itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Kinh tế Trung Quốc “nhỏ lại” 40%

Kinh tế Trung Quốc “nhỏ lại” 40%

Đầu tuần này Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo mới cho thấy quy mô kinh tế của Trung Quốc đã bị đánh giá cao hơn thực tế khoảng 40%; tuy rằng đây vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Bản báo cáo của WB là kết quả một công trình nghiên cứu so sánh và xếp hạng các nền kinh tế vào thời điểm năm 2005, dựa trên giá trị sản lượng được tính theo sức mua tương đương (purchase power parity – PPP), không bị tác động bởi các cơ chế tỷ giá.

Công trình nghiên cứu do WB và các đối tác tiến hành, được coi là “nỗ lực toàn diện nhất và sâu rộng nhất” trong việc đo lường quy mô tương đối của 146 nền kinh tế trên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1985 Trung Quốc và Ấn Độ tham gia công trình nghiên cứu này, có tên là Chương trình so sánh quốc tế (ICP).

Các nền kinh tế Ấn Độ, Trung Quốc cũng như các nước đang phát triển khác, khi đo lường dựa trên PPP thường có quy mô lớn hơn so với cách đo lường dựa trên tỷ giá hối đoái thông thường. Tuy nhiên, trước đây quy mô kinh tế Trung Quốc được tính toán cao hơn thực tế do thiếu số liệu về hàng hóa và dịch vụ; bây giờ khi Trung Quốc tham gia chương trình ICP, có nhiều cơ sở để các nhà nghiên cứu tính toán toàn diện hơn, kết quả là kinh tế Trung Quốc được tính toán sát thực tế hơn.

Sử dụng phương pháp tính toán GDP theo tỷ giá hối đoái truyền thống, Trung Quốc xếp thứ tư thế giới với tổng sản lượng năm 2005 là 2.244 tỉ đô la, sau Mỹ, Nhật Bản và Đức; tương đương với quy mô kinh tế của Anh hoặc Pháp.

Do Trung Quốc và Ấn Độ chưa tham gia ICP nên trước đây Ngân hàng Thế giới phải dùng phương thức ngoại suy để tính toán quy mô kinh tế của hai xứ này, dựa trên giá trị sức mua tương đương. Theo cách này, tổng sản lượng của Trung Quốc dự tính vào khoảng 8.819 tỉ đô la, chỉ xếp sau Mỹ và lớn hơn nhiều so với kinh tế Nhật, Đức, Anh.

WB cho biết, “Phương pháp ngoại suy trước đây có độ tin cậy thấp, dẫn tới việc đánh giá tổng sản lượng của Trung Quốc và Ấn Độ cao hơn khoảng 40% so với kết quả nghiên cứu mới, được cải tiến lần này. Về mặt thống kê, những kết quả này đáng tin cậy hơn cả về quy mô và giá cả của các nền kinh tế”.

Theo phương pháp mới, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP theo sức mua tương đương là 5.333 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 9% tổng sản lượng toàn cầu; Nhật Bản xếp thứ ba với 7% GDP toàn cầu; Ấn Độ xếp thứ năm với 4%. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, sản xuất ra 23% tổng sản lượng toàn cầu. Theo cách tính GDP dựa trên tỷ giá hối đoái, Mỹ chiếm 29%, Trung Quốc 14% và Ấn Độ 6%.

Cách tính mới của WB cho thấy khoảng cách giàu nghèo và tỷ lệ người nghèo ở Trung Quốc lớn hơn người ta tưởng rất nhiều. Albert Keidel, nhà kinh tế chuyên về kinh tế Trung Quốc ở Carnegia Endowment for International Peace, nhận xét: “Trung Quốc có nhiều người sống dưới mức nghèo khổ hơn là chúng ta hình dung”. Nhiều tháng trước khi WB công bố báo cáo mới, chính ông Keidel đã từng nhận định kinh tế Trung Quốc bị đánh giá quá cao.

Ngoài việc xác định quy mô các nền kinh tế theo sức mua tương đương PPP, bản báo cáo của WB còn tập trung vào việc phân định mức sống giữa các quốc gia thông qua việc tính toán GDP trên đầu người tính theo sức mua và chỉ số tiêu dùng của người dân. Những nước có GDP đầu người cao nhất thế giới, theo báo cáo của WB, là Luxembourg, Qatar, Na Uy, Brunei và Kuwait, thấp nhất là DR Congo, Liberia, Burundi, Zimbabwe và Guinea-Bissau đều ở châu Phi. Những nước có mức tiêu dùng cao nhất, cũng là nơi người dân giàu nhất là Luxembourg, Mỹ, Iceland, Anh Quốc và Na Uy.

Theo Saigon Time Online