itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Triệu phú một đêm, làm chồng vài đêm

Triệu phú một đêm, làm chồng vài đêm

Ba đứa bé cùng một mẹ khác cha, sinh ra

tại Trà My không biết cha mình là ai

Khi thuỷ điện sông Tranh II đi ngang qua hai huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My, hơn 1.000 hộ với 5.000 nhân khẩu phải di dời. Sông Tranh II ngoài cung cấp điện, còn có nhiều mục tiêu khác, mà hy vọng nhất là mục tiêu phát triển kinh tế tại các bản làng dân tộc thiểu số miền núi và khu vực… Nhưng trong khi mục tiêu phát triển kinh tế còn xa vời, người dân ở đây khốn đốn nhiều bề…

Theo dự kiến, năm 2010, thuỷ điện sông Tranh II cung cấp gần 680 triệu kWh điện hàng năm. Nhưng cuối năm 2007, sau nhiều trận mưa kéo dài, công trình phải tốn chi phí nặng nề để chặn dòng trở lại. Dân tình ở đây cũng hỏng nhiều.

Tức nhau tiếng gáy

Thuỷ điện sông Tranh II khởi công cũng là lúc những người dân ở Trà Bui, Trà Giáp, Trà Dơn sau một đêm trở thành tỉ phú. Họ được đền bù đất trồng trọt với giá 20 triệu đồng/ha. Các loại cây ăn trái tính theo gốc, cau, dừa 120 .000đ/gốc, mít 40.000đ/gốc, quế lâu năm 300.000đ/gốc, quế nhỏ 60.000đ/gốc…

Từ ngày tiền vào tay, chẳng ai chịu làm ăn, lên rẫy, cơn lốc mua xe máy chạy chơi bùng nổ từ hơn một năm nay. Ở Trà Bui những ngày sau lũ, ông Nốt, người Cadong, 70 tuổi, đang ngồi trước nhà, chán ngán: “Tui còn ở đây đến tháng 4.2008, chưa có đi vì còn một đợt đền bù nữa, đền xong tiền rồi tôi đi vào khu tái định cư ở”.

Ông Nốt được đền bù 200 triệu, xài hết 100, mua hai xe máy cho con, mua bia uống, trả nợ hết còn lại 100 triệu đang gởi ngân hàng. Gởi tiền ngân hàng như ông Nốt là chuyện hiếm.

“Hàng xóm nó mua xe máy, sắm di động, ti vi, karaoke mở hát tối ngày, bia bọt triền miên, mình cũng có tiền như hắn thì phải chơi như hắn chứ”, anh Cang ở thôn 2 Trà Tân lý giải chuyện xài tiền của mình.

Chuyện đua nhau sắm đồ đạc cũng nảy sinh. Ở nhà anh Chức, thôn 1, Trà Bui, mấy đứa nhỏ đang xem phim Hàn trên hai bộ ghế xa lông mới tinh để chật cả căn nhà nhỏ. Anh Nam, làm nghề xe ôm, giải thích: “Hắn mua một bộ ghế, nhà ông trưởng thôn bên kia mua bộ xịn hơn khoe với hắn, hôm sau hắn xuống huyện mua một bộ đẹp nhất, đắt nhất đem về ngồi chơi…”

Từ nhu cầu mua xe đã đẻ ra một lứa cò. Cò Nam giờ chuyển hệ chạy xe ôm ở Bắc Trà My kể: “Sau vụ giải toả đền bù đất, tui kiếm cũng khá nhờ đi môi giới mua xe máy cho mấy người trên nóc. Dắt người xuống đại lý xe, chỉ cần nháy mắt ra dấu là đại lý biết để tiền cò lại cho tụi tui”.

Những cái chết vì tai nạn xe xảy ra thường xuyên kể từ khi có công trình thuỷ điện và có tiền đền bù giải toả. Xe máy mới tinh sẵn có, sau chầu ăn nhậu, lấy xe không biển số ra đường phóng như bay để thử cảm giác. Cò Hương ở tổ 3 xã Trà Bui than thở vì đang lỗ vốn vụ bán xe: “Tui cầm sổ đỏ của hắn tên Dương ở Trà Bui, bán cho hắn chiếc xe 14 triệu, lời được 5 triệu, chưa kịp lấy biển số. Hắn chưa trả đồng nào thì chạy xe ra đường tự đụng xe khách chết. Bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Thấy gia cảnh hắn tội nghiệp, không lẽ tôi giữ luôn cái sổ chờ đền bù đợt hai để lấy tiền. Nhà hắn chừ còn chi ăn mô, tui đành trả lại sổ đỏ, cái xe thì nát quá, nếu lấy ra phải nộp phạt này nọ hơn 5 triệu, có đem bán cũng lỗ, nên tui bỏ luôn…”

Ngoài xe máy, điện thoại di động cũng trở nên đắt gấp hai, ba lần so với dưới xuôi. Dù chỉ ở hai trung tâm huyện Bắc Trà My và Nam Trà My mới có sóng, khu vực Trà Bui nằm trên đoạn đường giữa hai huyện, muốn đến huyện thử sóng điện thoại cũng mất ít là một giờ đi xe máy trên đường đèo dốc quanh co dọc theo dòng chảy sông Tranh. Chỉ được tháng đầu, mua điện thoại chỉ để nghe nhạc, sau lại bán rẻ vì chẳng biết để làm gì. Chỉ béo cho các cò điện thoại lời cả đôi đường.

