itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Trẻ em Trung Quốc - "cỗ máy" học tập

Trẻ em Trung Quốc - "cỗ máy" học tập

Kỳ nghỉ đông sắp tới nhưng Thẩm Nghi Quyên hầu như không có gì thay đổi. Với em, kỳ nghỉ đông kéo dài một tháng đồng nghĩa với việc học, học nữa, học mãi, và không có thời gian giải trí. Mẹ em đã đưa ra một lịch trình dày đặc cho con: tiếng Anh, piano, học vẽ.

Trẻ em Trung Quốc đang bị cuốn vào những thời khóa biểu kín mít. Tất cả những buổi học ngoại khóa đều nhằm mục đích để các em có ’’sức cạnh tranh’’ hơn trong môi trường xã hội ngày một phát triển, ngày một đòi hỏi cao về tri thức, trình độ.

Với em Thẩm, những ngày học dài đằng đẵng sẽ được ’’thưởng’’ bằng cuốn DVD phim hoạt hình và một chuyến đi ngắn tới Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. "Tôi không có lựa chọn nào khác", mẹ em, Ngô Lý Hoa, một kế toán viên, cho biết. ’’Mọi người xung quanh tôi đều có những kế hoạch chi tiết cho con mình. Tôi không thể để con tôi lỡ nhịp ngay từ vạch xuất phát’’.

Không hoàn toàn sai lầm khi mong muốn đem lại cho con mình nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Nhưng trẻ em ngày nay, giống như Thẩm Nghi Quyên có thể sẽ không phải đối mặt với những vấn đề cơ bản của cuộc sống trong tương lai, nhưng cha mẹ các em cũng nên có sự quan tâm hơn về tâm lý con trẻ. Các em cần được nghỉ ngơi, vui chơi, và có một tuổi thơ đúng nghĩa.

Cha mẹ thường bắt con trẻ quá vất vả để đạt được những bằng cấp ngay từ khi còn rất sớm, Dương Hùng - Giáo sư, Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết. "Các bậc phụ huynh, phần lớn là công chức cổ cồn trắng, có nền tảng giáo dục tốt, thường mong đợi quá nhiều ở con mình’’, ông Dương nhấn mạnh. "Nhiều em thậm chí thiếu thốn một tuổi thơ hạnh phúc kể từ khi các em buộc phải theo đuổi chương trình giáo dục với kỳ vọng ’’thành nhân tài’’ mà cha mẹ sắp đặt. Một sự sáng suốt trong giáo dục con trẻ là để các em sống đúng với tuổi của mình’’.

Ông Dương cảnh báo, trẻ em Trung Quốc ngày nay, đa số là con một trong gia đình, trở nên thông minh, nhận thức và hiểu biết nhanh hơn với thế hệ quá khứ, nhưng các em cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới như thiếu ngủ, thiếu thời gian rảnh rỗi, lo lắng về những hành động của mình, và cố gắng làm hài lòng cha mẹ, không biết làm những việc cơ bản nhất ở lứa tuổi của mình.. "Thật buồn khi thấy rằng, một số học sinh tiểu học vẫn không biết cách buộc dây giày hay tự làm vệ sinh thân thể’’, ông Dương nói. ’’Vì tất cả sự chú ý của gia đình đều dồn vào các em, các em trở thành con người ích kỷ, con người trung tâm duy nhất’’.

Nhiều cha mẹ ở Trung Quốc chỉ có một câu thần chú duy nhất cho con trẻ:
Con phải chiến thắng (Ảnh Tân Hoa xã)

Theo ông Dương, giáo dục hiện nay cũng quá thiên về thi cử. ’’Dạy để thi và học để thi’’, đã trở thành khẩu hiệu trong nhiều năm, và rất khó thay đổi quan điểm này và đã sản sinh ra một thế hệ học sinh được đào tạo bài bản, thi cử với thành tích tốt nhưng lại thiếu sự sáng tạo, tính ham hiểu biết, khám phá.

