itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Tập đoàn Tân Tạo sẽ nhập khẩu than của Ôtx-trây-li-a

Tập đoàn Tân Tạo sẽ nhập khẩu than của Ôtx-trây-li-a

Bà Đặng Thị Hoàng Yến Chủ tịch HĐQT (đứng giữa) và Ông Đặng Quang Hạnh (thứ hai từ phải sang) Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Tân Tạo chụp hình tại toà nhà Quốc hội Ôtx-trây-li-a.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo đã cho biết như vậy trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ôtx-trây-li-a 2 ngày. Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu than từ nước ngoài, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước đang phát triển mạnh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Hoàng Yến về vấn đề này…

PV: Vì sao tập đoàn Tân Tạo lại quyết định tìm kiếm đối tác để nhập khẩu than từ Ôtx-trây-li-a?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhu cầu năng lượng đang phát triển rất mạnh. Vì vậy, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện. Trong quy hoạch xây dựng các nhà máy điện tại đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng. Tuy nhbên, hầu hết các nhà máy đều có công suất nhỏ, triển khai chậm. Bài toàn năng lượng của ĐBSCL vẫn còn rất nan giải. Theo dự báo, sau năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập thêm năng lượng sơ cấp và năng lượng nguyên tử. Vừa qua, Tập đoàn Tân Tạo được nhà nước tin tưởng giao cho xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước ở Kiên Lương (Kiên Giang). Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến năm 2015, Kiên Lương là một trong 5 trung tâm điện lực đốt than được xem xét phát triển ở khu vực phía Nam, mục tiêu là đáp ứng nhu cầu phụ tải đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trên toàn hệ thống điện. Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương sẽ góp phần giải bài toán thiếu năng lượng đang cận kề. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để nhà máy vận hành, đòi hỏi phải có nguồn than cung cấp. Đó chính là lý do nhân chuyến đi Ôtx-trây-li-a cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi muốn tìm nhà đầu tư cho dự án nhà máy điện. Bởi vì, vì Ôtx-trây-li-a là một trong những quốc gia có trữ lượng than lớn trên thế giới. Tôi đã có lịch làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường của Australia trong 2 ngày ở đất nước thanh bình này. Từ đó nhằm xúc tiến công việc với một số nhà đầu tư. Khi một doanh nghiệp được chọn đi cùng phái đoàn Chính phủ thì đó phải là doanh nghiệp tiêu biểu và đáng tin cậy. Để xây dựng nhà máy nhiệt điện này, chúng tôi cần có những nhà đầu tư lớn và khả năng bền vững trong việc cung cấp nguyên liệu.

PV: Nước ta có nhiều mỏ than lớn, tại sao Tân Tạo không hướng tới khai thác nguồn than trong nước sẽ thuận lợi hơn so với nhập khẩu than từ nước ngoài?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Hiện nay, các mỏ than lớn ở Quảng Ninh chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện phía Bắc. Mặt khác, theo quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân không được quyền khai thác. Hơn thế, về lâu dài khi nhà máy nhiệt điện Kiên Lương đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 50 triệu tấn than mỗi năm trong vòng một thời gian kéo dài 30 năm. Vì vậy, việc tìm kiếm đối tác để nhập khẩu than lâu dài là cần thiết, góp phần tăng cường an ninh năng lượng của đất nước. Tất nhiên để giảm bớt chi phí vận chuyển khi nhập khẩu than, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng cảng Nam Du nên việc vận chuyển nguyên liệu từ nước ngoài vào không quá vất vả và tốn kém như trước.

PV: Đây là lần đầu tiên Chính phủ giao cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư một dự án điện lớn như vậy. Bà có nhận xét gì về sự kiện này?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Tôi thấy là trong những năm gần đây, Nhà nước đã nhận ra vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển của đất nước nên đã có rất nhiều những quan tâm đối với họ, bởi thế chính sách cũng cởi mở hơn. Nhà nước cũng quan tâm đến một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Đó cũng là một cơ hội để Tân Tạo khẳng định mình hơn nữa với Nhà nước cũng như trên thương trường không ít chông gai của thời kỳ hội nhập như hiện nay.

 

Trữ lượng than của Việt Nam

Trữ lượng than đã được tìm kiếm thăm dò:

Hầu hết trữ lượng than đã tìm kiếm thăm dò đều được đưa vào tổng sơ đồ, bao gồm tất cả các nhãn hiệu than hiện có của Việt Nam như sau:

- Than antraxit và bán antraxit, than đá có trữ lượng: 3.367.688 triệu tấn.

- Than mỡ: 7.495 triệu tấn.

- Than nâu lưu huỳnh cao nhiệt năng thấp (mỏ Na Dương): 97.141 triệu tấn.

- Than nâu lưu huỳnh thấp nhiệt năng cao (bể than đồng bằng Bắc bộ chỉ tính riêng mỏ than Bình Minh đã được thăm dò sơ bộ): 118.911 triệu tấn.

- Than bùn được phân bố rộng rãi trong cả nước với trữ lượng tìm kiếm thăm dò có thể huy động: 395.940 triệu tấn.

Tổng trữ lượng địa chất được huy động trong tổng sơ đồ và chiến lược phát triển than Việt Nam đến năm 2010 và dự báo đến năm 2020 dự kiến là 1.044.180 triệu tấn. Trong đó trữ lượng được phân theo phương pháp khai thác như sau:

- Trữ lượng lộ thiên là: 330.186 triệu tấn, chiếm 32%.

- Trữ lượng hầm lò là: 713.994 triệu tấn, chiếm 68%.

(Nguồn: Theo Than nguồn năng lượng hóa thạch của Việt Nam trong thế kỷ XXI, TS Nguyễn Thanh Sơn, Tạp chí Khoa học công nghệ, tháng 4-2006)

NGUYỄN HOÀNG – CÔNG MINH ( từ Ôtx-trây-li-a )