itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Doanh nghiệp nhà nước, FDI được ưu đãi quá nhiều?

Doanh nghiệp nhà nước, FDI được ưu đãi quá nhiều?

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) vừa công bố đề án nghiên cứu Doanh nghiệp tư nhân –Động lực tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường. Theo NCIF, khu vực doanh nghiệp tư nhân hầu hết có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, đầu tư ngắn hạn nhưng được coi là động lực tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường.

NCIF nhận định: “Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả cao. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn vào GDP, có vốn đầu tư toàn xã hội, sử dụng nhiều lao động nhất. Tăng trưởng ổn định và bền vững kể cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Có hiệu quả đầu tư tốt hơn, chủ yếu sử dụng vốn tự có”.

Tuy nhiên ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Trưởng ban thông tin doanh nghiệp và thị trường-NCIF, khu vực doanh nghiệp tư nhân ít nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ.

Cụ thể về mặt pháp lý, chính sách không thấy sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân nhưng xét từ bản chất của các quy định và trường hợp cụ thể, dễ dàng nhận thấy những khác biệt trong ưu đãi đầu tư giữa 3 khu vực.

Theo đó, khối các doanh nghiệp FDI được ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Trong thực tiễn, chưa tìm được trường hợp nào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được hưởng mức miễn giảm vượt khung này.

Ông Hoàng lấy ví dụ cụ thể, trường hợp của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) có vốn đầu tư khoảng 670 triệu USD, sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm sau đó (ưu đãi vượt khung), giải phóng mặt bằng và đảm bảo điện nước. Ưu đãi trên tiếp tục được áp dụng cho dự án của Samsung tại Thái Nguyên.

Tập đoàn Viettel đề xuất được hưởng ưu đãi thuế 10% cho thu nhập từ sản xuất điện thoại nhưng bị từ chối.

Trường hợp của Công ty TNHH Nokia Việt Nam có vốn đầu tư 302 triệu USD cũng sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh. Mục tiêu dự án là nhập dây chuyền đã qua sử dụng từ Trung Quốc vào Việt Nam. Theo đó, dự án này được hưởng ưu đãi kịch trần cho doanh nghiệp công nghệ cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Sau 1 năm công ty Nokia hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thẩm định các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao theo luật nếu không đạt thì cho phép công ty này gia hạn thêm 3 năm để hoàn thành việc đáp ứng các tiêu chí.

Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, luật thuế xuất nhập khẩu quy định hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư được miễn thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp FDI được miễn thuế nhập khẩu hầu hết các máy móc thiết bị tạo tài sản cố định.

Trường hợp doanh nghiệp trong nước muốn hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu như Samsung thì bị bác vì không phải doanh nghiệp công nghệ cao.

Doanh nghiệp tư nhân Doanh nghiệp nhà nước, FDI
Được thuê, giao đất có nộp tiền sử dụng đất theo quy định trong luật đất đai 2003 và luật đất đai 2013 Được thừa hưởng quyền sử dụng đất từ trước, được giao thuê đất , giao đất vị trí rất thuận lợi
Thiếu tài sản đảm bảo để tiếp cận tín dụng, khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khác Dễ dàng vay vốn, được nhà nước bảo lãnh (doanh nghiệp nhà nước) hoặc vay ngoại tệ lãi suất thấp (khối FDI)
Không được ưu tiên tiếp cận tài nguyên, khai thác khoáng sản Ưu tiên tiếp cận tài nguyên, khoáng sản và các nguồn lực tự nhiên khác.
Doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh trên thị trường lao động, thiết hụt lao động chất lượng cao Được nhà nước đầu tư bài bản về đào tạo nhân lực, có nguồn cung lao động chất lượng và ít tốn kém

“Khoảng một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước là trở ngại cho hoạt động của họ. Ưu đãi dành cho các công ty lớn rõ rệt nhất ở lĩnh vực mua sắm công, đất đai, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính nhanh, đơn giản”, ông Hoàng nói.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định khu vực tư nhân là động lực để phát triển kinh tế có hiệu quả hơn hẳn so với các khu vực khác nhưng tại sao nguồn lực, mọi ưu đãi vẫn đổ dồn đầu tư cho khu vực nhà nước, khu vực FDI.

Bà Phạm Chi Lan cho hay: “Chúng ta ban hành nhiều luật pháp chính sách, trong chính sách không thấy sự phân biệt rất rõ ràng nhưng trên thực tế có sự phân biệt rất rõ ràng. Vấn đề ở đây không phải là ở chỗ cố gắng ngồi vẽ các chính sách cho hay, cho tốt mà phải thực hiện. Tuy là nói thừa nhận khu vực tư nhân nhưng vẫn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước phát triển. Ưu ái khu vực FDI nhiều quá.”

Bà Lan cho rằng Việt Nam vẫn bị bệnh thành tích chi phối, vẫn thích các thành tích dựa vào FDI “chúng ta thích con số tăng trưởng hơn là thực chất mang lại lợi ích bao nhiêu cho nền kinh tế”.

“Con đường phía trước còn rất khó khăn. Phải thay đổi đi, phải hướng vào nội lực của mình nhiều hơn nữa, củng cố nội lực đất nước. Từ đó, sẽ mang lại cho nền kinh tế một cách phát triển khác. Vấn đề chính là phải điều chỉnh”, bà Lan đề xuất. Theo đó, cần có hệ thống chính sách minh bạch, bình đẳng, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hướng Dương

Theo Infonet