Sau khi ăn hết số tiền đền bù, nhà không còn, đất canh tác bị giải toả, những hộ dân nơi Trà My chẳng rõ sẽ về đâu, chẳng ai nghĩ chuyện định canh cho những gia đình này. Chỉ có khu tái định cư với những nền nhà ngang 4m sâu 6m xây gạch khang trang với giá 70 triệu đồng/căn. Mà theo tính toán của anh Nam xe ôm thì nhà đó tui xây 30 triệu là cùng. Chuyện gì sẽ xảy ra khi cả thôn nóc bị dồn vào khu định cư, hỏi đất còn nhiều không, ai cũng ngần ngại không trả lời. Với họ, đất là rừng, dồn họ đi đâu thì những vạt rừng đầu nguồn vẫn là đất sống.

Bến không chồng

Khắp các ngả đường từ Trà Giác, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Me của hai huyện Bắc Trà My, Nam Trà My nổi lên những “bến không chồng”. Đây là những phụ nữ của núi rừng, khi có công trình làm đường, làm cầu, làm thuỷ điện đi qua, cánh công nhân tứ xứ với lời đường mật dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ. Kết quả là những người mẹ trẻ một mình nuôi con trong sự nghèo khó cả về vật chất lẫn tinh thần, bị cộng đồng rẻ rúng.

Trên thềm căn nhà tạm bợ của mảnh đất tạm chiếm, chị Nguyễn Thị Yến ở Trà Me cùng cậu con trai kháu khỉnh lên năm đang vui đùa, chị Yến tâm sự: “Đến với tôi, cha nó nói ngon ngọt, tôi xiêu lòng, khi có con thì cha nó đi mất, tôi mang nặng đẻ đau, một thân một mình sinh con, may nhờ bà con thương góp gạo, quần áo mới qua được thời gian khốn khó ban đầu.

Gia đình chẳng ai quan tâm nên tôi phải ra ven đường, kiếm phên tre, vải bạt chiếm đại miếng đất dựng căn nhà cho hai mẹ con sống qua ngày”.

Không xa thị trấn Tak Pỏ, ngay bến sông nơi cây cầu nối đường đi Trà Dơn, có một nóc gần chục mái nhà nằm im lìm ven sông, cư dân trong vùng gọi đây là bến không chồng – nơi những người phụ nữ một mình nuôi con trong hiu quạnh. Căn nhà trống hoác, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc rựa, chị Bé người Cadong đang dùng bữa chiều là mớ bánh tráng cuốn rau xanh. Thấy người lạ vào, chị lạnh lùng: “Mấy chú vô đây làm cái chi chi?”. Nói rồi chị dằn mặt: “Đừng có hỏi chuyện chồng con, tui mệt mỏi lắm rồi, có giúp chi được tui thì giúp chứ đừng hỏi han, làm khổ mẹ con tui lắm”. Chị Bé năm nay mới 26 tuổi, ba đứa con đều cùng mẹ khác cha, đứa lớn nhất sáu tuổi, bị thoát vị bẹn đang chờ mổ thì chị sinh đứa thứ ba. Ngay từ khi đứa con đầu tiên ra đời, chị Bé dọn đến bến không chồng làm căn nhà ven đường ở tạm, sống một mình nuôi con, từ bến không chồng ấy, người thứ hai đến rồi đi, người thứ ba cũng thế. Tất cả mọi việc nuôi con, lên rẫy, một tay chị Bé lo hết. Vay mượn mãi được năm triệu từ ngân hàng để mua giống lúa, nuôi con heo, nhưng chưa kịp làm gì thì đưa con đi mổ rồi sanh đứa út (?), số tiền xài sạch. Chị thút thít: “Chừ nhà nước có bắt đi tù tui cũng chịu, đất rẫy thì có chút xíu trồng mấy củ khoai, ba mẹ con ăn còn không đủ lấy gì trả nợ. Ở nóc này hoàn cảnh ai cũng giống nhau, nương tựa nhau mà sống vì mấy đứa nhỏ thôi…”

Không riêng gì các vùng Trà My có những “bến không chồng”, dường như đã thành lệ, hễ ở đâu có công trình đi qua, nơi ấy lại là bến của những người mẹ lầm lũi nuôi con, bị cộng đồng coi rẻ.

Theo SGTT