itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Chòng chành sự nghèo nơi bãi chim

Chòng chành sự nghèo nơi bãi chim

Ảnh: Giang Thanh

Khu dân cư Bãi Chim thuộc xã Khai Thái (Phú Xuyên) nằm ở ngoài bãi sông Hồng. Vào mùa mưa, Bãi Chim là một “ốc đảo” nhỏ bé nằm giữa mênh mông bốn bề nước lớn. Còn vào mùa khô nơi đây trở thành một miệt vườn xanh mướt với đủ các loại cây trồng từ chuối, cam, bưởi đến các loại rau củ quả như đậu đen, đậu đũa.

Bãi Chim đất đai màu mỡ, trù phú được phù sa bồi đắp đấy nhưng con người cũng chỉ canh tác được 2 vụ 1 năm, không có chuyện bốn mùa cây trái xanh tốt bội thu. Nước sông Mẹ dâng cao rồi lại rút duy chỉ có chuyện kinh tế khó khăn thì vẫn bám trụ trên đất bãi này từ mấy chục năm qua.

Bãi Chim được hình thành bồi lắng từ thủa nào thì kể cả bậc lão làng cũng không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng những năm kháng chiến chống pháp một vùng đất bãi đầy lau sậy um tùm giữa sông Hồng trở thành đường dây liên lạc của nhiều cơ sở cách mạng của 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Đông. Đến những năm 60 của thế kỷ trước nhiều người dân vạn chài đánh cá dọc theo bờ sông Hồng từ khắp các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây... đã chọn Bãi Chim là bến neo đậu. Ngày qua ngày những người đàn ông vạn chài ra sông đánh bắt cá cho cánh phụ nữ mang lên bờ bán còn bọn trẻ nhỏ ở nhà phát cỏ dại để trồng hoa màu. Số hộ dân vạn chài sống ở đây không đông mà đất đai Bãi Chim ngày một bồi lắng nhiều thêm.

 
 
  Bà con nông dân khẩn trương thu hoạch trước mưa bão. Ảnh: Giang Thanh  

Năm 1984, 1985 phong trào đi xây dựng kinh tế mới rộn rã khắp các địa phương. Nhận thấy không phải đi đâu xa, chỉ cần sang ngay bên kia sông vùng đất bãi rộng cả 100 ha màu mỡ mà chỉ mất hơn chục phút đò giang là sang đến bên này sông. Cùng thời điểm đó tỉnh Hưng Yên cũng đã đưa dân sang Bãi Chim khai hoá. Hà Tây có khu dân cư Bãi Chim chủ yếu là dân của xã Khai Thái còn tỉnh Hưng Yên cũng thành lập một thôn Văn Nghệ của xã Mai Động. Đối tượng di dời sang vùng đất bãi mới này chủ yếu là các hộ gia đình khó khăn, đông con nằm ở hai thôn Vĩnh Hạ, Vĩnh Trung.

Từ thủa khai hoang lập làng đến nay, người dân Bãi Chim ít nhà có thể vực lên giàu có bởi đất đai ở đây chỉ có thể trồng được ngô, đậu, lạc cho năng suất cao nhưng mỗi năm chỉ gieo trồng được 2 vụ còn vào từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch là bà con lại phải xoay sở sang việc khác vì nước sông Hồng đã dâng lên cao, sẵn sàng cuốn trôi, nhấn chìm tất cả hoa màu ngoài bãi. Sản xuất nông nghiệp vốn được coi là xí nghiệp sản xuất ngoài trời đầy rủi ro nên từ lâu ở vùng Bãi Chim này chuyện trồng cây gì? nuôi con gì? cho hiệu quả vẫn là một bài toán khó.

