itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Thái Lan đưa nông dân trở lại ngôi vương

Thái Lan đưa nông dân trở lại ngôi vương

Thái Lan phân phối đất cho nông dân nghèo dưới hình thức cho thuê giá rẻ nhằm giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đem hạnh phúc về với Thái Lan, đó là bài hát do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha sáng tác phát ra rả trên đài Thái sau cuộc đảo chính hồi tháng 5. Gần nửa năm qua, Prayuth đang cố gắng từng bước thực hiện lời hứa của mình...

Chi tiền mặt, cung cấp phân bón

Cuối tháng 9.2014, Trung tâm thương mại Thái Lan đưa ra kết quả nghiên cứu mới nhất cảnh báo Thái có thể mất 87,5 tỉ baht (khoảng 2,7 tỉ USD) trong 10 năm tới nếu không cải tổ ngành nông nghiệp xuất khẩu gạo. Ngay đầu tháng 10, Thủ tướng của chính quyền quân sự Prayuth Chan-o-cha quyết định chi 40 tỉ baht (khoảng 1,25 tỉ USD) chuyển thẳng vào tài khoản của 3,4 triệu hộ nông dân nghèo trồng lúa trên cả nước, trong đó có hộ nhận được đến 15.000 baht (khoảng 500 USD); xem lại quy trình sản xuất lúa gạo từ hạt giống đến việc trồng trọt, thu hoạch; hỗ trợ gián tiếp bằng cách cung cấp phân bón giá rẻ hơn cho họ.

Bên cạnh đó, để giá gạo không tiếp tục xuống thấp hơn gây thiệt hại đến nông dân, Ủy ban Chính sách lúa gạo Thái còn hỗ trợ các khoản vay lãi suất ưu đãi để nông dân có đủ vốn “ghìm” gạo có giá trị cao (gạo jasmin và gạo đồ) đợi giá gạo thị trường thế giới tăng mới “bung” ra. Năm 2012 và 2013, do chính sách chưa hợp lý nên Thái Lan phải nhường ngôi vương xuất khẩu gạo trên thế giới cho Ấn Độ. “Trong năm nay, Thái Lan sẽ trở lại là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới”, Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết.

Cho thuê đất giá “bèo”

Chỉ mới mấy ngày trước, Thủ tướng Prayuth hứa sẽ “tặng món quà mừng năm mới” cho nông dân nghèo qua những dự án sắp tới, thì ngày 5.11, tờ The Nation cho hay giữa năm 2015, hơn 5.000 mảnh đất tại 22 tỉnh ở Thái Lan sẽ được cấp cho dân nghèo và người không có ruộng đất thuê trồng trọt với giá cực rẻ. Chỉ 1.000 baht/rai/năm (khoảng 400.000 đồng/ha/năm), người dân có thể thuê đất trồng trọt trong ít nhất 5 năm (sau đó có thể gia hạn thêm).

Tháng 7.2014, lãnh đạo 4 tỉnh như Suphan Buri, Si Sa Ket và Udon Thani… đã nộp kế hoạch chi tiết đề nghị phân phối đất cho nông dân và đến ngày 14.10, chính phủ Thái Lan thông qua việc thành lập Ủy ban Chính sách đất đai quốc gia để sắp xếp lại việc sử dụng đất công cộng, đất bỏ hoang, rừng dự trữ.

Để kịp thực hiện vào giữa năm 2015, Sở Nhà đất đã yêu cầu 18 tỉnh còn lại phải nộp gấp kế hoạch chi tiết việc cấp đất canh tác cho dân trước ngày 20.12 năm nay. Trước mắt, 6.000 rai đất (960 ha) ở hai tỉnh Surin và Chumphon sẽ được phân cho 874 hộ gia đình ngay trong tháng 12. “Việc cho dân nghèo thuê đất giá rẻ là cấp thiết và cần phải nhân rộng vì nhu cầu của người dân rất cao. Tuy nhiên, đất này không được sử dụng với mục đích nào khác ngoài trồng trọt và mỗi hộ gia đình cũng không được thuê quá 15 rai (khoảng 2,4 ha)”, Siripong Hantrakul, Giám đốc Sở Nhà đất, cho biết.

Trong tương lai, nếu kế hoạch này được mở rộng, quỹ đất dành cho nông dân nghèo vẫn không thiếu. Hiện tại có khoảng 1,74 triệu ha đất công cộng đã sẵn sàng cấp cho dân nghèo dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ Thái Lan. Ngoài ra, hơn 113.000 mảnh đất đang làm thủ tục để trở thành đất công cộng và khoảng 11.000 mảnh đất khác (tổng diện tích là 66.400 ha) vẫn còn chưa đăng ký.

Theo quy định của chính quyền quân đội, ngoài rừng bảo tồn, và đất thuộc sự quản lý của Bộ Tài nguyên, đất công cộng hoặc bỏ hoang (kể cả nghĩa trang vô thừa nhận) sẽ được thu hồi và sau đó chia cho nông dân nghèo không có đất. Trong 10 năm qua, hơn 100.000 mảnh đất công cộng với diện tích 400.000 rai (khoảng 64.000 ha) đã được chia cho 90.000 hộ dân nghèo trên cả nước.

Tuy nhiên, dự án này vẫn có ý kiến trái chiều. Ông Kridsakorn Silarak, điều phối viên của “Phong trào nhân dân cho một xã hội công bằng” (P-Move), cho rằng dự án này không phải là một giải pháp quản lý đất đai có hiệu quả. Nông dân thích được quyền chuyển nhượng giấy tờ sở hữu đất, nhưng điều đó đi ngược lại chính sách của Sở Nhà đất. “Người dân thuê đất sẽ không thật sự hết mình để canh tác vì đấy không phải là đất của họ, mà chỉ được thuê trong 5 năm. Hy vọng trong tương lai, quy định sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn”, ông nói.

Nguyễn Tập
(VP Bangkok)