itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Trong nước / Cây Trichanthera ở Đông Nam Bộ

Cây Trichanthera, loại cây quý cần nhân rộng ở miền Đông Nam Bộ

Cây Trichanthera. Ảnh: Đinh Trần

Cây Trichanthera gigantae được các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, lần đầu tiên đem trồng và áp dụng thử nghiệm thành công sau khi đã qua nghiên cứu ở phòng thí nghiệm.

Theo các nhà khoa học, lá cây Trichanthera hiện là thức ăn “ngon, bổ, rẻ” cho các loài gia súc, gia cầm. Loại cây này dễ trồng, có sức sống cao, dễ phát tán và thích hợp với mọi vùng thổ dưỡng. Cây chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều protein, caroten, giàu chất đạm nên có thể dùng làm thức ăn chính cho gia cầm, gia súc và cả loài thủy sản dưới nước. Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có số lượng đàn gia súc khá lớn, điều kiện tự nhiên thích hợp cho chăn nuôi, việc tìm và phát triển cây thức ăn xanh giàu protein phục vụ cho chăn nuôi là rất cần thiết. Để góp phần cổ vũ cho phong trào, tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để quý vị độc giả tham khảo.

Xuất xứ

Du nhập vào Việt Nam năm 1990, cây Trichanthera gigantae (còn gọi là cây trà lá lớn) có xuất xứ từ Nam Mỹ, là cây tiểu mọc, thân bụi, năng suất lá cao, có thể sống trong nhiều điều kiện khí hậu và sinh thái khác nhau. Đặc biệt thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới như VN, Campuchia, Philippines... là nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc, gia cầm và thuỷ cầm.

Đặc điểm

Trichathera Gigantea là loại cây thân bụi, tán tròn, lá cánh quạt dài tới 26cm và rộng 14cm. Đỉnh lá nhọn, bản hẹp, nở hoa theo chu kỳ. Cây tái sinh rất nhanh, kể cả thu hoạch nhiều lần mà không cần cung cấp thêm phân bón, khả năng phát sinh những chồi mới cao. Tỉ lệ nẩy chồi cao nhất ở thời điểm 20-30 ngày sau khi trồng. Khi được trồng bằng thân, cây phát triển tốt hơn do không mất chất dinh dưỡng để nuôi bộ rễ. Hom trồng trong bóng râm cho tỉ lệ nẩy mầm cao hơn hom trồng ngoài mặt trời có ánh sáng chiếu trực tiếp. Trong điều kiện được lá chuối che phủ, năng suất thu cao hơn khi cây trồng riêng lẻ. Cây Trichanthera có thể trồng cặp theo các bờ mương, ao, sông... dưới các hàng cây nhãn, xoài, chanh... cây vừa phát triển tốt vừa hạn chế được các loại cỏ dại, không phải làm cỏ hay xịt thuốc trừ cỏ, cây còn có tính kháng bệnh cao, vì đến nay vẫn chưa phát hiện có loại sâu, rầy nào phá hoại cây này.

Cách trồng

Có thể trồng Trichanthera tập trung với mật độ 4 cây/m2 (50cm x 50cm). Cây con được tạo ra từ đoạn ngọn, thân non hay thân già dài 20 cm và ít nhất có 3 cặp lá thật hay đốt để khi trồng 1 đốt sẽ được vùi xuống dưới mặt đất, đốt này sẽ là nơi ra rễ. Còn một đốt nằm trên mặt đất, đốt này sẽ là nơi ra lá mới. Đất ươm cây giống cần râm mát. Sau khi giâm cành hay ngọn 15-20 ngày, mầm non xuất hiện và khi mầm mới có 2 cập lá thật có thể đem trồng trên ruộng. Tuy nhiên có thể trồng sớm hay muộn tùy thuộc vào thời tiết lúc trồng. Tốt nhất ươm cây con vào cuối tháng giêng và trồng ra ruộng vào tháng 3. Cũng có thể ươm cây con vào tháng 8 và trồng vào cuối tháng 9 để có thể thu hoạch lứa đầu vào tháng 12 hay tháng 1, là lúc thiếu thức ăn xanh. Bình thường sau 120 ngày có thể thu hoạch lứa đầu ở độ cao cách mặt đất 60cm và 90-100 ngày cho cách lứa tái sinh. Khi cắt nên chừa 3-4 cm trên đoạn tái sinh. Sau mỗi lần cắt nên làm sạch cỏ và bón 80-100kg Ure/ha và nên bón cho cây một lượng hữa cơ vào đầu mùa xuân hàng năm.

