itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Vinashin - hành trình vươn ra biển lớn

Vinashin - hành trình vươn ra biển lớn

Trong thành công của ngành đóng tàu

Việt Nam, những đóng góp của Vinashin

là rất lớn

Sản phẩm đầu tiên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tự thiết kế, đóng mới và đưa vào vận hành thành công là ụ nổi 8.500 tấn, ụ nổi lớn nhất mà Việt Nam làm được từ trước tới nay. Tiếp đó, Vinashin đóng thành công các tàu hàng trọng tải lớn 6.500 tấn, đạt cấp đăng kiểm quốc tế, mở ra thời kỳ mới cho đóng tàu xuất khẩu với các hợp đồng đặt hàng từ Irắc và Nhật Bản.

Không dừng lại ở đó, Vinashin tiếp tục đóng thành công con tàu có trọng tải 11.500 tấn, được đặt tên là Vinashin Sun. Từ đây, niềm tin và thương hiệu của Vinashin bắt đầu được quốc tế biết đến. Hàng loạt tàu có trọng tải từ 6.500 tấn đến 53.000 tấn, đạt chất lượng cao đã được đóng ở các nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hạ Long, Nam Triệu, Phà Rừng, Bến Kiền, Sông Cấm..., theo các đơn đặt hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Israel, Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Anh. Sắp tới, Vinashin chuẩn bị đóng tàu có trọng tải 100.000 tấn.

Song hành với chương trình tạo dựng sản phẩm mới, Vinashin đã xây dựng chiến lược đầu tư một cách toàn diện từ cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, con người và vốn. Vinashin đã mạnh dạn đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng và xây mới các nhà máy đóng tàu trọng tải lớn, đồng thời ứng dụng vào sản xuất các máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ cao, những phần mềm thiết kế và công nghệ đóng tàu hiện đại, tiên tiến.

Việc thực hiện đổi mới và nâng cao năng lực các dây chuyền công nghệ đã tạo thêm năng lực chế tạo cho các đơn vị đóng tàu. Theo đó các công ty đóng tàu Bạch Đằng, Hạ Long, Nam Triệu, Phà Rừng chủ yếu chế tạo ra những con tàu có trọng tải trên một vạn tấn và nhiều vạn tấn; Công ty Công nghiệp tàu thủy Bến Kiền, Nhà máy đóng tàu Sông Cấm đóng các con tàu có trọng tải nhỏ hơn, nhưng có tính năng kỹ thuật chuyên dụng cao, như các tàu công trình, tàu cứu nạn, tàu chở khách... Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Sài Gòn, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn cũng có thế mạnh về đóng tàu trọng tải lớn.

Các dự án đầu tư xây dựng mới các nhà máy đóng tàu được đặc biệt quan tâm. Có thể kể đến Dự án xây dựng Nhà máy Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, để đóng tàu có trọng tải 100.000 DWT. Đây là bước đi táo bạo trong hành trình nâng cao vị thế đóng tàu của ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin, Vinashin còn rất chú trọng mở rộng và đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, để có thép cho đóng tàu, cũng như cung ứng các động cơ tàu thuỷ có công suất lớn, lắp ráp và sản xuất các trang thiết bị động lực..., thực hiện được mục tiêu nội địa hoá sản phẩm tới năm 2010 đạt 50 - 60%.

Vinashin cũng đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Cùng việc hàng năm cử cán bộ, công nhân kỹ thuật đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài (như Ba Lan, Nhật Bản, Đan Mạch...), Vinashin còn có các trường đào tạo công nhân kỹ thuật riêng và đang trình Chính phủ nâng cấp Viện Khoa học công nghệ tàu thuỷ thành Học viện Công nghệ tàu thuỷ để có đủ năng lực đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho toàn ngành.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song những năm qua, Vinashin đã rất nỗ lực, cố gắng đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh, trong đó việc thành lập Công ty Tài chính công nghiệp tàu thuỷ là bước đi đúng hướng.

Để hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, Vinashin tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước có công nghiệp đóng tàu phát triển ở Tây Bắc Âu và Đông Á như: Trung Quốc, CHLB Đức, Đan Mạch, Thuỵ Điển..., để tiếp thu công nghệ mới, xúc tiến từng bước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tàu thuỷ. Bên cạnh đó, Vinashin đã đẩy mạnh tiếp thị tại các nước Trung Đông, Đông Nam Á, châu Mỹ và xây dựng mạng lưới bán hàng tại các khu vực tiềm năng.

Năm 2007, ngành đóng tàu Việt Nam đã lọt vào top 5 quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu lớn nhất thế giới. Trong thành công này, những đóng góp của Vinashin là rất lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc Kinh doanh của Vinashin cho rằng, khó khăn lúc này là duy trì và phát triển hơn nữa, để ngành đóng tàu Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Minh Nhật / Đầu Tư