itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam

Thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam - có chăng, chỉ là vấn đề thủ tục

Nguồn: dsa.com.vn

Hiện nay đa số các doanh nhân hoặc phải chịu một số khoản khá lớn phục vụ cho “chi phí bôi trơn” hoặc thuê dịch vụ làm toàn bộ các thủ tục đăng ký thành lập cho doanh nghiệp…

Tháng 11 năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO, đó là kết quả của những nỗ lực to lớn của chúng ta trong việc mở rộng môi trường kinh doanh.

Số lượng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là từ khu vực ngoài Nhà nước và

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã đóng góp một khối lượng lớn vào GDP hàng năm của cả nước, những thành tựu đó là kết quả của những nỗ lực từ cả hai phía Doanh nghiệp và Nhà Nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và những thành quả đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập trong quá trình mở rộng môi trường kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản nhất định khi muốn thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là rào cản từ phía các thủ tục hành chính.

Để có thể đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải đảm bảo hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh, đây là điều kiện quan trọng nhằm xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, bước đầu tiên này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn từ phía các thủ tục, cơ chế. Thủ tục rườm rà, phức tạp đang là một vấn đề trở ngại đối với các doanh nhân muốn thành lập doanh nghiệp.

Thủ tục và chuyện “chi phí bôi trơn”.

Để thành lập một doanh nghiệp, phải cần đến gần 50 ngày với 11 thủ tục, trong đó có 3 thủ tục kéo dài thời gian nhất là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (10 ngày), khắc dấu (10 ngày), đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn (14 ngày). Tuy nhiên, thời gian thực hiện và quá trình thực hiện trên thực tế có thể kéo dài hơn, phức tạp hơn. Doanh nghiệp phải qua rất nhiều bước, đến cơ quan Nhà nước rất nhiều lần, thậm chí còn phải tốn thêm một số khoản “chi phí bôi trơn” cho công việc được hoàn thành mau chóng và dễ dàng. Do hệ thống giấy tờ, thủ tục còn khá phức tạp và chưa được công khai ở nhiều nơi, đã tạo điều kiện cho rất nhiều vấn đề bất cập khác nảy sinh. Các quy định của pháp luật thường xuyên có những thay đổi theo tình hình thực tiễn, tuy nhiên, việc công bố các giấy tờ tại nơi làm thủ tục ở một số địa phương chưa được thực hiện triệt để, các cán bộ công chức do đó mà có cơ hội sách nhiễu, “hành” doanh nghiệp đủ kiểu. Hầu hết các doanh nhân muốn thành lập doanh nghiệp đều ngại đến các cơ quan Nhà nước để làm thủ tục, bởi vì nếu không phải do giấy tờ rườm rà, không rõ ràng nên phải đi lại nhiều thì cũng do các bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước hách dịch, cửa quyền. Ngoài những khoản chi phí chính thức cho thủ tục thành lập, họ còn phải chịu thêm một số khoản chi phí không chính thức khác mà thời gian để hoàn tất mọi giấy tờ cũng khá lâu. Do vậy, hiện nay đa số các doanh nhân hoặc phải chịu một số khoản khá lớn phục vụ cho “chi phí bôi trơn” hoặc thuê dịch vụ làm toàn bộ các thủ tục đăng ký thành lập cho doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra cho thấy, nếu thuê dịch vụ, mất khoảng 1,5 triệu đồng để hoàn thành toàn bộ thủ tục trong 15 ngày, 2 triệu để hoàn tất trong 10 ngày. Tuy nhiên, nếu tự mình thực hiện, chi phí cho các khoản chính thức và không chính thức cũng có thể tương đương, các chi phí không chính thức có khi lên đến 30 % khoản chi của doanh nghiệp.

Chuyện chính sách – Bao giờ cho đến…

Về phía Nhà nước, chúng ta đã có nhiều cải cách nhằm tạo thuận lợi cho việc thành lập cũng như hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là từ sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời, số lượng các thủ tục đã được đơn giản hoá và thời gian thực hiện cũng đã được rút ngắn dần. Những quy định của Nhà nước về công khai hoá các thủ tục trong cơ chế hành chính một cửa cũng đã góp phần đáng kể trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nhân trong quá trình đăng ký kinh doanh. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam họ phải thông qua con đường liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam để đơn giản hoá các quá trình thực hiện thủ tục hành chính thì hiện nay, số lượng các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, để đưa chính sách, pháp luật của Nhà Nước vào đời sống, tạo ra những đột biến cho quá trình thành lập các doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là khi chúng ta đã tham gia vào tổ chức thương mại thế giới WTO, cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp. Chúng ta sẽ phát triển như thế nào khi mà các doanh nghiệp không thường xuyên cập nhật, nắm bắt rõ các quy định của pháp luật, khi mà pháp luật chính sách của Nhà nước không được công khai, phổ biến triệt để; khi mà cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước còn tham nhũng?