Hoàng Anh Gia Lai “bá đạo” ngành đường cả thế giới?
Với đà này thì trong mùa vụ sắp tới ngành đường sẽ mang về cho HAGL gần 1,000 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Với mức đầu tư cho nhà máy đường chỉ khoảng 1,400 tỷ đồng thì đây là mức lời khủng khiếp nằm ngoài sức tưởng tượng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HOSE: HAG) đã đạt được lợi nhuận khá cao và trong đó có phần đóng góp khá lớn từ Công ty đường ở Lào. Điều đáng ngạc nhiên, theo công bố của HAGL thì giá thành mía trung bình khoảng 0.296 triệu đồng/tấn mía, giá thành đường trung bình 4.32 triệu đồng/tấn đường. Mức giá này không chỉ thấp hơn rất nhiều so với các công ty trong ngành đường Việt Nam, mà còn cả quốc gia hàng đầu về mía đường là Brazil. Nếu điều này là sự thật thì HAGL đang “bá đạo” trong ngành đường trên thế giới.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2013 của HAGL, lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm đạt 662 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 368 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là hoạt động kinh doanh đường lần đầu tiên có doanh thu nhưng đã đóng góp một tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận và doanh thu.
Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính của HAGL doanh thu từ hoạt động mía đường đạt 635 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng doanh thu. Trong khi đó, với giá vốn hàng bán chỉ có 226 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đóng góp từ ngành đường lên đến 409 tỷ đồng, chiếm 62% tổng lợi nhuận gộp của cả tập đoàn. Lợi nhuận gộp biên ngành đường đã lên tới 64.41%, đây là mức cao hơn bất kỳ doanh nghiệp đường nào trong nước (các doanh nghiệp SBT, SEC, NHS, LSS lợi nhuận gộp 6 tháng 2013 đạt 12-16%) và cả trên thế giới.
Tại Việt Nam, giá thành của mía thường chiếm 70-80% giá thành sản xuất đường. Giá thành sản xuất mía thường quanh mức 35-40 USD/tấn, tương đương 0.73-0.84 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn gấp 2.4 đến 2.9 lần so với giá mía mà HAGL sản xuất tại Lào. Cũng tương tự như vậy, giá thành sản xuất đường thành phẩm tại Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với Lào. Chẳng hạn doanh nghiệp có giá thành sản xuất đường thuộc nhóm thấp nhất Việt Nam như Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) cũng lên tới 11 triệu đồng/tấn (11,000 đồng/kg), cao gấp 2.54 lần giá thành đường của HAGL, con số này nếu so sánh với Đường Biên Hòa (BHS) thì lên tới 3.4 lần.
Trên thế giới, Brazil là quốc gia sản xuất đường lớn nhất và thuộc nhóm quốc gia có giá thành sản xuất đường thấp. Năng suất mía tại Brazil đạt trung bình 100 tấn/ha, chữ đường trung bình lên tới 14CCS và tỷ lệ thu hồi đường lên tới 13-14 tấn đường/ha. Thái Lan cũng là một quốc gia sản xuất đường một cách hiệu quả với năng suất trung bình đạt khoản 90 tấn mía/ha, tỷ lệ thu hồi đường khoảng 11-12 tấn đường/ha. Trong khi đó tại Việt Nam, năng suất trung bình chỉ đạt 63 tấn mía/ha, tương đương 5.7 tấn đường/ha. Như vậy, so với các quốc gia khá thì năng suất sản xuất đường của Việt Nam rất thấp.
Về giá thành, theo báo cáo của International Sugar Organization (ISO) thì giá thành sản xuất mía tại Brazil vụ mùa 2012/2013 vào khoảng 32 USD/tấn mía, giá thành đường vào khoảng 416 USD/tấn, tương ứng khoảng 8.736 triệu đồng/tấn (tức 8,736 đồng/kg). Trong khi đó tại Thái Lan giá thành cũng khoảng 9.000-10.000 đồng/kg, tương ứng với 9-10 triệu đồng/tấn.
Trở lại với lĩnh vực mía đường của HAGL. Theo thông tin trên từ phía công ty, vụ mùa năm 2012/2013, công ty trồng khoảng 5,530 ha, sản lượng mía ép là 411,440 tấn, tương ứng sản lượng đường là 45,715 tấn. Như vây, nếu thực hiện đúng kế hoạch năng suất mía trung bình của HAGL vào khoảng 74.4 tấn mía/ha thì tỷ lệ thu hồi là 8.27 tấn đường/ha. Như vậy, so với Brazil hay Thái Lan thì hiệu quả sản xuất đường của HAGL còn kém xa.
Từ các phân tích đó cho thấy một nghịch lý tại sao giá thành mía của HAGL theo báo cáo lại chỉ bằng chưa đến 50% so với các quốc gia hàng đầu trong ngành mía đường là Thái Lan và Brazil và chỉ bằng khoảng 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam?! Mặt khác, đáng ra trong vụ đầu tiên thì giá thành sản xuất mía thường phải rất cao bởi mía tái sinh vụ sau thường có giá thành thấp hơn nhiều. Lý giải nguyên nhân, do HAGL được thuê đất với giá rẻ và tự trồng bằng công nghệ hiện đại cũng không mấy thuyết phục. Như vậy, với đà này thì trong mùa vụ sắp tới ngành đường sẽ mang về cho HAGL gần 1,000 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Với mức đầu tư cho nhà máy đường chỉ khoảng 1,400 tỷ đồng thì đây là mức lời khủng khiếp nằm ngoài sức tưởng tượng.
Những nghịch lý đó không thể không đặt dấu hỏi về tính chuẩn xác đối với con số báo cáo, cách hạch toán giá thành và lợi nhuận mảng sản xuất mía đường của HAGL.
Huỳnh Bá
infonet
Tin đã đăng
- Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân chưa được 'tái' thu nhập
- Thanh long ở ĐBSCL cháy hàng
- Miliket kẹt giữa trùng vây
- Nhiều doanh nghiệp cà phê đổ nợ
- Việt Nam sắp có “siêu trái cây”
- Western Bank nhận giải thưởng 'Thương hiệu tiêu biểu 2013'
- Khu Công Nghiệp Tân Đức: Xây dựng, đổi mới và phát triển bền vững
- Khi trụ đỡ nông nghiệp bị lung lay
- Argentina - Thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam
- Lúa mọc mầm, thương lái bặt tăm