itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Vụ “tranh chấp” con dấu tại ĐH Hùng Vương TP HCM: Vừa sai phạm, vừa la làng

Vụ “tranh chấp” con dấu tại ĐH Hùng Vương TP HCM: Vừa sai phạm, vừa la làng

Lễ tốt trao bằng tốt nghiệp Trường ĐH Hùng Vương TP HCM

Việc ông Lê Văn Lý, người đã bị HĐQT Trường Đại học Hùng Vương miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng không chịu rời bỏ chức vụ, chiếm giữ con dấu bất hợp pháp, gây khó khăn cho cán bộ, sinh viên nhà trường đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Cách hành xử kỳ lạ của ông Lý đã bộc lộ nhiều khuất tất, nhất là khi cơ quan thanh tra vào cuộc, phát hiện ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Xin từ chức ... đòi ở lại
Năm 2004, trước bất đồng của ban lãnh đạo nhà trường cũ, Thành ủy TP HCM đã mời ông Đặng Thành Tâm làm nhà bảo trợ Đại học Hùng Vương TP HCM. Sau đó, Bộ giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng quản trị lâm thời gồm ông Tâm, ông Toản, ông Lý. Để tháo gỡ khó khăn cho nhà trường, ông Tâm đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng trả ngân hàng, sau đó tiếp tục đầu tư thêm hơn 2,5 tỷ đồng.

Tháng 2 năm 2010, Đại học Hùng Vương TP.HCM tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và bầu ra Hội đồng Quản trị khóa IV gồm: Chủ tịch Lương Ngọc Toản, Phó Chủ tịch Đặng Thành Tâm và Hiệu trưởng Lê Văn Lý.
Ngày 15/3/2011, HĐQT Trường Đại học Hùng Vương họp về việc ông Toản và ông Lý (hai ông đã trên 73 tuổi) xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe đã được 100% thành viên HĐQT nhất trí. Ông Tâm được mời làm Chủ tịch. Vì công việc quá bận rộn, ông Tâm đã từ chối. Tuy vậy, HĐQT vẫn nhất trí 100% bầu ông Tâm làm Chủ tịch và yêu cầu ông thực hiện nhiệm vụ ngay. Ông Tâm đã thận trọng gửi văn bản hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP HCM về việc này

Khi ông Lý hiệu trưởng cũ xin từ nhiệm, ngày 19/3/2011, HĐQT họp đã chọn ông Nguyễn Đăng Dờn làm Hiệu trưởng tạm quyền và giao cho Chủ tịch Đặng Thành Tâm ký quyết định hiệu trưởng tạm quyền 1 tháng, chờ tổ chức đại hội đại cổ đông thông qua. Từ đây, nhiều rắc rối nảy sinh. Ông Lý hơn một năm qua không báo cáo tài chính và gửi các tài liệu quyết toán để đại hội đại cổ đông xem xét như: báo cáo quyết toán 2010, kế hoạch tài chính 2011, báo cáo hoạt động nhà trường 2010 và kế hoạch hoạt động 2011… Vì vậy, đại hội đại cổ đông chưa thể thực hiện. HĐQT họp và quyết định giao chủ tịch Đặng Thành Tâm kí quyết định ông Dờn làm Hiệu trưởng tạm quyền lần 2 thêm 1 tháng nữa.
Theo các quy định hiện hành, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng mới phải thông qua đại hội đại cổ đông nhưng Đảng uỷ, công đoàn liên tục thúc ép ông Tâm phải bổ nhiệm ông Dờn.
Sự việc càng phức tạp khi Thanh tra của Cục thuế TP. HCM tiến hành thanh tra nhà trường, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Ông Lý đã điện thoại cho ông Tâm thông báo, Bộ Giáo dục và Đào tạo điện thoại và nói ông Lý vẫn là Hiệu trưởng và phải chịu trách nhiệm. Theo đề nghị của ông Lý, HĐQT họp và cho ông quay trở lại làm Hiệu trưởng cho đến khi có quyết định miễn nhiệm chính thức. Tuy nhiên, ngay cả quy trình miễn nhiệm ông Lý cũng như bổ nhiệm ông Tâm đều quá chậm, khác hẳn thông lệ.
Theo HĐQT Đại học Hùng Vương, sau 2 ngày trở lại làm Hiệu trưởng, ông Lý với chức danh Hiệu trưởng và Bí thư Đảng uỷ đã triệu tập công đoàn và Đoàn thanh niên làm các văn bản với nội dung tố cáo sai sự thật đánh lạc hướng dư luận, che đậy những sai phạm nghiêm trọng về tài chính trong nhiều năm học. Một mặt, ông Lý kiên quyết không cung cấp báo cáo tài chính khiến cho việc tổ chức đại hội cổ đông không thực hiện được.
HĐQT sẽ “từ chức” nếu không được bảo vệ

Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi ngày 21, 22, 23/6, ông Lý kiên quyết “chiếm giữ” con dấu nhà trường, khiến HĐQT không thể điều hành công việc. Hồ sơ của HĐQT cũng bị trưởng phòng hành chính tổng hợp mang về cất tại phòng Hiệu trưởng.
Trước tình trạng này, HĐQT Đại học Hùng Vương khi làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng cũng như nhiều công văn khác phải “ký chay”, không có con dấu. Trong khi đó, ông Lý liên tục ký gửi các công văn gửi tới các cơ quan báo chí, phản ánh sai sự thật. Việc chiếm giữ con dấu theo kết luận của Sở giáo dục và Đào tạo TPHCM tại công văn số 1544/GDDT-VP ngày 28/6/2011 là trái pháp luật, không ai đươc ngăn cản quyền sử dụng con dấu của HĐQT, Chủ tịch HĐQT. Sở yêu cầu HĐQT triệu tập đại hội đại cổ đông để giải quyết dứt điểm các vấn đề nhân sự và xử lý các mâu thuẫn mà Sở cho là công việc nội bộ của trường phải tự xử lý.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, ngày 1/7/2011, ông Tâm đã gửi thư đến các thành viên yêu cầu triệu tập đại hội đại cổ đông bất thường vào 11/7/2011 và 7/10 thành viên HĐQT đồng ý. Tuy nhiên, ông Lý và trưởng phòng hành chính nhà trường tiếp tục ngăn cản việc đóng dấu vào thư mời của HĐQT gửi cổ đông để triệu tập đại hội đại cổ đông bất thường. Vì thế, HĐQT phải họp mặt lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản trình lên các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Một buổi ngoại khóa của sinh viên nhà trường.

Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, hồ sơ thôi công nhận chức hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý đã được HĐQT nhà trường thực hiện. Tuy nhiên, ông Lý vẫn tiếp tục có văn bản gửi thành phố, đơn phương công bố ở lại tiếp tục làm hiệu trưởng đến hết nhiệm kỳ và tuyên bố rút đơn từ chức, không công nhận Nghị quyết HĐQT ngày 15/3/2011, tự coi tuyên bố của mình có hiệu lực pháp lý.
Ngày 16/6/2011, HĐQT tiếp tục họp lần 2 để xử lý việc này với sự có mặt của 8 thành viên, 1 ủy quyền, 1 vắng mặt. Kết quả đã có 7/8 thành viên yêu cầu miễn nhiệm chức hiệu trưởng của ông Lý, chỉ có duy nhất ý kiến của ông Lý khăng khăng xin... ở lại. Trên cơ sở đó, HĐQT đã ra biên bản và Nghị quyết gửi UBND TP HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn chức hiệu trưởng đối với ông Lý. Hồ sơ hoàn thiện ngày 24/6/2011.Tuy nhiên, một cán bộ của sở lại tiếp tục “gây khó”, không trình hồ sơ lên trên, cất vào tủ chờ đi công tác về mới giải quyết.
Mặc dù, HĐQT đã kiềm chế vì sợ ảnh hưởng đến 10.000 học sinh, sinh viên và giảng viên nhưng ông Lý và và ê kíp càng hung hăng, thao túng nhà trường, vô hiệu hóa hoạt động của HĐQT, dùng chính con dấu gửi rất nhiều văn bản sai sự thật đi các nơi. “Nếu không được bảo vệ, không điều tra những sai phạm nghiêm trọng về tài chính để xử lý theo pháp luật và xử lý việc chiếm con dấu trái phép, HĐQT sẽ xin từ chức và giao lại trường cho UBND TP. HCM và Bộ Giáo dục đào tạo xử lý. Đến giờ, chúng tôi thực sự bất lực” – trong đơn gửi UBND TPHCM, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Đại học Hùng Vương cho biết.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Từ ngày 23-5 đến 18-6-2011, Đoàn thanh tra Cục thuế TP. HCM đã tiến hành thanh tra thuế tại Đại học Hùng Vương, TP HCM từ năm 2007-2011. Cục Thuế TP.HCM đã chỉ ra một số sai phạm: “Việc mở, ghi chép, hạch toán trên sổ sách và hoá đơn chứng từ chưa đúng theo quy định, đơn vị kê khai doanh thu nhưng không chịu thuế GTGT; kê khai thuế GTGT chưa đúng, tính thuế thu nhập cá nhân chưa đúng, tính thu nhập hưởng ưu đãi chưa đúng và hạch toán một số chi phí chưa đúng theo các quy định”. Về việc kê khai thuế, nộp thuế, đơn vị vẫn còn nợ đọng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân theo tình hình nghĩa vụ nộp ngân sách đến cuối ngày 30-8-2010. Riêng quyết toán tài chính, quyết toán thuế năm học 2007- 2008, đơn vị có lập nhưng không nộp cơ quan thuế, không đăng ký với cơ quan thuế”.
Đoàn thanh tra đã truy thu thuế tại trường với 3 loại thuế với tổng số tiền lên tới hơn 3,7 tỷ đồng, chưa kể số tiền phạt do vi phạm pháp luật về thuế lên tới hơn 1,7 tỷ đồng.
Ngày 29-6-2011, Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Dương đã ký quyết định số 2826/CT-QĐ xử phạt vi phạm pháp luật về thuế. Trước đó, theo biên bản kiểm tra của đoàn thanh tra, trường Đại học Hùng Vương, dưới sự điều hành của ông Lê Văn Lý bộc lộ nhiều sai phạm như: chi thưởng, bồi dưỡng sai nguyên tắc, chi tiêu không có hoá đơn chứng từ theo quy định… Có những sai phạm lên tới nhiều tỷ đồng. Đoàn thanh tra lưu ý: “Những sai phạm trên mới là phát hiện theo số liệu do đơn vị cung cấp, nếu sau này phát hiện thêm những số liệu khác, đơn vị phải chịu trách nhiệm”.
Cùng với những sai phạm trên, theo một chuyên gia tài chính, ông Lê Văn Lý, kế toán và cộng sự còn nhiều sai phạm nghiêm trọng về tài chính khác. Trong quá trình làm việc với cơ quan thuế, trong tháng 6/2011, hiệu trưởng Lê Văn Lý và kế toán trưởng đã không báo cáo HĐQT mà thực hiện lệnh chi số tiền hơn 2,1 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chưa rõ nguồn xác định. Điều này hoàn toàn trái với quy định hiệu trưởng chỉ được ký các khoản chi dưới 100 triệu đồng. Về nguyên tắc, Hiệu trưởng phải báo cáo HĐQT và được duyệt khoản kinh phí chuyển trả thuế để khắc phục hậu quả mới được thực hiện lệnh chi.
