itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Vào học nghề tại Trường Trung cấp nghề Dung Quất: Học viên phải nộp từ 13 đến 37 triệu đồng

Vào học nghề tại Trường Trung cấp nghề Dung Quất: Học viên phải nộp từ 13 đến 37 triệu đồng

Học viên lớp hàn 1 Nguyễn Thành Điển
đang trả lời PV.

Có lẽ chưa có một trường đại học, trung cấp nào của VN mà học sinh vào trường phải tốn một số tiền lớn như thế: Từ 13-37 triệu đồng/người. Dĩ nhiên, đây không phải là khoản học phí nhà trường thu của học sinh, mà là số tiền các em phải "cúng" cho những tay "cò việc".

Một đường dây lừa đảo đang hoạt động rất mạnh tại khu vực Tây Nguyên, để tuyển học viên vào học nghề tại cơ sở đào tạo nghề Dung Quất.

Sáng 16.10, sau khi biết được khoản tiền lương của một thợ may bậc 1 không phải là 300USD mà chỉ 300.000đ phụ cấp, 6 cô gái ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc vừa vào làm tại Cty may Dung Quất được một ngày, gạt nước mắt ra về. Họ đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi tố cáo hai tên "cò việc" ở tận Đắc Lắc.

Phan Thị Kim Chung - nhóm trưởng, nói: "Đầu năm âm lịch vừa rồi, ông Nguyễn Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Thuế (?) huyện Krông Năng - có đến nhà và đặt vấn đề với ba cháu về việc lo cho cháu đi học nghề tại Dung Quất. Ông Dương sẽ lo trọn gói từ chuyện học phí đến chỗ làm sau khi tốt nghiệp. Mức lương ông ta đưa ra quá hấp dẫn: 300USD/tháng, lại vào biên chế nhà nước sau 3 tháng thử việc!".

Còn Trần Thị Luận thì cẩn thận hơn: "Bố em buộc ông Nguyễn Văn Kiêm (cũng trong đường dây "cò việc" với ông Dương) phải viết giấy nhận tiền 13 triệu đồng. Thế nhưng em vẫn bị lừa".

Tháng 5.2007, Trường Trung cấp nghề Dung Quất khai giảng lớp may 07C1 ngắn hạn với 20 học sinh, trong đó có 6 em ở Đắc Lắc. Bốn tháng sau, lớp may ra trường, nhà trường đã liên hệ với Cty may Dung Quất tiếp nhận số học viên này. Sau khi được GĐ Cty may Dung Quất thông báo mức tiền phụ cấp ban đầu mà các em được nhận, thì 6 CN mới biết mình bị "cò việc" ở quê nhà lừa.

Học viên Nguyễn Thành Điển - lớp hàn 1 của Trường Trung cấp nghề Dung Quất - cho biết: "Cách đây 2 năm, có ông Nguyễn Văn Công - tự xưng là công an, nhà ở cạnh Đài PTTH Gia Lai - về huyện Ya Grai, tỉnh Gia Lai để tuyển học viên đi học nghề hàn tại Dung Quất với giá từ 20 triệu đồng đến 37 triệu đồng/người. Ông Công hứa là sẽ lo "đầu ra" cho các em sau khi ra trường với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng". Nghe mức lương hấp dẫn, gia đình Điển đã phải đưa cho ông Công 37 triệu đồng.

Theo lời Điển thì lớp em có khoảng 30 học viên ở hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, đều nộp tiền từ 20 triệu đồng đến 37 triệu đồng cho những người dắt mối để được về Dung Quất học nghề. Tuy nhiên, khi về trường, nhiều em đã bỏ học vì biết chắc là không thể có mức lương 3-4 triệu đồng/tháng như lời hứa của mấy tên "cò việc".

Lần theo số điện thoại mà các em tố cáo, chúng tôi gọi đến số máy 0905199759. Ông Nguyễn Văn Dương - chủ nhân số máy trên - đã xưng danh ngay, ông là cán bộ thuế của Chi cục Thuế Krông Năng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề "xin việc cho cháu", ông Dương chối khéo: "Hết đợt rồi anh ơi. Với lại, tôi chỉ lo cho con cháu trong nhà thôi!". Vậy có thể khẳng định rằng, việc ông Dương kiêm thêm nghề "cò việc" là có thật.

Được biết, ngoài ông Dương, ông Kiêm ở Krông Năng còn có ông Phạm Hồng Thắng ở thị trấn Phước An, huyện Krông Bách cũng là tay "cò" chuyên nghiệp. Tuy nhiên, con "cá mập" chính hiệu trong vụ cò việc này là Nguyễn Ngọc Oanh - người Diễn Châu, Nghệ An hiện ở Krông Năng. Dương, Kiêm và Thắng đều là "vệ tinh" của Oanh.

Theo lời Phạm Hồng Thắng thì ông ta chỉ làm công cho ông Oanh với giá mỗi em học may là 3 triệu đồng, thợ hàn là 6 triệu đồng. Thắng đã đưa 28 em ở Đắc Lắc (4 may, 24 hàn) xuống Dung Quất học nghề, nhưng nay thì Thắng "nghỉ chơi" với ông Oanh rồi!

Một điều rất lạ là toàn bộ sự việc mà chúng tôi nêu trên đã được rất nhiều em học sinh đang theo học nghề tại Dung Quất nói một cách công khai từ mấy năm nay, song Trường Trung cấp nghề Dung Quất vẫn "không nghe biết" gì về việc này!

Trần Đăng