itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Giới tính / Hương gây mùi nhớ

Hương gây mùi nhớ

Tắm hoa

Ngày nay, có một cách rất dễ cho các ông chồng. Các nhà khoa học trả lời rằng người chồng hãy ngửi mùi của vợ đượm trên tấm áo nàng đang mặc.

Thoạt nghe, điều này có vẻ hơi kỳ cục, tuy nhiên đấy chính là kết quả một nghiên cứu khoa học nhằm xác định xem trong thời điểm phụ nữ rụng trứng, cơ thể các nàng tỏa mùi ra sao.

Bông chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm cây, thơm lá, người trồng cũng thơm.

Câu ca dao đó là phép “dương đông kích Tây” của người xưa. Nếu nói ngay rằng cô nàng chưa quen biết thơm tho thì chẳng những vừa sỗ sàng, sống sượng, lại vừa có thể phản tác dụng. Thế nên anh chàng nào đó khôn khéo mượn bông mượn hoa để nhập đề gián tiếp, rồi mới khen nàng một cách ý nhị. Từ câu ca dao này có điều cần lưu ý: Ngày xưa người Việt Nam chưa biết dùng dầu thơm, nông thôn cũng chưa có thị trường mỹ phẩm. Vậy, nếu nàng thơm, ấy chính là mùi thơm tự nhiên của da thịt.

Nhưng không hẳn luôn luôn là thơm, mà đúng ra nên gọi là hơi hướm, tức là cái mùi riêng bẩm sinh ở mỗi nàng. Cái mùi ấy có thể không vừa mũi lắm kẻ, nhưng đối với một đấng nam nhi nào đó, thì đấy lại là đặc trưng của nàng để anh không thể quên nàng. Ca dao vì thế còn bảo:

Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.

Do đã gần gũi mà bén mùi quen hơi, chung sống lâu ngày trở thành ghiền mà chẳng hay. Chỉ khi nào lỡ xa nhau, đôi lứa hai phương trời cách biệt, thì bấy giờ kẻ ở mới bâng khuâng, nhung nhớ hoài chút mùi riêng của người đi. Bản thân cụ Nguyễn Du ắt hẳn từng trải nghiệm điều này, thế nên cụ mới có thể khéo diễn tả trong truyện Kiều rằng:

Mành tương phơn phớt gió đàn,
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.

Thực vậy, hơi hướm của nàng dính líu đến sex. Người xưa biết nó qua cuộc sống, kinh nghiệm riêng tư, nhưng ngày nay khoa học đã xác định nó bằng công trình nghiên cứu nghiêm túc.

Mỗi tháng có vài ngày nàng thơm lạ lùng

Làm sao người chồng biết được trong mỗi tháng, vào giai đoạn nào thì vợ mình đang có khả năng dễ thụ thai nhất? Các bác sĩ thường tư vấn rằng đấy là ba ngày quanh thời điểm rụng trứng (ovulation): hai ngày trước khi rụng trứng và một ngày sau khi rụng trứng. Nhưng việc xác định ngày rụng trứng lại không đơn giản vì rụng trứng là một quá trình phức tạp trong đó người vợ bị nhiều yếu tố tâm sinh lý chi phối. Ngay cả những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt rất đều thì không phải chu kỳ nào cũng có rụng trứng mà thường chỉ có hiện tượng này trong khoảng 2/3 đến 3/4 chu kỳ.

Ngày nay, có một cách rất dễ cho các ông chồng. Các nhà khoa học trả lời rằng người chồng hãy ngửi mùi của vợ đượm trên tấm áo nàng đang mặc. Thoạt nghe, điều này có vẻ hơi kỳ cục, tuy nhiên đấy chính là kết quả một nghiên cứu khoa học nhằm xác định xem trong thời điểm phụ nữ rụng trứng, cơ thể các nàng tỏa mùi ra sao.

Các nàng phải “ở dơ” trong một thí nghiệm khác thường

Theo bản tin BBC (http://news.bbc.co.uk/1/hi/sci/tech/... ngày 3-4-2001), các nhà khoa học thuộc Viện đại học Texas (tại thủ phủ Austin của bang Texas, Mỹ) đã mời 17 phụ nữ tham gia nghiên cứu. Vào giai đoạn dễ thụ thai nhất (most fertile) trong chu kỳ 28 ngày của phụ nữ, mỗi nàng được yêu cầu mặc một áo thun (T-shirt) trong ba đêm liền mà không thay áo. Sau đó họ mặc áo khác trong giai đoạn ít có khả năng thụ thai nhất. Suốt thời gian thí nghiệm, các nàng phải cam kết tuyệt đối không xức dầu thơm, không dùng xà bông thơm, các mỹ phẩm có mùi thơm. Chưa hết, các nàng còn không được uống thuốc ngừa thai và phải “hy sinh” thú vui chăn gối.

Tất cả các áo thun (chưa đem giặt) ấy được đánh số thứ tự và trao cho 52 người đàn ông. Các ông phải hít từng chiếc áo còn nguyên mùi nồng nàn rồi đánh giá, xếp loại xem khi ngửi áo thấy thích thú thế nào, có mùi gợi dục ra sao, mức độ nhiều hay ít...

Kết quả nghiên cứu làm các nhà khoa học kinh ngạc, và họ đã công bố chi tiết công trình nghiên cứu này trên một tập san nghiên cứu sinh học của Hoàng gia Anh (The journal Proceedings of the Royal Society B, viết tắt là Proc. R. Soc. B, địa chỉ website tại: http://www.pubs.royalsoc.ac.uk).

Theo kết quả ấy, có thể tóm tắt rằng vào thời kỳ phụ nữ dễ thụ thai nhất, ở người họ tỏa ra mùi đặc thù rất dễ chịu, thậm chí là gợi tình (particularly pleasant, even sexier) và mùi đó khiến chồng nàng thích thú hơn cả (significantly preferable). Cũng từ kết quả thí nghiệm này, người ta hiểu thêm vì sao trong những ngày trứng rụng, người vợ thường ham muốn được chăn gối với chồng.

Tóm lại, mùi của nàng mang một “thông điệp” yêu đương. Giải mã được bí mật này, người ta hiểu vì sao vua Tự Đức (1829-1883) đã vì ái phi Thị Bằng mà lưu lại đời hai câu thơ lãng mạn đáng gọi thần cú:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Trần Thế Hương