itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Công nghệ mới / Tản mạn từ chiếc iPad dành cho đại biểu dân cử

Tản mạn từ chiếc iPad dành cho đại biểu dân cử

Ở các nước, đại biểu dân cử được hưởng rất nhiều tiện nghi, điều kiện vật chất làm việc thuận lợi. Thông thường, mỗi dân biểu được cấp riêng một văn phòng làm việc và cả ôtô công vụ, kèm theo một khoản kinh phí riêng để chi phí, trên lý thuyết, cho các công tác gắn với chức vụ đại diện cử tri của mình, bao gồm việc thuê thư ký, chuyên gia, lái xe,... So với nhiều vị trí then chốt trong bộ máy quản lý nhà nước chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ vật chất dành cho các ông nghị cao hơn nhiều.

Bởi vậy, việc chính quyền thành phố Hà Nội trang bị cho mỗi đại biểu HĐND thành phố một chiếc iPad bằng tiền lấy từ ngân sách công tự nó chưa hẳn là việc làm quá đáng, mang tính ưu đãi kiểu đặc quyền, đặc lợi, như nhận xét của nhiều người.

Chỉ có điều, đổi lại với sự chăm lo săn sóc chu đáo bằng tiền của người đóng thuế, dân biểu ở các nước phải làm việc toàn thời gian, nghĩa là phải dấn thân trọn vẹn cho công việc đại diện cử tri, không được dùng thời gian lao động làm việc khác. Suy cho cùng, chỉ khi nào dân biểu được coi là một nghề, thì xã hội mới có điều đánh giá hiệu quả của việc đầu tư, dựa vào hiệu quả của công việc thực hiện trong khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp của người thụ hưởng sự đầu tư đó.

Thực ra chẳng ở đâu người ta bảo đảm được một cách tuyệt đối hiệu quả hoạt động của dân biểu tương xứng với sự đầu tư, đãi ngộ mà người đóng thuế dành cho mình. Lợi ích vật chất luôn có sức hấp dẫn, cám dỗ đối với con người và vẫn có chuyện nhiều ông nghị, sau khi trúng cử, chỉ chăm chú tận hưởng các tiện nghi, bổng lộc gắn với chức vụ, rồi xao lãng phận sự công. Thậm chí, có người còn lợi dụng quyền đặc miễn được luật pháp dành cho đại diện dân cử để làm những điều phi pháp như buôn bán đồ quốc cấm, rửa tiền.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này, cần đặt hoạt động của dân biểu dưới sự giám sát chặt chẽ của cử tri. Người đại diện dân cử phải thường xuyên tiếp xúc cử tri nơi đã ứng cử để giải trình về công việc của mình, đồng thời phải công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật, về hành vi của mình, đặc biệt là trong việc sử dụng tiền bạc, tài sản mà người dân cấp cho mình. Một khi hiểu rằng cử tri có quyền và có khả năng dùng lá phiếu bầu để trừng phạt những người đại diện bất xứng, bội ước khi tái ứng cử, thì các ông nghị có thể, theo bản năng tự vệ để sinh tồn, sẽ dè chừng, tránh bị coi là sa đà vào lối sống xa hoa thiếu lành mạnh, thiếu trách nhiệm đối với cử tri, với xã hội.

Ở nước ta, chế độ đại diện dân cử chưa hoàn toàn chuyên nghiệp. Phần lớn đại biểu Quốc hội, HĐND là những người đảm nhận các chức vụ then chốt trong bộ máy quản lý nhà nước và chỉ kiêm nhiệm chức vụ dân cử. Chiếc iPad trong câu chuyện ồn ào mấy ngày vừa qua được cấp, trên danh nghĩa, cho đại biểu HĐND chỉ để phục vụ cho công việc gắn với thân phận ấy. Nhưng chẳng hạn, do người đại biểu đồng thời là hiệu trưởng một trường đại học công lập hoặc giám đốc một sở, thì chiếc máy tất nhiên cũng thường xuyên được sử dụng cho các công việc gắn với chức vụ quản lý. Trong điều kiện đó, sẽ rất khó đánh giá riêng hiệu quả của việc đầu tư của xã hội cho việc thực hiện chức năng dân biểu, bởi hầu như không thể tách bạch các khoảng thời gian sử dụng tài sản liên quan cho nhiều việc thuộc các chức phận xã hội, nghề nghiệp khác biệt. Mà nếu không đánh giá được về hiệu quả, thì việc đầu tư phải bị coi là một vụ lãng phí.

Bức xúc từ sự lãng phí đó có thể còn gia tăng do cộng hưởng với nỗi bức xúc khác hình thành từ hiện tượng thờ ơ nhiều khi rất khó hiểu của cơ quan đại diện dân cử nơi này, nơi kia đối với những nỗi niềm, nguyện vọng, sự ưu tư, trăn trở của người dân. Theo đúng chức năng đại diện, người dân biểu phải tích cực nắm bắt thông tin và kịp thời đưa những vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội ra trước nghị trường để phân tích, giải quyết, đồng thời kiên trì bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri trong quá trình tìm kiếm giải pháp. Những cuộc xung đột, như vụ Tiên Lãng chẳng hạn, phải là tâm điểm của các cuộc thảo luận về tình hình địa phương nơi xảy ra sự việc trong khuôn khổ kỳ họp gần nhất của cơ quan đại diện dân cử sở tại nhưng mới đây, phó chủ tịch HĐND Hải Phòng nại lý do các cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét giải quyết nên “khi nào có kết quả” hội đồng mới “báo cáo với cử tri”.

Từ những gì đang diễn ra, dễ có cảm giác không ít dân biểu hiện không hề e ngại về sức ép từ việc giám sát của cử tri, không lo sợ về việc cử tri có thể làm gì đó trong khuôn khổ pháp luật, ảnh hưởng xấu đến chiếc ghế dân biểu của mình.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện