Việt Nam có thể thả muỗi kháng sốt xuất huyết
Trao đổi với phóng viên Đất Việt ngày 14/10, ông Vũ Sinh Nam , Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Cục Y tế dự phòng đã đề xuất thực hiện thả muỗi mang vi khuẩn ruồi giấm Wolbachia và đang chờ phê duyệt.
Australia sẽ thử nghiệm thả muỗi kháng sốt xuất huyết vào tháng 2.2011. Nếu Australia thử nghiệm thành công và đề án của Cục Y tế dự phòng được phê duyệt , Việt Nam sẽ lên kế hoạch cụ thể về số lượng, địa bàn thả...
Muỗi kháng bệnh sốt xuất huyết được nói đến trên đây là loại muỗi mang trong mình vi khuẩn ruồi giấm. Vi khuẩn ruồi giấm Wolbachia được GS Scott O’Neill ở Trường ĐH Queensland (Australia) và đồng nghiệp tìm ra. Loại vi khuẩn này làm giảm một nửa tuổi thọ của muỗi Aedes, nhờ đó giảm khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết của muỗi.
Chỉ có muỗi trưởng thành mới có khả năng lây truyền virus sốt xuất huyết, nên việc rút ngắn tuổi thọ của muỗi làm giảm đáng kể khả năng lây truyền bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn Wolbachia làm tăng khả năng miễn nhiễm virus cho muỗi, nhờ đó muỗi không truyền virus sang người khi đốt.
Vi khuẩn Wolbachia sống bên trong các tế bào của côn trùng như muỗi và được truyền từ đời mẹ sang con qua trứng. Côn trùng đực mang vi khuẩn Wolbachia không thể thụ tinh thành công với con cái sẽ làm giảm số lượng muỗi được sinh ra, nhưng giúp vi khuẩn Wolbachia phát tán nhanh chóng trong quần thể côn trùng.
Chỉ cần đưa một lượng nhỏ muỗi nhiễm Wolbachia vào tự nhiên, số vi khuẩn này sẽ phát triển trong quần thể muỗi, khiến muỗi không thể truyền bệnh sốt xuất huyết sang người.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia cũng vừa thông báo nước này có thể là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện thí điểm thả 2.000 - 3.000 con muỗi biến đổi gen để chống lại bệnh sốt xuất huyết. Những con muỗi đực biến đổi gen được thả ra tự nhiên, giao phối với muỗi cái và sinh ra muỗi con có tuổi đời ngắn, giúp giảm dân số loài truyền bệnh này.
Các nhà khoa học nước này cho biết, những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho kết quả khả quan. Các nỗ lực của Malaysia trong việc dọn dẹp và phá hủy nơi đẻ trứng của muỗi ở những ao tù nước đọng đến nay đã thất bại. Từ đầu năm tới nay, nước này đã có 117 người dân chết vì sốt xuất huyết.
Loại muỗi Aedes gây truyền bệnh sốt xuất huyết ở hơn 100 quốc gia và khoảng 40% dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết, nhất là ở châu Á và Mỹ Latin. Do chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị đặc hiệu, hàng năm có khoảng 50-100 triệu ca mắc và 40,000 ca tử vong.
Trúc Quỳnh/Báo Đất Việt
Tin đã đăng
- Đĩa bay xuất hiện nhiều kỷ lục tại Anh
- Những bí ẩn chưa ai biết về Hồ Tây
- Chú cá heo hồng duy nhất trên thế giới
- Phát hiện bức tượng khổng lồ của Hoàng hậu Ai Cập cổ
- Kẻ tiến hóa nhanh nhất thế giới
- Dùng tế bào gốc nhân bản vô tính chữa bệnh Parkinson
- Ở hầu hết các loài, chung thủy chỉ là điều tưởng tượng
- Sao Hỏa và sao Kim: những tương đồng đáng ngạc nhiên
- Sáu loài dơi tiền sử được phát hiện tại Ai Cập
- Lần đầu tiên phát hiện cá ngủ đông