Khái niệm ’’chất lượng giáo dục’’ xuất hiện từ thập niên 80, và các nhà sư phạm Trung Quốc đã cố gắng áp dụng vào thực tiễn kể từ những năm 90, nỗ lực khuyến khích học sinh trở nên sáng tạo, tự mình suy nghĩ. Song, sự phát triển toàn diện kể cả về tâm sinh lý, cảm xúc lại diễn ra chậm chạp, các bậc phụ huynh thường hối thúc kèm cặp con để con đạt điểm số cao, và giáo viên vẫn tập trung vào các kỳ thi.

Chất lượng giáo dục

Điểm số thi cử vẫn là tiêu chuẩn duy nhất để chọn lựa học sinh ở các cấp học tại Trung Quốc. Mặc dù tấm bằng đại học không đảm bảo cho một nghề nghiệp tốt hay mức lương cao, nhưng với quan niệm của nhiều người, nó có thể giúp đỡ cho tương lai, và các bậc cha mẹ ở Trung Quốc luôn muốn gửi con mình vào những trường học danh tiếng, hy vọng tạo dựng một tương lai sáng lạn.

Khái niệm ’’chất lượng giáo dục’’ đã hình thành, nhưng việc thực thi nó không phải là chuyện một sớm một chiều. Về căn bản, chất lượng giáo dục bao hàm năm lĩnh vực: hàn lâm, nghệ thuật và âm nhạc, đạo đức và giá trị giáo dục, giáo dục thể chất và lao động thể chất. Ngày nay, lao động thể chất đã bị lãng quên và hàn lâm là tâm điểm. Chính vì thế, đặc thù của kiểu giáo dục này sản sinh ra hàng loạt vấn đề như áp lực cao, căng thẳng, kiệt sức và ép buộc.

Chất lượng giáo dục vẫn là mục tiêu và các chương trình truyền hình cho trẻ có thể giúp đỡ mục tiêu này được đạt tới thông qua các chương trình học tập và giải trí. Nó cũng góp phần tăng cường phát triển trí tuệ, cảm xúc, thể chất một cách lành mạnh.

Ở Thượng Hải, có chương trình Haha TV - một kênh riêng phục vụ đối tượng ’’nhí’’. Haha TV, vốn là hàng loạt chương trình truyền hình đã trở thành kênh độc lập kể từ tháng này, và mục tiêu của nó là trẻ em, thanh thiếu niên dưới 14 tuổi.

Ngoài giờ học, lịch của các em còn dày đặc những
khóa học múa hát, đàn nhạc... (Ảnh Nhân dân Nhật báo)

Tống Hải Anh, một quan chức ở Uỷ ban Giáo dục Thượng Hải, cho biết, đây là lần đầu tiên, một chương trình với các nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu về chất lượng giáo dục được phát sóng.

Dương Vân Yến, giám đốc kênh truyền hình này cũng là một nhà sản xuất truyền hình kỳ cựu, mô tả trẻ em Trung Quốc ngày nay, phần lớn là thế hệ con một, có cảm xúc khá thất thường. "Sự thật là, các em có quá nhiều bài tập ở nhà, và luôn luôn bị yêu cầu phải cạnh tranh ngay từ lúc khởi đầu. Các em có quá ít cơ hội tương tác với xã hội và tự nhiên’’.

Dường như, nhiều cha mẹ ở Trung Quốc chỉ có một câu thần chú duy nhất cho con trẻ: Con phải chiến thắng.

Chính điều này đã thúc đẩy Dương và cộng sự đưa ra một chương trình phát triển cho trẻ thực sự bổ ích, có ý nghĩa. Chương trình cũng giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ sự phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ, cũng như tác hại của việc quá tải yêu cầu cho con trẻ. Chương trình được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học của các chuyên gia về tâm sinh lý, phát triển cảm xúc ở trẻ.

"Đây là chương trình em yêu thích’’, Trần Khởi Niên, 12 tuổi cho biết. "Các bạn ở lớp em hiếm khi bỏ qua nó. Chương trình dạy chúng em cách chơi bóng đá hay bóng rổ. Thật là hấp dẫn’’.

Kỳ Thư / Vietnamnet (Theo Thượng Hải nhật báo)