Chàng trai “quản lý” 250 đàn ong
Mới 19 tuổi nhưng Phạm Văn Bảo Trung (khu phố An Lạc, thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) đã có 3 năm nuôi ong lấy mật thành công, đem lại doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Bảo Trung kể: Đầu năm 2009, do không có “duyên phận” với đường học vấn nên anh bỏ ngang chuyện học khi chưa hết lớp 10 để về nhà phụ giúp bố mẹ làm cà phê. Làm chưa được một tháng, bất ngờ một hôm có người ở xã Đạ Đờn mang 100 đàn ong mật đến vườn nhà Trung nhờ đặt vào vườn cà phê để ong hút mật hoa. Quan sát đàn ong cũng như cách chăm sóc của người này trong mấy ngày ở vườn nhà, Trung bỗng cảm thấy thích nuôi ong một cách lạ kỳ. Thế là xin phép bố mẹ, Trung khăn gói theo người nuôi ong này để phụ việc và học nghề. Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 6 tháng, Trung đã thu được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong.
Trở về nhà, Trung trình bày dự án, kế hoạch nuôi ong của mình và thuyết phục bố mẹ, bà con anh em cho mượn tiền để đầu tư. Ban đầu, nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi lúc bấy giờ, nhưng thấy sự quyết tâm của Trung nên cuối cùng mọi người cũng đồng ý. Trung vay mượn được 50 triệu đồng và đầu tư mua 80 đàn ong về nuôi trong vườn cà phê của gia đình. “Cũng may tìm được chỗ mua và giá lúc đó cũng rẻ chứ bây giờ số tiền ấy chỉ mua được khoảng 30 đàn”, Trung cho hay. Có ong, Trung tập trung chăm sóc và chỉ 4 tháng sau, qua mùa thu hoạch (mật, phấn, sữa ong chúa) đầu tiên, Trung đã thu hồi vốn và có lãi được số ong ban đầu. Từ đó, Trung càng tập trung nuôi và nhân đàn, đến nay trại nuôi ong của Trung đã có 250 đàn ong. Trung cho biết: “Hằng năm vào mùa hoa cà phê (từ tháng 12 đến tháng 4) thì thu hoạch mật và phấn, còn từ tháng 5 đến tháng 11 chỉ tập trung thu sữa ong chúa”.
“Nuôi ong thật ra cũng không khó lắm, chỉ cần siêng năng, chăm sóc, vệ sinh thường xuyên cho đàn ong. Ngoài việc cho ăn ở nhà, hằng năm, vào mùa hoa cà phê cũng phải di chuyển cả trại ong đến những nơi có vườn hoa đẹp, thậm chí sang tận Đắk Lắk để ong hút mật và thay đổi môi trường sống. Nhưng điều quan trọng nhất là phải theo dõi thật kỹ, phát hiện lúc nào ong bị bệnh để điều trị kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm”, Bảo Trung chia sẻ. Từ thành công này, Trung cho biết sắp tới vẫn tập trung nhân đàn, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, điều trị bệnh để phát triển, mở rộng quy mô trại ong.
Trao đổi về mô hình này, chị Giáp Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà, nhìn nhận: “Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, từ hai bàn tay trắng, Phạm Văn Bảo Trung đã tìm tòi, phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được một trại ong như ngày hôm nay. Trung là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ huyện nhà trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Mô hình này cần được nhân rộng để các thanh niên khác học tập và làm theo…”.
Gia Bình
Tin đã đăng
- Thành Khiêm – “vua” bán gạo lẻ
- Về quê tính kế làm ăn
- Vì sao người dân 'khoái' ông Nguyễn Bá Thanh?
- Đổi đời từ cây mít
- “Kỹ sư vũ khí 8X số một” Đỗ Văn Hùng
- Xúc động chuyện những người thầy của Nhà giáo trẻ tiêu biểu
- Nữ giảng viên trẻ mê nghiên cứu khoa học
- Lê Bá Khánh Trình: 'Cậu bé vàng Toán học VN' giờ ra sao?
- Ông Đặng Thành Tâm: “Tôi muốn trở về thời xưa”
- Không ít cán bộ đạo đức, “tròn vo” nhưng… không được việc!