itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Đối mặt với thách thức

Đối mặt với thách thức

Không chỉ khó khăn ở vấn đề nợ xấu, các NH giờ đây tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe hơn. Theo lãnh đạo một NH, giải pháp để xử lý tốt nợ xấu cũng như áp dụng chuẩn Basel II là các NH buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Vì chỉ có như vậy mới hoàn thiện cả chất lẫn lượng, cũng như đáp ứng được những yêu cầu về chỉ số an toàn đề ra.

Kinh doanh ngày càng khó

Theo lãnh đạo một NHTM, những khó khăn về thị trường, nợ xấu hiện nay không nằm ngoài dự kiến, bởi vào cuối năm 2013 nhiều chuyên gia đã đưa ra các dự báo xung quanh những vấn đề này. Các NH đang rất nỗ lực để giải quyết từng vấn đề liên quan đến nợ, tăng trưởng, kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, càng giải quyết thì mức độ khó khăn đang lớn hơn so với dự báo, bởi yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả đặt ra cho ngành NH mỗi ngày một cao.

Chẳng hạn, trong vấn đề xử lý nợ xấu, các NHTM đều xây dựng đề án khá chi tiết với lộ trình cụ thể trình NHNN phê duyệt. Các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC, xử lý thu hồi bằng tiền và phát mãi tài sản nhưng kết quả thu được không nhiều.

Giải thích về việc nợ xấu không giảm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do nợ xấu vẫn phát sinh từ các khoản vay cũ trước đây khi DN không bán được hàng để trả nợ vay. Từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực xử lý nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng, song tổng số nợ xấu của các NH tính đến thời điểm này vẫn trên 47.000 tỷ đồng.

Còn việc thu hồi nợ bằng tiền mặt và phát mãi tài sản của các NHTM tại khu vực TP. Hồ Chí Minh lại chiếm tỷ lệ rất ít. Trong đó, xử lý thu hồi bằng tiền mặt chỉ đạt vài trăm tỷ đồng, còn phát mãi tài sản dường như vẫn là bài toán khó đối với các NH.

Không chỉ khó khăn ở vấn đề nợ xấu, các NH giờ đây tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe hơn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn. Vì thực tế, khi được hỏi về vấn đề áp chuẩn Basel II, nhiều NHTM cũng sốt sắng công bố đã thực hiện thử nghiệm, do nợ xấu tăng mạnh nên hầu hết các NH đều áp dụng những nguyên tắc quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro có phần tương đồng với Basel II. Thậm chí, một số NH áp dụng ngay những quy tắc trong Basel II để thực hiện dù còn 4 năm nữa mới đến lộ trình phải áp dụng.

Tăng vốn không dễ

Với các vấn đề đang diễn ra, theo lãnh đạo một NH, giải pháp để xử lý tốt nợ xấu cũng như áp dụng chuẩn Basel II là các NH buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Vì chỉ có như vậy mới hoàn thiện cả chất lẫn lượng, cũng như đáp ứng được những yêu cầu về chỉ số an toàn đề ra. Muốn tái cơ cấu, các NH cần phải tăng vốn điều lệ để có thể xử lý những vấn đề rủi ro trong hoạt động, cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh.

Ở bước tính này, từ đầu năm, một số NH tiềm lực mạnh tính đến chuyện dùng nguồn lực từ nguồn tài chính thặng dư để bổ sung vốn điều lệ. Song, 6 tháng đầu năm sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất thấp, kéo theo kết quả kinh doanh 6 tháng của NH ảm đạm, nguồn thặng dư không nhiều, các NH đã “phá sản” với giải pháp này. Ngược lại, một số NH tính chuyện tăng vốn điều lệ bằng cách huy động từ bên ngoài cũng vô cùng thách thức.

Là lãnh đạo đơn vị được NHNN chấp thuận phương án tự tái cơ cấu, ông Trần Ngô Phúc Vũ - Tổng giám đốc Nam A Bank khẳng định, việc tăng vốn điều lệ sẽ rất cần thiết cho NH vì nó tạo ra nguồn lực mạnh mới để NH nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Áp lực là vậy, song vấn đề tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay của Nam A Bank không dễ thực hiện.

Quả vậy, từ năm 2013 đến nay, rất nhiều NH đã công bố kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được do giá cổ phiếu của nhiều NH đang giao dịch dưới mệnh giá, cổ tức kém hấp dẫn trong khi lộ trình lên sàn vẫn chưa rõ ràng, cụ thể. Đó là chưa kể trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các NH nhỏ ngày càng nóng không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia góp vốn.

Đang trong giai đoạn nỗ lực tái cơ cấu, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB cho biết, để nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, SCB có kế hoạch gọi thêm 2.000 - 3.000 tỷ đồng từ cổ đông nước ngoài. Thế nhưng, khi thị trường khó khăn, việc gọi vốn nước ngoài không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Từng thất bại trong kế hoạch gọi vốn, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank chia sẻ, trước diễn biến thị trường hiện nay, không dễ đạt mức giá bán phù hợp. Kể lại câu chuyện, ông Bình cho biết HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17/12/2013 - ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực, nguồn tiền chuẩn bị chưa kịp nên cổ đông đã đề nghị HĐQT DongA Bank cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu, với khoảng 700 tỷ đồng. Đến nay, DongA Bank vẫn chưa có thông báo mới nào về việc tăng vốn điều lệ.

Tương tự, Eximbank cũng không thể hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ, cho dù là nguồn vốn để phát hành từ việc chia cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức. Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2013, Eximbank sẽ phát hành trên 756 tỷ đồng để tăng vốn lên trên 13.111 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Nhưng đến nay, khi năm tài chính 2013 đã đi qua, Eximbank vẫn chưa triển khai được kế hoạch tăng thêm vốn…

Theo Quỳnh Chi

Thời báo ngân hàng