Ở vùng ĐBSCL, cây Trichanthera có năng suất tốt khi trồng trong bóng râm, cao hơn so trồng ngoài nắng. Sau khi trồng 7-8 tháng, với khoảng cách (0,5 x 0,5m) năng suất đạt 15,6-16,7 tấn/ha. Chú ý thu hoạch thường xuyên đừng để cây quá cao, lá già, gia súc không thích ăn.

Sử dụng Trichanthera trong chăn nuôi

Lá cây Trichanthera gigantea rất giàu đạm (khoảng 20%), khoáng, sinh tố, tỉ lệ chất xơ tương đối thấp, là loại thức ăn ngon, bổ, rẻ cho các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Ngoài cung cấp dinh dưỡng, cây Trichanthera còn có tác dụng chống bệnh đường ruột cho vật nuôi.

Cách sử dụng

  • Đối với lợn (tuỳ lớn nhỏ) dùng 0,5 – 3 kg lá/ngày, băm trộn với cám.
  • Đối với dê: dùng 1-3kg lá/ngày.
  • Đối với thỏ: dùng 0,5-1kg lá/ngày.
  • Đối với gà, vịt, chim cút... cho ăn bằng cách thái lá Trichanthera thật nhỏ trộn lẫn với cám, thóc...
  • Với các loại cá (tai tượng, điêu hồng, chim trắng...) cho ăn bằng cách bó cây Trichanthera lại và dìm xuống nước.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy, Trichanthera ở dạng bột cỏ hoặc tươi trong khẩu phần ăn của gia cầm sẽ tạo nguồn cung cấp protein, caroten. Thử nghiệm nuôi 150 gà đẻ thương phẩm, 800 cút đẻ kéo dài trong 10 tuần có bổ sung 2-4% bột lá Trichanthera và 0,2-0,3% Carophyll trong khẩu phần. Kết quả trung bình về năng suất và chất lượng của trứng gà và cút giữa thí nghiệm và đối chứng tương đối giống nhau. Nhưng giá thành có bổ sung bột lá thấp hơn. Đối với 120 vịt xiêm nuôi từ 30-90 ngày tuổi có dùng lá Trichanthera trong khẩu phần, kết quả cho thấy, dùng lá Trichanthera làm da có màu vàng tốt hơn so với vịt ở nghiệm thức đối chứng. Riêng dùng lá cây Trichathera bổ sung vào phần ăn tấm, cám nuôi heo, một số hộ chăn nuôi ở TP Cần Thơ đã cho ăn lượng lá tươi 4,2kg/ngày cho heo nái và 3,6kg/ngày dành cho heo thịt, tương đương 112– 130g Protein/ngày/heo.

Sử dụng lá cây Trichanthera làm thức ăn chăn nuôi sẽ giảm 1/3 chi phí mua thức ăn, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với khi cho ăn bằng các thức ăn truyền thống. Sau khi cho ăn lá Trichanthera, thịt, trứng, sữa thu được sẽ vàng, thơm ngon hơn so với các sản phẩm của gia súc, gia cầm không sử dụng lá cây này. Gà đẻ cho ăn Trichanthera lòng đỏ rất đỏ, gà con có da, mỏ vàng hơn (rất hợp thị hiếu người tiêu dùng).

Bà con có nhu cầu giống cây này xin vui lòng liên hệ: dvchan_3pn1@agu.edu.vn

Đinh Trần