itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / “GDP vẫn có thể tăng 6% trong năm 2009”

“GDP vẫn có thể tăng 6% trong năm 2009”

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã hiện hữu, song cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, công tác dự báo của Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều bất cập.

Dự báo kinh tế Việt Nam 2009?

Năm 2009, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn lớn, cần phải nhận diện để có biện phó đối phó thích hợp. Đó là Việt Nam không thể nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khu vực xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu hàng tiêu dùng, sẽ là khu vực chịu tác động mạnh do cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế. Ngoài ra, doanh thu xuất khẩu dầu mỏ sẽ giảm mạnh do giảm lượng xuất khẩu và giá dầu mỏ thế giới năm 2009 sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2009, theo các cam kết của WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhiều ngành hàng như phân phối hàng hóa, giáo dục và y tế, đồng thời thực hiện cam kết mở cửa hơn nữa lĩnh vực tài chính ngân hàng. Mặt khác, Việt Nam sẽ tiếp tục phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu, điều này tất yếu sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh ở trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ thua ngay trên sân nhà do những đối thủ cạnh tranh quốc tế có nhiều tiềm năng và kinh nghiệm phát triển hơn.

Để thực hiện tốt kế hoạch 2009, ngoài những biện pháp mà Chính phủ đã nêu, theo tôi nên chăng cần tập trung lưu ý xem xét nghiêm túc việc nâng cao chất lượng tăng trưởng vì đây là nhân tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

- Nhưng ở Việt Nam, dường như các nhà dự báo vẫn chưa phải chịu trách nhiệm trước các dự báo sai của mình ?

Nhà dự báo là các cơ quan của chính phủ dự báo, các bộ các ngành dự báo, các viện độc lập dự báo, các cá nhân cũng có thể dự báo, nhưng cuối cùng kết quả dự báo đó cũng không ai chịu trách nhiệm. Và cũng chưa có quy định nào để chịu trách nhiệm về vấn đề dự báo.

Theo tôi, các nhà dự báo cần phải chịu trách nhiệm trước sự tiến bộ và kết luận của mình để phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách, nếu hoạch định chính sách dựa vào dự báo mà sai thì nhà dự báo phải chịu trách nhiệm. Nhưng muốn làm được điều này thì cần phải tổ chức lại, phải có được những nghị định của Chính phủ quy định việc này. Còn hiện nay chưa có một quy định nào liên quan đến vấn đề trách nhiệm của nhà làm dự báo. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm rằng, có những dự báo có thể đưa ra dư luận, nhưng cũng có những dự báo chỉ phục vụ cho quản lý thôi, vì nó nhạy cảm ảnh hưởng đến thị trường. Ví dụ như dự báo xăng dầu, dự báo tiền tệ... ảnh hưởng đến tâm lý, nên có nhũng dự báo không phải để công bố.

- Kết quả dự báo vừa rồi của chúng ta căn cứ vào đâu?

Các kết quả dự báo vừa qua của chúng ta chủ yếu dựa vào dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế và của các cá nhân là các nhà khoa học quốc tế là chính, còn số liệu của các nhà dự báo Việt Nam bị hạn chế bởi hệ thống dự liệu, cơ sở dữ liệu, chính sách và năng lực của mình.

- Công tác dự báo trong thời gian tới vẫn tiếp tục bị phụ thuộc vào việc dự báo của các nước ?

Dự báo thì không thể chính xác nếu không có hệ thống dữ liệu và có một định hướng rõ về công tác dự báo. Nên trong giai đoạn chuyển biến nhanh của tình hình kinh tế thế giới thế và cuộc khủng hoảng tài chính cũng như suy giảm kinh tế hiện nay thì rõ ràng dự báo là rất khó, kể cả cơ quan dự báo của quốc tế chứ không phải riêng Việt Nam. Chúng ta cần biết nắm bắt bản chất của vấn đề để có thể phân tích và ứng dụng vào ảnh hưởng của Việt Nam như thế nào để khắc phục nó, và biến nó thành lợi thế của mình.

- Nhưng bản thân nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu?

Những điểm yếu của Việt Nam hiện nay có thể kể đến là cơ cấu kinh tế phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và tăng lao động. Khoa học, công nghệ chưa được ứng dụng nhiều vào sản xuất nên hiệu quả sản xuất kinh doanh kém hơn nhiều nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hệ số ICOR ở mức cao; Hoạt động xuất khẩu chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp, bên cạnh đó thương hiệu của hàng hóa Việt Nam cũng rất mờ nhạt; Quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng không đồng bộ đã ảnh hưởng lớn tới sự phối kết hợp trong sản xuất, gây ách tắc trong nền kinh tế mà biểu hiện rõ ràng nhất là yếu kém của cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng tràn lan và trùng lặp (cụ thể là nhà máy đường, sân bay, cảng biển...) đang gây lãng phí lớn các nguồn vốn đầu tư, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả.

Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu năm 2009

Chỉ tiêu:

Tốc độ tăng GDP: 5,5 - 6%

CPI: 8 - 10%

Xuất khẩu: 72 - 74 tỷ USD

Nhập khẩu: 90 - 92 tỷ USD

Đầu tư/GDP: 38 - 39%

Trương Định ( Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia)