itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Vũ Quỳnh Hương: “Cần dung hoà giữa thực tế và tưởng tượng”

Vũ Quỳnh Hương: “Cần dung hoà giữa thực tế và tưởng tượng”

Tác giả Vũ Quỳnh Hương.

Câu chuyện “Trái tim của Sói” khá nổi tiếng trong “cộng đồng blog” từ khi tác giả Vũ Quỳnh Hương (có biệt danh neuyeuthiphainoi) bắt đầu đưa lên và hoàn thành dần từng phần.

Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Bách Việt ấn hành, ra mắt đầu tháng 3-2008. Tiền bán sách trong ngày đầu tiên được dành tặng cho các trẻ em bị bỏ rơi được nuôi ở chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. ItaExpress đã có cuộc trò chuyện với tác giả xung quanh cuốn tiểu thuyết này.

- Đọc “Trái tim của sói”, độc giả đều có chung cảm nhận nó giống một bài thơ tình hơn là tiểu thuyết. Phải chăng chị muốn tạo bước “đột phá” cho cách viết tiểu thuyết mới ở VN hay đó là cách “chơi trội” của một cô gái giỏi làm thơ và hoạt ngôn?

+ Tôi vốn là một người duy mỹ - thích mọi thứ đẹp dù là đẹp một cách ngọt ngào hay đau đớn. Vậy nên trong tư duy tưởng tượng và sáng tác của tôi, mọi loại hình nghệ thuật đều là những công cụ có tính tương đồng để đạt tới một mục đích duy nhất: tình người và cái đẹp. Nghệ thuật - về bản chất - chỉ là phương tiện để con người truyền tải và tôn lên những thăng hoa cảm xúc của mình, để trong thơ có nhạc, trong nhạc có văn, và trong văn có hoạ, không thể và không nên tách bạch. Tôi chọn những lãng đãng thơ trong văn vì nó là câu chữ tuôn chảy theo mạch cảm xúc tự nhiên, theo một bản năng viết tự nhiên chứ không là những gò ép lựa chọn. “Đột phá” hay “chơi trội” là những từ xa lạ với tôi khi sáng tác.

- Ngừng viết khá lâu, chị quay lại với sáng tác bằng một cuốn tiểu thuyết được đan cài rất nhiều sự kiện chi tiết và hấp dẫn mang phong cách báo chí. Có phải vì truyện ngắn không đủ tầm để những suy luận của chị được “bung” ra hết?

+ Dù nghệ thuật luôn là thế giới mở cho những tâm hồn yêu cái đẹp, nhưng mỗi thể loại văn chương lại có những yêu cầu riêng. “Trái tim của Sói” là một câu chuyện tình yêu phi không gian và thời gian, với những miên man dàn trải cả trong và ngoài nội tâm nhân vật. Sẽ là không đủ nếu sắp xếp trải nghiệm của cả một hoặc nhiều kiếp người vào vỏn vẹn ba nghìn chữ (hoặc tôi chưa đủ tài để làm được điều đó). Không viết được ngắn thì... đành viết dài vậy!

- Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, chị có nói: “Tôi viết sách không phải để bán”. Có phải chị sợ sách của mình kén chọn độc giả hay là tính tự kiêu của một người coi văn chương như cuộc dạo chơi?

+ Cả hai đều Không! Đơn giản vì tôi viết quá ít. Nếu coi văn chương là một món hàng – thì tôi là người buôn vụng. Từng chữ, từng câu trong văn tôi đều là những chiết khúc nhỏ giọt của cảm xúc, không vụng dại nhưng cũng không dễ dàng. Mà những thứ đã “nhỏ giọt” thì không nên trông chờ nó sinh lời lãi kinh tế. Nếu có ước vọng, chỉ nên mong rung cảm tâm hồn sẽ làm tâm hồn rung cảm, gieo yêu thương để tìm được những yêu thương thôi, đó mới là thứ tôi muốn nó “phát đạt” nhất khi viết.

- Khi sách của mình “bị chê”, nhiều tác giả biện minh: “Tôi viết sách không phải vì số đông mà viết để giải toả những bức xúc của bản thân”. Là một người cầm bút, chị nghĩ gì về điều này?

+ Hoàn toàn có thể đúng. Nhưng cũng có thể là nguỵ biện. Còn tuỳ theo mục đích của từng người viết trong từng trường hợp cụ thể.

- Trong “bóng dáng” nhân vật của mình, có bao nhiêu phần trăm là hình ảnh chị?

+ Câu hỏi này nên được đảo là “nhân vật có bao nhiêu phần trăm hình ảnh của tôi” mới đúng! (cười). Người ta hay nói con giống mẹ chứ ai bảo mẹ giống con bao giờ !? Nhưng tôi thấy mình khá công bằng với nhân vật của mình. Thường thì nhà văn ép nhân vật đi theo con đường duy lý trí mà mình đã vạch sẵn hoặc để nhân vật lôi kéo đi. Nhưng tôi nghĩ, tôi và nhân vật cùng nắm tay nhau đi, cùng hướng tới một điều mà cả hai mong muốn và thật lòng tin tưởng: một tình yêu tuyệt đối, vượt qua mọi khoảng ngăn địa lý, mọi xa cách thời gian, mọi hờ hững tình đời, dám sống và dám yêu đến tận cùng.