Về khoản tiền 2,18 tỷ đồng theo kết luận của Cục thuế, trường đã nộp khắc phục hậu quả, theo các chuyên gia tài chính, vẫn chứa đựng nhiều khuất tất. Kết luận này chưa nêu rõ số tiền này được khắc phục vào thời điểm nào, theo nguồn tiền nào? Theo HĐQT Đại học Hùng Vương, việc này HĐQT hoàn toàn không biết nên chắc chắn còn ẩn chứa nhiều khuất tất, trái pháp luật.
Một chuyên gia tài chính khác cho rằng, tổng cộng các khoản chi không có chứng từ hoá đơn theo quy định hơn 15,7 tỷ đồng cho thấy, lợi nhuận trước thuế từ ngày 1-9-2007 đến ngày 31-8-2010 tăng 15,7 tỷ đồng. Trong báo cáo của trường chỉ có hơn 10,2 tỷ đồng. Nếu trừ các chi phí thì lợi nhuận trước thuế phải là hơn 26 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về tính chính xác các báo cáo của trường. “Trong khi ông Tâm phải nỗ lực thắt lưng buộc bụng đầu tư hơn 50 tỷ đồng để “cứu sống” nhà trường thì chỉ trong 3 năm, ông Lý và êkip đã rút ngân quỹ nhà trường hơn 20 tỷ đồng chia nhau. Đó là chưa kể số tiền bị phạt lên tới nhiều tỷ đồng, lẽ ra có thể giúp tăng lương, hiện đại hoá cơ sở vật chất. Có lẽ vì sai phạm như vậy, ông Lý mới tìm cách vô hiệu hoá HĐQT và tung tin sai sự thật, làm rối tình hình” – một thành viên HĐQT nhà trường cho biết.
Ban kiểm soát Cục Thuế TP. HCM chỉ xét chọn mẫu kiểm tra theo đúng quy định thì đã có đến 65% chứng từ kế toán không hợp pháp. Chỉ với 2 hợp đồng thuê nhà ở 342 Bis Nguyễn Trọng Tuyển ngày 31/07/2008 và ngày 08/06/2009, hiệu trưởng và kế toán trưởng của trường đã chuyển trả dư mấy trăm triệu đồng. Từ 2005 – 2010, trường còn là trường dân lập, sai phạm chứng từ không hợp lệ lên đến vài chục tỷ đồng và nguy cơ nộp thuế thu nhập bổ sung nhiều tỷ đồng. Nhiều trường đại học khác, vừa phải trả cổ tức cổ đông, vừa tích lũy xây dựng trường mà lương cán bộ, giảng viên còn cao gấp rưỡi trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, khiến dư luận rất bất bình.
“Theo quy chế thì Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về tài chính và phải thường xuyên báo cáo HĐQT nhưng ông Lý đã “phớt lờ” quy định trên, thậm chí không có chứng từ vẫn thanh toán, từ đó xây dựng được 1 ê kíp bảo vệ lẫn nhau. Việc này rất cần cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm làm rõ” – trong đơn gửi UBND TP HCM, HĐQT Trường Đại học Hùng Vương nêu rõ.
Theo HĐQT nhà trường, từ khi trường Đại học Hùng Vương chuyển qua tư thục, gần 1 năm rưỡi, Hiệu trưởng Lê Văn Lý không báo cáo tài chính cho HĐQT. Việc này hoàn toàn trái với Quy chế trường Đại học ban hành kèm theo quyết định số 61/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4/2009 quy định hiệu trưởng phải báo cáo tài chính định kì cho HĐQT. Nguyên chủ tịch HĐQT nhà trường, ông Lương Ngọc Toản (từng là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhiều lần yêu cầu báo cáo nhưng ông Lý không chấp hành. Ông Lý cho rằng, chủ tịch chỉ có quyền giám sát chứ không có quyền kiểm tra và thường bêu rếu nhà đầu tư can thiệp sâu vào trường.
Trước những lình xình tại Đại học Hùng Vương, sau khi nhận được báo cáo của HĐQT nhà trường và Cục thuế TP.HCM, mới đây, lãnh đạo UBND TPHCM đã chủ trương thanh tra toàn diện, làm rõ những sai phạm, khuất tất tiềm ẩn tại trường. Những sai phạm tài chính nghiêm trọng cũng như việc tuỳ tiện chiếm giữ con dấu của ông Lê Văn Lý và các cán bộ liên quan cần sớm được các cơ quan chức năng điều tra, kết luận, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường sớm ổn định trước thềm năm học mới.

Đại Công - Thảo Nguyên/ Phapluatvn