Xác định vị trí nằm ở giữa lòng sông Hồng nên không hộ gia đình nào dám làm bè thả cá hay đào ao, cải tạo vườn tạp thành các mô hình trang trại chăn nuôi, kết hợp với trồng cây ăn quả. Bí thư chi bộ khu dân cư Bãi Chim cho hay: Các hộ dân Bãi Chim chưa có hộ nào giàu trong khi đó hộ nghèo, hộ khó khăn còn rất nhiều. Bà con nông dân ai cũng chăm chỉ cày xới để mong có những vụ thu hoạch bội thu xong do canh tác manh mún, mỗi nhà trồng một loại cây, thu hoạch thời vụ lại không trùng nên mạnh nhà ai nhà ấy bán, mỗi lần vài chục cân đậu, một tạ rau để rồi điệp khúc "cưỡi” thuyền nan vượt con nước sang bên kia sông đổi gạo đã trở thành một nếp sống.

Khu dân cư Bãi Chim có 35 ha diện tích canh tác với 81 hộ gia đình sinh sống. Nhưng đến nay chỉ còn khoảng 50 hộ gia đình bám trụ lại, còn hơn 30 hộ đã di dời nhà về làng cũ sinh sống, ngày ngày chỉ sang sông gieo trồng, chăn nuôi, chiều muộn lại vào trong đê. Mỗi người một hoàn cảnh có người vì tiện cho con cái đi lại học hành, có người vì người trụ cột gia đình không còn nữa, mấy mẹ con đành dắt dìu nhau về làng cũ. Xã Khai Thái xác định hướng chuyển đổi hiệu quả hơn cả cho vùng Bãi Chim là xây dựng đề án quy hoạch, chuyển giao KHKT cho bà con để chuyển một số diện tích trồng hoa màu sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Hiện mỗi hộ gia đình mới có từ 2-3 con bò chăn nuôi mang tính tận dụng cỏ ở các vùng bãi còn chăn nuôi tập trung quy mô thì chưa có. Nếu đề án chăn nuôi bò thịt ở vùng Bãi Chim trở thành một phong trào rộng khắp được đông đảo các hộ dân đồng tình đây sẽ là một hướng đi mới tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó xã Khai Thái cũng cần phối kết hợp với các trung tâm giống cây trồng uy tín để lựa chọn loại cây ăn quả phù hợp với chất đất, điều kiện thời tiết cũng như trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con. Tiến tới có thể tạo ra được vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, giá trị cao. Để mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực, rút ngắn con đường thoát nghèo của cư dân đất bãi cần sự quan tâm đồng bộ hơn nữa của các cơ quan đoàn thể trong và ngoài xã. Bởi trong thực tế để tìm được một loại cây trồng vật nuôi mang tính đột phá, đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững là điều không đơn giản. Ngoài tham gia học tập kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các địa phương có cùng điều kiện còn cần sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận từ phía người dân.

Do điều kiện tự nhiên, chỉ cần nước sông Hồng báo động số 2 là toàn bộ tài sản trong bãi phải di dời. Biết chuyện mưa bão là chuyện của tự nhiên từ nhiều năm nay gia đình anh Nguyễn Đình Ném, tổ trưởng khu dân cư Bãi Chim cũng như các hộ dân khác năm nào vào mùa mưa đều phải chuyển toàn bộ tài sản quan trọng vào nhà người thân ở trong đê, vườn tược hoa màu đều phải thu hoạch gọn trước tháng 7 âm lịch và chỉ trồng lại vào đầu tháng 11 hàng năm. Đời sống của bà con ở những vùng bãi giữa sông Hồng dọc từ Ba Vì về đến Phú Xuyên đều có những đặc thù riêng nhưng dường như khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì lại là khó khăn chung. Con nước dập dình mé sông như cuộc sống người dân xóm bãi. Sông mẹ bên lở bên bồi, mỗi mùa nước dâng cao sau ngày rút đất đai màu mỡ hơn và vụ sau cây trồng dễ bội thu nhưng không vì thế mà người dân đất này có thể phất lên giàu có. Nhà nào đủ ăn là điều may mắn, và con đường thoát nghèo nơi đây vẫn còn lắm gian nan.

Giang Thanh