- Có hai tình huống người ta thường bắt gặp trong đội ngũ nhà văn. Một là ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình trong tác phẩm và hai là viết lên những khát khao, mơ ước mà có thể cả cuộc đời không bao giờ đạt được. Chị ở trường hợp nào?

+ Cả hai cộng lại. Một thống kê khoa học tôi không nhớ chính xác nguồn nêu rằng, đến 80% suy nghĩ của con người là lan man, lung tung và phi mục đích, nhưng rõ ràng 20% còn lại luôn là hoài vọng về những gì tốt đẹp hơn. Những thứ xảy ra trong đầu là những thứ không nên có biên giới, nhưng cũng cần lắm một sự dung hoà giữa thực tế và tưởng tượng. Con người không thể “sống trên mây”, quên mọi thực tại, nhưng cũng thật tội nghiệp nếu sống mà ngay đến cả ước mơ cũng không dám. Vậy thì văn chương chẳng phải là một “ngôi nhà hoà bình” rộng rãi cho cả suy nghĩ thực tại và mơ ước cùng chia sẻ ư?

- Những câu văn ngọt ngào nhưng cũng rất hàm súc trong tác phẩm của chị là do năng khiếu hay nhờ kinh nghiệm làm báo lâu năm nên chị tích cóp được một khoản “vốn liếng”?

+ Năng khiếu là khả năng khó định giá nhất ở con người. Không như những lĩnh vực khác, nghệ thuật và sáng tác không phải là thứ mà con người hễ cứ “khổ luyện” là “thành tài”. Mọi thành công đều ít nhiều được giải thích bằng hai chữ “năng khiếu” đó. Nhưng tôi nghĩ, những “câu văn ngọt ngào, hàm súc” ấy (như bạn nhận xét) không phải là sản phẩm của một quá trình tỉa tót công phu, sự rèn luyện hay tích cóp gì cả. Đó là thứ cây nảy mầm từ mảnh đất phù sa hoang dã nhưng màu mỡ bao dung của bờ bến bên bồi. Đó chính là bố tôi! Ông là người lính. Cả đời ông không bao giờ viết một câu văn hay, không bao giờ thử kẻ một khuông nhạc, bằng đủ mọi cách, ông vượt qua những khó khăn trong cuộc mưu sinh để giữ cho tâm hồn tôi luôn là nơi trú ngụ của bình yên và niềm tin. Dù trong những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn nhất, tháng nào lĩnh lương, bố cũng mua cho tôi thật nhiều sách. Lớn hơn một chút, lớp 6, tôi “ăn” điểm 2 môn Âm nhạc vì đọc mãi 7 nốt mà không thuộc. Bố lại cặm cụi lấy tiền tiết kiệm ra - số tiền dành dụm định để đổi chiếc xe máy thay cái xe đã quá đỗi cà tàng - để mua cho tôi một chiếc đàn organ. Sách, âm nhạc, và tình thương yêu... tôi nghĩ bất kỳ ai có được những điều đó cũng đã là có một “vốn liếng” để có thể trở thành một người viết văn – dù là với số đông hay với một người! Bởi mục đích cao nhất của văn chương là chuyển tải thông điệp thành cảm xúc!

 

“Trái tim của Sói” đã chọn cách độc thoại của hai nhân vật chính để kể về cuộc đời nhau.

Chàng trai, cháu đích tôn của một dòng họ nổi tiếng vùng đất cao nguyên, sinh non trong một ngày mưa giá, tuổi thơ là những chuỗi ngày dài trôi dạt hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, mồ côi cả cha lẫn mẹ vì một tai nạn ôtô ngớ ngẩn, sống với trái tim bị khiếm khuyết có thể đột quỵ bất cứ lúc nào, và cuối cùng, chàng trai được thay tim. Một trái tim Sói?

Cô gái, thành đạt, tràn trề sức xuân, bỏ phố phường tìm đến miền đất hoang, một đồng dạng của chàng trai với bản năng hoang dã, đến bên chàng nơi cao nguyên Lang Biang như một giấc mộng, đến rồi đi, khe khẽ... Một chuyện tình được sắp xếp gọn gàng và người viết đã thay thế số phận "làm những điều có lý do", để tất cả tồn tại trong sự logic...

Nhiều người hẳn sẽ mơ hồ về một tình yêu kiểu học trò mơ mộng, không sex và có phần nghi hoặc ý đồ sắp xếp của tác giả? Điều đó không sai bởi khi xu thế người viết trẻ lạm dụng “Sex” trong khi viết thì “Trái tim của Sói” lại đi ngược chiều. Nhưng nếu cùng đi chung với hai nhân vật chính trong suốt chặng hành trình của họ, ta sẽ hiểu được phần nào ý định của người viết.

Giáng Tiên