itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Ăn ít sống lâu

Ăn ít sống lâu

Ăn thanh đạm, nhiều rau củ, ít calo

được cho là một bí quyết trường thọ

của người Okinawa

Quan niệm của nhiều dân tộc phương Đông từ ngàn xưa đề cao sự thanh đạm trong triết lý ẩm thực, coi đó là một bí quyết dưỡng sinh. Ngày nay, các nhà nghiên cứu phương Tây cũng khẳng định tiết chế ăn uống là một trong những phương pháp hiệu quả để tăng cường sức khỏe và tuổi thọ. Chế độ dinh dưỡng hạn chế calo (calorie restriction) ra đời từ đó.

Sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn...

Năm 1934, hai nhà nghiên cứu Đại học Cornell là Clive McCay và Mary Crowell nhận thấy những con chuột thí nghiệm được nuôi với chế độ cắt giảm calo nhưng vẫn đủ vitamin và các dưỡng chất cần thiết sống lâu hơn 40% so với dự kiến.

Phát hiện này đã trở thành nền tảng cho hàng loạt nghiên cứu về lợi ích của việc hạn chế lượng calo đưa vào cơ thể và mở ra một trào lưu dinh dưỡng mới ở phương Tây mang tên calorie restriction hay CR.

Lĩnh vực nghiên cứu về CR bắt đầu phát triển mạnh từ giữa những năm 1970 và cho đến nay đã tiến những bước dài với rất nhiều thí nghiệm thành công trên động vật.

Tại Viện nghiên cứu vật nuôi Purina, những con chó Labrador được nuôi suốt đời theo chế độ giảm 25% calo có tuổi thọ trung bình tăng 15% so với những con được nuôi bình thường.

Hạn chế calo còn tỏ ra có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa một số căn bệnh nan y, đặc biệt là ung thư. Thí nghiệm trên chuột cho thấy tỉ lệ mắc ung thư giảm đáng kể ở những con được nuôi theo chế độ CR.

Thậm chí, tại Viện Wistar ở Philadelphia, người ta đã gây đột biến gen để kích thích phát triển ung thư trên hai nhóm chuột, một nhóm cho ăn theo chế độ CR và nhóm còn lại cho ăn bình thường. Kết quả là chuột ở nhóm thứ nhất xuất hiện ít khối u hơn nhóm thứ hai.

Chú khỉ nâu này được nuôi theo chế độ hạn chế calo
nên trông thon gọn và trẻ trung hơn

Theo giải thích của các nhà khoa học tại Viện quốc gia nghiên cứu về lão hóa của Mỹ (NIA) thì động vật ăn theo chế độ CR có thân nhiệt thấp hơn nếu ăn theo chế độ thông thường. Ở nhiệt độ thấp, cơ chế tự sửa chữa các ADN hư hại của cơ thể vận hành hiệu quả hơn.

Ngay cả đối với con người, thân nhiệt thấp cũng được xem như một đặc điểm cho thấy khả năng sống thọ. Một số người theo đuổi chế độ dinh dưỡng CR nhiều năm cho biết thân nhiệt của họ thường xuyên chỉ ở mức 36 độ.

Một biểu hiện tích cực khác ở động vật thí nghiệm nuôi theo chế độ CR là mức insulin và đường trong máu thấp, đồng thời mức độ nhạy cảm với insulin cao hơn so với trung bình.

Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ cần ít insulin hơn để kiểm soát đường huyết và do vậy, giảm được nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và tim mạch.

Chú khỉ này ăn theo chế độ bình thường, đã xuất hiện
những dấu hiệu lão hóa: tuy béo hơn nhưng lông xơ xác, da nhăn nheo

Giảm calo còn giúp hạn chế nguy cơ mắc một số căn bệnh có liên quan đến quá trình lão hóa như Alzheimer hay Parkinson. Thí nghiệm trên khỉ nâu tại Đại học Wisconsin cho thấy những con được nuôi bằng khẩu phần giảm 30% calo có mức độ vận động cao hơn và lượng dopamine (hóa chất giúp kiểm soát khả năng vận động) trong não nhiều hơn so với nhóm đối chứng, dù cả hai đều bị tiêm các chất kích thích phát triển bệnh Parkinson.

“Nhịn ăn” để sống

Người đi tiên phong trong việc đưa CR thành một triết lý dinh dưỡng là Roy Walford, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kéo dài tuổi thọ tại NIA và UCLA (Đại học California).

Ông là tác giả cuốn Chế độ ăn để sống hơn 120 tuổi, một trong những cuốn sách về đề tài dinh dưỡng bán chạy nhất ở Mỹ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Bản thân Walford cũng là người kiên trì theo đuổi phương pháp ăn uống hạn chế calo.

Trong thời gian 1991 đến 1993, cùng với 7 người nữa, Roy Walford đã chứng minh những lợi ích cụ thể của phương pháp này trên người. Sau 6 tháng duy trì lượng calo hàng ngày từ 1.800 đến 2.200 (thấp hơn 12% đến 28% so với mức bình quân của người Mỹ), nhóm của Walford đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng: cholesterol trung bình giảm từ 191 xuống 123; đường huyết lúc đói từ 92 xuống 74; huyết áp từ 109/74 xuống 89/58.

Thành công của Walford làm nức lòng tất cả những ai quan tâm đến chế độ CR và thu hút được rất nhiều người theo đuổi phương pháp này. Theo một thống kê không đầy đủ, riêng tại Mỹ đã có 50.000 người áp dụng chế độ dinh dưỡng hạn chế calo dài hạn. Rất nhiều người trong số họ là văn nghệ sĩ, chính khách hoặc thuộc giới khoa học.

Peter Voss, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo ở Los Angeles đã áp dụng CR được tròn 10 năm. Mỗi ngày, Peter Voss chỉ “nạp” vào cơ thể 1.850 calo, ít hơn khoảng 1/3 so với trước đây. Bữa sáng của ông là một suất sa lát, kèm thêm một vài lát mỏng thịt gà, cá hoặc đậu phụ. Bữa chiều, Voss thường ăn chay với cơm, đậu và rau.

Thời gian còn lại trong ngày, nếu cảm thấy cồn cào, thay vì ăn bánh quy hoặc khoai tây chiên như các bạn đồng nghiệp, ông sẽ nhấm nháp một củ cà rốt hoặc một trái ớt ngọt.

Sau một thập niên ép mình vào chế độ ăn ít calo, từ 70kg, Peter Voss nay chỉ còn 60kg, khá mảnh mai so với chiều cao 1m77. Bù lại, dù đã bước qua tuổi 50, nhưng các chỉ số huyết áp, triglyceride, cholesterol... của ông vẫn như một thanh niên.

Và ông hài lòng về điều đó, cho dù đôi khi cũng cảm thấy hơi áy náy vì phải từ chối món pho mát hảo hạng hay gan ngỗng béo thơm lừng mà các vị chủ nhà nhiệt tình mời mọc khi ông ghé chơi.

Những vấn đề còn lại

Không phải ai cũng lạc quan như Peter Voss. Lý do mà họ đưa ra là chính Roy Walford, người khởi xướng trào lưu CR ở Mỹ đã qua đời năm 79 tuổi vì bệnh Lou Gehrig chứ không thọ đến 120 tuổi như ông đã từng tuyên bố.

Và dù hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy hạn chế calo trong ăn uống sẽ giúp cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ (ở những mức độ khác nhau), nhưng mặt khác, nó cũng gây ra một số vấn đề. Giảm lượng calo trên 30% có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng hoạt động trí óc cũng như khả năng sinh sản.

Hơn nữa, phải thường xuyên kiềm chế nhu cầu thưởng thức ẩm thực để đảm bảo lượng calo thấp sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Giải quyết những vấn đề này mà không làm mất đi các lợi ích của phương pháp hạn chế calo chính là mục tiêu mà các nhà khoa học đang hướng tới.

Theo Khoa học và Đời sống