itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Trong nước / Sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn

Sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn

Thử nghiệm sản xuất sorbitol trong Phòng thí nghiệm Viện hóa học công nghiệp. Ảnh: Nam Long

Sorbitol, nguyên liệu sản xuất kem đánh răng, mỹ phẩm…vừa được các nhà khoa học trong nước sản xuất thành công.

Sử dụng nguyên liệu sẵn có là tinh bột sắn, thành công này không chỉ giúp giảm nhập khẩu sorbitol mà còn mở ra cơ hội cho người trồng sắn.

Từ nhu cầu thực tế

Hiện nhu cầu sử dụng sorbitol ở nước ta là rất lớn. Đây là nguyên liệu tinh để sản xuất kem đánh răng, mỹ phẩm, thuốc nhuận tràng…Sorbitol được tinh chế từ glucoza chiết suất từ tinh bột. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất glucoza tại Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ vì công nghệ chưa hoàn thiện, chất lượng sản phẩm glucoza chưa ổn định, dư lượng kim loại nặng vẫn tồn tại ở mức cao. Vì vậy, hiện các nhà máy cần sử dụng sorbitol đều phải nhập khẩu.
Muốn sản xuất được sorbitol sạch, cần lựa chọn enzym phù hợp trong quá trình chiết xuất glucoza từ tinh bột, nâng cao độ tinh khiết của dịch thủy phân.
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học công nghiệp, Bộ Công thương đã triển khai đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ tiên tiến sản xuất sorbitol có độ sạch cao từ nguồn tinh bột sắn ứng dụng trong ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm”, đề tài do PGS.TS Mai Ngọc Chúc làm chủ nhiệm. Các nhà khoa học đã tập trung vào giai đoạn hydro hóa glucoza thành sorbitol, tận dụng nguồn nguyên liệu tinh bột sắn dồi dào ở nước ta; đồng thời hoàn thiện công nghệ sản xuất glucoza từ tinh bột sắn.

Cơ hội cho người trồng sắn

PGS.TS Mai Ngọc Chúc cho biết, từ trước đến nay, việc nghiên cứu, sản xuất sorbitol diễn ra trong điều kiện áp suất thường nên sản phẩm khó đáp ứng yêu cầu. Nhóm nghiên cứu đã vận hành thiết bị có áp suất cao, trong điều kiện có mặt của hydro. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nghiên cứu công nghệ này, vì trong điều kiện áp suất cao có hydro rất dễ gây nổ.

Hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu công nghệ sản xuất sorbitol với qui trình hydro hóa liên tục và hydro hóa gián đoạn. Nhóm đã nghiên cứu kỹ những điều kiện phản ứng ở qui mô phòng thí nghiệm; nghiên cứu phương pháp tổng hợp xúc tác và đã làm chủ công nghệ này. Kết quả đề tài nghiên cứu được triển khai ở qui mô pilot công suất 300 đến 400 tấn một năm.

Thành công này mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ cho Công ty Unilever Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến sorbitol ở qui mô công nghiệp, sản xuất sorbitol cho hãng Unilever, phục vụ ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm trong nước, thay thế nhập ngoại và mở ra triển vọng thu nhập từ cây sắn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng quê.

Theo Đất Việt