itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Trong nước / Giun ký sinh ở mắt người dài... 12 cm

Giun ký sinh ở mắt người dài... 12 cm

Giun chỉ Dirofilaria repens được

gắp ra từ mắt một bệnh nhân.

(Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Đề)

Ngày 16/1, PGS. TS Nguyễn Văn Đề - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết nhóm nghiên cứu của ông vừa phát hiện một loài giun ký sinh ở mắt người dài... 12 cm.

Từ tháng 8/2006 đến tháng 12/2007, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận 6 bệnh nhân với các triệu chứng cộm, vướng, tấy đỏ và cảm giác có vật lạ trong mắt một vùng có diện tích 1-2cm.

Sau khi tiến hành khám các bác sỹ đã phát hiện có một loài ký sinh trùng trong mắt và phẫu thuật gắp ra một con giun chỉ vẫn đang ngọ nguậy có chiều dài... từ 4 - 12,5cm, chiều rộng 0,5 - 1mm. Vị trí giun chỉ ký sinh trong mắt 6 bệnh nhân này nằm dưới lớp kết mạc mắt.

Qua nghiên cứu và giải mã gen, các nhà khoa học đã xác định được đó là loài giun chỉ có tên khoa học Dirofilaria repens.

Nguyên nhân mắc loài ký sinh trùng này do các loài muỗi phổ biến ở Việt Nam như: muỗi sốt rét (Anopheles), muỗi vằn truyền sốt xuất huyết (tên khoa học Aedes) và muỗi nâu (Culex) truyền nhiễm từ chó, mèo sang người.

Vị trí ký sinh của giun chỉ Dirofilaria repens không chỉ ở mắt mà còn nó còn ký sinh ở nhiều nơi khác trên cơ thể như: dưới da, tim, phổi, phúc mạc, tuyến vú, tinh hoàn…

Hình thức ký sinh của giun chỉ Dirofilaria repens là cuộn tròn lại, tạo một cái ổ như cái kén mặc dù nó có chiều dài hàng chục cm.

Tuổi thọ của giun chỉ Dirofilaria repens khoảng vài ba năm, sau khi chết xác của giun chỉ sẽ làm cho vùng ký sinh bị vôi hóa. Thức ăn của nó là các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Giun chỉ Dirofilaria repens dài... 12 cm ký sinh dưới lớp kết mạc mắt.
(Ảnh PGS.TS Nguyễn Văn Đề)

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đề, loài ký sinh trùng này rất nguy hiểm, tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm chưa cao. Nhưng, do "thủ phạm" truyền bệnh là các loài muỗi phổ biến ở Việt Nam nên việc phòng bệnh là hết sức khó khăn!

Mức độ nguy hiểm của giun chỉ Dirofilaria repens ký sinh phụ thuộc vào từng vị trí của cơ thể. Nếu ký sinh ở những nơi xung yếu như mắt và tuyến vú thì người bệnh có thể dễ dang phát hiện ra. Nhưng, nếu ký sinh ở các vị trí khác trong cơ thể thì rất khó phát hiện và người bệnh phải "chung sống hòa bình" với nó.

Theo tài liệu ghi chép trên thế giới, chó mèo nhiễm loài giun chỉ Dirofilaria repens rất cao, đặc biệt ở Mỹ và Italia là 70%. Thế nhưng, đây là một phát hiện mới ở Việt Nam, do vậy chưa có một nghiên cứu hay điều tra nào về tỷ nhiễm loài giun chỉ Dirofilaria repens.

PGS. TS Nguyễn Văn Đề khuyến cáo, ngoài chuyên khoa Mắt, các bệnh viện khác cần chú ý đến nguyên nhân do giun chỉ Dirofilaria repens. Đồng thời, vấn đề đặt ra cho ngành Y tế là sớm xác định tỷ lệ nhiễm giun chỉ trên người và chó, mèo để đưa ra kế hoạch phòng chống có hiệu quả.

Ngọc Huyền / Vietnamnet