phiếu có BV cao nhất là GMD đạt mức 46,963 đồng/cp. Cổ phiếu có BV thấp nhất trong nhóm là cổ phiếu SHB với BV là 8,640 đồng/cp. Ngoài ra, có tới 30% cổ phiếu có BV nhỏ hơn 12,000 đồng/cp. Và P/B trung bình toàn thị trường vào thời điểm hiện tại là 2.5 lần.

Trong nhóm cổ phiếu này thì 24% có P/B cao hơn mức trung bình toàn thị trường, còn lại 76% thấp hơn mức trung bình toàn thi trường.

Cổ phiếu có P/B cao nhất nhóm cổ phiếu này là SQC với mức P/B đạt 7.591 lần, cổ phiếu có P/B thấp nhất là cổ phiếu GMD với mức 0.692 lần.

Có 7 cổ phiếu trong nhóm này có P/B thấp hơn 1 (tức giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách) là các cổ phiếu REE, ITA, PVT, PPC, STB, PVIGMD.

Biến động giá trong vòng 6 tháng

Trên cơ sở khảo sát 50 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất, HBS cho biết, một điều khá đặc biệt là hầu hết các cổ phiếu này đều giảm giá trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Chỉ có 6/50 cổ phiếu tăng giá bao gồm MSN (+57.50%), BVH (+39.27%), VIC (+32.32%), VPL (+14.69%), FPT (+11.46%) và DPM (+4.59%). Các cổ phiếu còn lại đều giảm so với giá 6 tháng trước đây. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là KLS với mức giảm lên tới -50.41%, tiếp đó là PVI với mức giảm -46.77%.

Với kết quả khảo sát trên, HBS cho rằng, đây là cơ hội để nắm giữ các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, EPS cao và có mức giá giảm mạnh, đồng thời có thể cân nhắc nắm giữ một số cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn so với giá trị sổ sách.

Theo Viết Vinh/ VietStock