itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Gia nhập AEC: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Gia nhập AEC: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Bất cứ hiệp định thương mại nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, bởi mỗi nền kinh tế có một lợi thế riêng. Cơ hội và thách thức là hai mặt của một vấn đề đối với doanh nghiệp (DN). Trong điều kiện hội nhập, liệu DN của chúng ta có tìm được ngõ ngách có lợi nhất hay không.

Cơ hội

Khi các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hoàn tất sẽ mang lại những cơ hội lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam, đặc biệt là:

Một khu vực thị trường chung rộng lớn: với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, AEC tạo ra một khu vực thị trường hàng hóa chung giữa các nước ASEAN, mở ra cơ hội làm ăn kinh doanh lớn cho các DN trong khu vực.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: môi trường kinh doanh được mở rộng theo hướng minh bạch và bình đẳng hơn sẽ là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, không những từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoài khối, đặc biệt là các nước đối tác thương mại của ASEAN vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.

Tạo ra sức ép, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam: tham gia vào một sân chơi chung và chịu áp lực cạnh tranh từ các đối tác khu vực cả về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực, sẽ buộc các DN Việt Nam phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển.

Tạo ra khí thế và động lực cho DN: với tinh thần chuẩn bị cho việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 và những trông đợi về một khu vực thị trường chung năng động với nhiều cơ hội mở ra, các DN Việt Nam dường như đã được thức tỉnh để chuẩn bị tư thế và hành trang cho tiến trình hội nhập mạnh mẽ sắp tới.

Thách thức

Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa các nước ASEAN: với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau ở cả 10 nước ASEAN, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN có sức cạnh tranh yếu và ở các ngành vốn được bảo hộ cao từ trước tới nay.

Trong tương lai, khi các mục tiêu AEC được hoàn tất, những sức ép từ các khía cạnh khác sẽ xuất hiện, thách thức vì vậy sẽ mở rộng ra các vấn đề khác như:

Thách thức về dịch vụ: Nếu mục tiêu tự do lưu chuyển dịch vụ trong AEC được hiện thực hóa, các DN Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ chắc chắn sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều (bởi hiện nay các rào cản/điều kiện đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tương đối cao, do đó DN dịch vụ Việt Nam hiện đang được “bao bọc” khá kỹ lưỡng trong nhiều lĩnh vực dịch vụ).

Thách thức về lao động: Khi AEC hoàn tất mục tiêu tự do lưu chuyển lao động, nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, lao động Việt Nam tay nghề kém, thiếu các kỹ năng cần thiết (ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp…) có thể sẽ gặp khó khăn lớn.

Thách thức về quản lý dòng vốn: Nếu AEC hoàn thành mục tiêu tự do lưu chuyển về vốn, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn ra/vào.

Đối với DN, đây cũng sẽ là vấn đề hai mặt, vừa tích cực (có thể tiếp nhận vốn đầu tư, hợp tác dễ dàng hơn), vừa tiêu cực (có thể sẽ không còn những hàng rào bảo vệ doanh nghiệp trước việc rút vốn của đối tác…).

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn