itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / “Chắc chắn nghiêm túc hơn”

Thi tốt nghiệp THPT 2007 “Chắc chắn nghiêm túc hơn”

ng Trần Bá Giao

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT) 2007 là kỳ thi đầu tiên cả nước thực hiện cuộc vận động “hai không” của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT hy vọng kỳ thi này sẽ phản ánh kết quả của một năm thực hiện mục tiêu “học thực chất, thi thực chất”.

Liệu thực tế có như mong đợi? Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Giao - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT về vấn đề này:

Nghiêm túc như mong đợi

Vừa qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007 ở các địa phương. Là người chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình để báo cáo lãnh đạo Bộ về kết quả các đoàn kiểm tra, ông có nhận định gì?

Tôi nhận thấy năm nay có sự chuyển biến tích cực của các địa phương trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Trước hết, lãnh đạo các địa phương cũng như Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành rất quán triệt tinh thần nói không với tiêu cực trong thi cử trong chỉ đạo.

Khi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nói rằng tỉnh chấp nhận tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đúng thực chất cho dù tỉ lệ đó là như thế nào để chấn chỉnh kỷ cương trong thi cử ở địa phương.

Vậy ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm túc của kỳ thi năm nay?

Tôi tin rằng năm nay kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc hơn những năm trước. Kỳ thi này sẽ là điều kiện để thể hiện kết quả của một năm thực hiện cuộc vận động “hai không” của Bộ GD&ĐT.

Những năm trước, tiêu cực tại nhiều hội đồng thi ở một số địa phương như Hà Tây, Nghệ An... rất phức tạp: Không chỉ lộn xộn bên ngoài mà còn có sự không nghiêm túc ở vòng trong. Để tránh tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp nào?

Đây là kỳ thi quốc gia nhưng đã có sự phân cấp trong quản lý cho địa phương nên trước hết phải khẳng định trách nhiệm tổ chức thi là của các địa phương. Nhưng Bộ cũng có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra kiểm tra để các địa phương làm tốt.

Thực tế, sau những hiện tượng tiêu cực mà báo chí nêu ở kỳ thi năm ngoái, các địa phương đã rút kinh nghiệm để khắc phục, sửa chữa. Một trong những nơi thể hiện tinh thần đó tốt là Nghệ An.

Tỉnh đã chủ động xử lý kỷ luật đối với các giáo viên vi phạm quy chế thi. Những GV nào do điều kiện năng lực không đáp ứng được tiêu chuẩn thì cho nghỉ chế độ. GV nào vi phạm đạo đức, không đủ điều kiện phẩm chất đạo đức nhà giáo thì bị loại ra khỏi ngành giáo dục.

Theo tôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế sẽ có tác dụng răn đe rất lớn đối với những trường hợp nào còn có ý định vi phạm.

Đảm bảo an toàn cho giám thị

Những năm trước, nhiều giám thị và thanh tra “thỏa hiệp với tiêu cực” có nguyên nhân họ phải chịu áp lực từ người dân địa phương. Năm nay, liệu có giải pháp nào đảm bảo an toàn cho giám thị và thanh tra, bảo vệ quyền được làm nhiệm vụ nghiêm túc của họ?

Điều này đã nằm trong chỉ thị của Bộ trưởng, trong công văn gửi cho lãnh đạo các địa phương, trong các văn bản Bộ GD&ĐT gửi cho các Sở.

Trên thực tế, các địa phương đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn nói chung cho kỳ thi: Bảo mật đề thi, an toàn tổ chức thi, sự an toàn của thầy cô giáo trong các hội đồng thi...

Có địa phương còn phân tích khu vực nào những năm trước xảy ra hiện tượng đe dọa hội đồng thi, đe dọa người làm thi nghiêm túc để có giải pháp phù hợp như tăng cường lực lượng công an ở các địa bàn khác sang hỗ trợ hoặc bố trí các phương tiện cho cán bộ làm thi đi lại...

Trong các kỳ thi TNPT trước đây, hiện tượng những người làm nhiệm vụ tại hội đồng thi được nhận tiền “bồi dưỡng” của phụ huynh đã diễn ra khá phổ biến. Làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn đó tái diễn trong năm nay?

Xảy ra tình trạng đó là vì chỉ đạo không chặt chẽ, không nghiêm,xử lý chưa thỏa đáng.... Để phần nào tránh đi những yếu tố tiêu cực có tính chất kinh tế xen vào kỳ thi, Bộ yêu cầu các địa phương không sử dụng thu đóng góp của phụ huynh để “bồi dưỡng” cho thầy cô giáo.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT tích cực tham mưu với Chính phủ để có chỉ đạo các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính ban hành thông tư liên tịch mới nâng chế độ bồi dưỡng cho cán bộ coi thi.

Chúng tôi cũng đánh giá công tác thi là công việc nặng nề, trách nhiệm cao. Do đó người làm thi cần có quyền lợi tương ứng. Thông tư mới đã thể hiện tinh thần này.

Thông tư mới quy định giám thị được nhận phụ cấp 70.000 đồng ngày, thanh tra được 90.000 đồng/ ngày. Liệu mức phụ cấp này có thỏa đáng?

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đồng ý mức chi bồi dưỡng cho cán bộ làm thi như thế là chấp nhận được. Nó đã thể hiện việc đánh giá đúng công sức của cán bộ coi thi.

Cảm ơn ông!

Quý Hiên (Thực hiện)