Tìm hạt gạo Việt ở Úc
Ở các nền nông nghiệp phát triển cao, hàng hóa của các nông trại được phân phối đến người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của các nhà máy hoặc các tập đoàn lớn. Chẳng hạn ở Úc, nhiều trang trại nuôi bò sữa bán sữa tươi trực tiếp cho các siêu thị lớn như Woolworld. Tình hình tương tự với nhiều hàng nông sản khác như rau quả, thịt, trứng...
Điều thất vọng là rất ít hàng nông nghiệp của Việt Nam được bày bán ở các siêu thị lớn của Úc (trừ mặt hàng cá ba sa phi lê) mà hầu hết chỉ được bán ở các cửa hàng bán lẻ của cộng đồng người Việt, đặc biệt ở các thành phố như Sydney hay Melbourne. Đây là nơi người Việt quy tụ trao đổi thông tin, chia sẻ cuộc sống ở xứ người, là ngôi chợ mà vào buổi sáng bà con thường đi “mua đồ làm cơm bữa”.
Gạo Việt nhãn Thái?
Là con dân vùng trồng lúa, tôi đặc biệt muốn tìm hiểu việc mua bán mặt hàng gạo ở Úc như thế nào để xem có cơ hội nào cho hạt gạo của nông dân ĐBSCL hay không. Gạo bán ở các siêu thị được thiết kế bao bì rất đẹp, có nhiều loại trọng lượng: 500 gam, 1 ki lô gam, 2 ki lô gam, cao nhất là 5 ki lô gam. Các chủng loại gạo có Jasmine (Thái Lan), Basmati (Ấn Độ), và gạo hạt tròn của Úc với mức giá rất khác nhau, có loại chỉ 2 đô la Úc/ki lô gam nhưng cũng có loại đến hơn 8 đô la/ki lô gam.
Không thấy thương hiệu gạo Việt Nam trong siêu thị. Tuy nhiên, đến các cửa hàng của người châu Á thì thấy hầu hết gạo hoặc nếp được đóng trong bao nylon với các loại trọng lượng 2, 5, 10 và 25 ki lô gam. Nhiều nhà hàng của người Việt và người Thái thường lấy gạo ở các cửa hàng này. Nhiều gia đình người Việt cũng như gia đình người châu Á khác sống ở Úc thường mua gạo bao 25 ki lô gam trong khi người Úc chỉ mua bịch 500 gam hoặc cao lắm là 2 ki lô gam. Tôi tự hỏi Việt Nam ta trồng nhiều lúa gạo quá mà sao không thấy xuất hiện ở các cửa hàng cũng như siêu thị ở Úc? Đây là cũng là câu hỏi cho ngành gạo Việt Nam về lâu dài.
Tôi tò mò hỏi chị Hương, chủ cửa hàng Sài Gòn Shop tại Phố Dickson ở Canberra: “Sao chị không nhập gạo Việt Nam mà bán?”. Chị trả lời chị đã thử, nhưng khổ nỗi có 5 bao (loại 10 ki lô gam/bao) mà chỉ bán được 3, còn 2 bao vẫn... nằm trong kho. Chị nói tên gạo Việt chưa bán được ở xứ này, dù cũng có thể có nhiều gạo Việt nhưng được đóng gói dưới các nhãn hiệu Thái Lan. Đây là điều chua xót cho ngành gạo Việt Nam.
Người Úc ăn gạo gì?
Ở các siêu thị có hai chủng loại gạo phổ biến là gạo đã được nấu chín đóng gói sẵn (chỉ cần cho vào lò vi sóng 2 phút là ăn liền) và gạo nấu như thông thường. Nhưng lượng gạo nấu chín trưng bày rất ít.
Tôi cũng tò mò tìm hiểu xem người Úc có ăn gạo hữu cơ không, nên chú ý quan sát tại một gian hàng trong một siêu thị lớn ở Canberra. Tại đây, có hơn 10 loại gạo được trưng bày trong đó có gạo hạt tròn của Úc (của tập đoàn Sunrise), hạt dài (Jasmine Thái), gạo Basmati (Ấn Độ) và gạo hữu cơ (Brown Organic Rice). Nhưng lượng gạo hữu cơ trưng bày cũng rất ít. Có thể do sản lượng loại gạo này còn khiêm tốn chăng?
Gạo hữu cơ tại đây so với gạo lúa mùa nổi của Vĩnh Phước Tri Tôn (An Giang) thì không khác nhau lắm, nhưng giá gạo lúa mùa nổi mà bán được 25.000 đồng/ki lô gam là nông dân mình... “mừng húm”. Ở những năm chưa có dự án bảo tồn và phát triển nhãn hiệu lúa mùa nổi, giá lúa chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/ki lô gam mà vẫn khó bán. Năm 2013, khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn phát triển nhãn hiệu lúa mùa nổi thì giá mới được nâng lên, giá bán tại ruộng được 14.000 đồng/ki lô gam là nông dân vui lắm rồi.
Trong khi đó, giá gạo hữu cơ bán tại siêu thị Úc tính ra hơn 100.000 đồng/ki lô gam.
Cho nên, tiềm năng gạo sạch của Việt Nam còn đó...
Có điều, phải đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu đồng thời với xúc tiến thương mại để tăng cường lòng tin của người tiêu dùng ở Úc cũng như các quốc gia phát triển khác, từng bước cạnh tranh với gạo Thái.
TS. Nguyễn Văn Kiền
tbktsg
Tin đã đăng
- Việt Nam cần sớm quy hoạch nghề nuôi tôm
- Không đăng ký bảo hộ, nhiều nông sản Việt sẽ “biến mất”
- Gạo thơm đang dễ bán
- Nguy cơ thiếu xi măng đang hiện rõ
- Nhật “dọa” bỏ Việt Nam quay sang nhập tôm Ấn Độ
- Giá lúa sẽ tăng cao?!
- Gấp rút tái canh cây điều
- Tổ chức sản xuất chuyên sâu
- Kỳ vọng vào gạo thơm
- Trung Quốc hủy nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột