itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Nét văn hóa Việt tại Trường Nus

Nét văn hóa Việt tại Trường ĐHQG Singapore (Nus)

Du học sinh VN vui Tết

Để đánh giá được sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng du học sinh, bạn sẽ dựa vào yếu tố gì? Một câu hỏi thử đặt ra nhận được rất nhiều câu trả lời của các bạn du học sinh tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

90% câu trả lời đề cập đến yếu tố “văn hóa” bên cạnh các yếu tố khác như số lượng sinh viên, sự thành đạt, ảnh hưởng của cộng đồng với môi trường ngoài, v.v.

Trong bài viết này, tôi xin được phác họa một nét văn hóa Việt Nam tồn tại và ngày càng phong phú trong một không gian 3x4m2 tại NUS – đó là quán ăn S-V ở căn tin The Terrace của chị chủ quán Hồng Điệp.

Không du học sinh Việt Nam nào không biết đến chị chủ quán nhỏ người nhưng rất hoạt bát này bởi các bạn ít nhất một lần nghe nói đến và được thưởng thức những món ăn khẩu vị Việt Nam do chị đứng bếp nấu. Cách đây 4 năm, có một cô gái “theo chồng bỏ cuộc chơi” đặt chân đến quốc đảo sư tử để bắt đầu một cuộc sống mới. Với cá tính mạnh mẽ và độc lập cùng với mong ước cải thiện cuộc sống cho cộng đồng sinh viên Việt Nam, chị Điệp đã tự một tay mở quán S-V chuyên bán các món ăn Việt Nam với khẩu vị của người Việt Nam. Khi được hỏi về ý nghĩa tên của quán, chị giải thích S-V là hai chữ đầu của “Sinh Viên”, hàm ý rằng quán được mở ra để phục vụ nhu cầu ăn uống và ẩm thực cho sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên Việt Nam đi học xa nhà phải học hành, làm việc căng thẳng được thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà. S-V cũng là viết tắt của hai chữ Singapore - Việt Nam, tượng trưng cho tình thân ái giữa sinh viên Việt Nam và các bạn Singapore, với đất nước Singapore.

Quán chị Điệp có bún riêu, bún măng vịt, bò kho, và luôn có món phở - một món ăn truyền thống mà hầu như người nước ngoài nào cũng biết đến. Trước đây, chị chỉ nấu những món đơn giản như cơm thịt kho tàu, cá kho dứa, chả trứng, mực hiên bột, gà xào sả ớt, sườn heo xào măng, các món rau muống, bắp cải, cải xanh xào và có thêm canh chua, canh khổ qua dồn thịt, canh khoai sọ, v.v. Sau này, để đáp ứng nhu cầu ẩm thực tăng cao của các “khách hàng là Thượng Đế”, chị Điệp đã cải tiến và làm phong phú hơn thực đơn với những món ăn chơi như gỏi cuốn, chè chuối, bột lọc, bún thịt nướng, v.v. Trong triết lý kinh doanh của chị Điệp, quán S-V không chỉ đơn thuần trao đổi mua bán các món ăn Việt Nam mà bên cạnh đó, nó mang ý nghĩa rất lớn xây dựng và bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Chị chủ quán không chỉ là một doanh nhân mà chị còn là một người chị chăm sóc cho đàn em trong mỗi bữa ăn, một người bạn tâm sự và đưa ra lời khuyên chân thành và là một người đồng hương mang lại nét đẹp ẩm thực cho cộng đồng nước ngoài.

Từ khi quán chị Điệp mở cửa, cộng đồng du học sinh tại NUS có một không gian để tụ tập làm quen, chia sẻ về cuộc sống, truyền đạt kinh nghiệm học tập, bàn bạc các dự án hay đơn giản là để hòa mình và cảm nhận được sự yêu thương nơi đây. Có rất nhiều những mối tình sinh viên đã nảy nở tại đây, có rất nhiều những ước mơ thành công bắt nguồn từ chỗ này, có rất nhiều giọt nước mắt và những nụ cười được ghi dấu lại. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nước ngoài cũng chủ động tìm đến quán và gắn bó với quán bởi cái vị đậm đà và sự nồng hậu của chị chủ quán. Tôi cũng là một du học sinh tại NUS và tôi là một fan hâm mộ của chị. Có những lúc tôi đi học về trễ khi quán chị đã đóng cửa, chị sốt sắng múc thịt và cắt thêm cà chua cho tôi để đảm bảo bữa ăn có đủ rau và thịt. Hay khi quán sắp đóng cửa, chị khuyến mãi thêm gỏi cuốn hoặc canh chua; nhiều lúc chị gói ghém cẩn thận dặn dò “tối nay học khuya thì ăn lót dạ!”. Cũng có tình huống sinh viên đến cuối kì hết tiền, chị chủ luôn thông cảm và sẵn sàng cho nợ. Rồi đến lễ Tết, chị lại phục vụ bánh chưng, bánh tét và củ hành cho các bạn đón tết xa nhà. Trong các hoạt động ngoại khóa của cộng đồng du học sinh, chị luôn là nhà tài trợ nhiệt tình nhất. Cứ như thế mà các lứa sinh viên vào trường rồi lại ra trường, ai cũng sẽ bay cao bay xa để rồi sau này nhớ lại họ đã được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và sự gắn bó với S-V và với chị chủ quán tuy dáng người bé nhỏ nhưng có một tâm hồn sâu rộng.

Hương Mai