itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Tin từ thành viên / Chủ động chăm lo cho công nhân

Chủ động chăm lo cho công nhân

Công nhân KCN Tân Tạo giờ tan ca

Trước tình hình chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt của nhóm hàng lương thực thực phẩm, liên tục tăng cao, đời sống công nhân (CN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sự chủ động lắng nghe, chăm lo cho công nhân của chủ doanh nghiệp (DN) trở thành yếu tố tối quan trọng giúp hạn chế nguy cơ đình công

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn TPHCM xảy ra 55 vụ tranh chấp lao động tập thể, trong đó có 45 vụ liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền công và các chế độ phúc lợi. Trước tình hình chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt của nhóm hàng lương thực thực phẩm, liên tục tăng cao, đời sống công nhân (CN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sự chủ động lắng nghe, chăm lo cho công nhân của chủ doanh nghiệp (DN) trở thành yếu tố tối quan trọng giúp hạn chế nguy cơ đình công
Lắng nghe để tháo “ngòi nổ”
Tháng 5-2007, khi Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) tăng lương 5% cho CN, ban giám đốc Công ty Silver Star ở gần đó chỉ quyết định tăng 2% lương. Biết được sự chênh lệch này, nhiều CN Công ty Silver Star bức xúc, rục rịch đình công. Nắm được tâm tư của anh em, ngay lập tức, chủ tịch công đoàn công ty đã đề nghị anh em bình tĩnh chờ đợi và liền sau đó, anh có buổi làm việc với ban giám đốc để trình bày sự việc, phân tích cặn kẽ nguy cơ đình công và đề nghị nên có hướng giải quyết sớm. Kết quả: ban giám đốc đã nhìn ra vấn đề và đồng ý nâng mức tăng lương lên 5%. Nguyện vọng của CN nhanh chóng được giải quyết, vụ đình công đã không diễn ra.
Nhiều năm nay, dù số lượng CN của Công ty Pou Yuen lên đến gần 70.000 người nhưng công ty chưa xảy ra vụ tranh chấp lao động nào đáng kể, thực sự là “điểm son” về bình ổn quan hệ lao động. Nguyên nhân là do công ty có bộ phận công đoàn chuyên trách, vừa gần gũi, nắm bắt tâm tư người lao động, vừa gắn bó mật thiết với chủ doanh nghiệp. “Ở Pou Yuen, công đoàn và chủ DN như răng với môi, không có buổi làm việc nào của LĐLĐ quận, TP hay Tổng LĐLĐ VN với công đoàn mà không có chủ DN dự. Ngược lại, những chuyện quan trọng của công ty, bộ phận công đoàn luôn được tham gia giải quyết” - anh Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân nói.
Cách làm của Công ty Organ Needle (100% vốn Nhật Bản, KCX Tân Thuận) cũng là một ví dụ điển hình cho việc lắng nghe CN. Theo định kỳ, ban chấp hành công đoàn công ty gần gũi, lấy ý kiến CN về mức lương, thưởng mà họ mong muốn. Dựa trên khảo sát, ban chấp hành CĐ trao đổi với chủ DN, DN đồng ý tăng lương cho công nhân 5% - 7%/năm. Cuối năm, công đoàn gửi bản khảo sát về chi phí tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền gửi về quê của CN để có cơ sở tham vấn cho chủ DN đưa những điều khoản có lợi cho CN vào thỏa ước lao động tập thể. Nhờ vậy, tình hình công ty luôn ổn định, không xảy ra lãn công, đình công.
Thiết lập cơ chế đối thoại
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận nhận định: Nhiều chủ DN vẫn chưa quen với việc chủ động tăng lương, tăng phúc lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế của CN mà chờ đến khi CN phản ứng bằng cách đình công thì mới chịu giải quyết. Điều này tạo nên tâm lý rất xấu từ phía người lao động về thiện chí của người sử dụng lao động. Điển hình như ở các KCX-KCN, Công đoàn Ban quản lý KCX-KCN vẫn thường tiếp xúc với các chủ DN đề nghị điều chỉnh tăng ca, tăng tiền lương, thưởng, nâng chất lượng bữa ăn… nhưng DN phớt lờ. Hậu quả là tại những DN đó đã xảy ra đình công. Phải thẳng thắn nhìn nhận bức xúc của người lao động về tiền lương là có thật. Nếu không có nguyên nhân thật sự từ phía người lao động, nếu tiền công được trả hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt thì dù có “kích” mấy, người lao động cũng không đình công.
Hầu hết, các cuộc đình công khi diễn ra đều chỉ chấm dứt khi chủ DN phần nào đáp ứng được những yêu cầu của CN. Đó là chưa kể những thiệt hại về năng suất lao động, ngày công lao động mà công ty phải gánh chịu. Thêm vào đó, về phía CN, do thấy đình công luôn thu được “kết quả” nên hễ có bức xúc là giở bài “đình công” ra đối phó với giới chủ, lâu dần tạo thành tiền lệ không tốt, càng làm xấu đi mối quan hệ lao động giữa hai bên. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn rất ít chủ DN ý thức được vấn đề này.
Xét về góc độ quản lý nhà nước, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhìn nhận: Vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Nếu như lâu nay các địa phương đã “trải thảm đỏ” để mời gọi đầu tư từ phía các nhà DN thì đồng thời cũng phải quan tâm đến việc trải “chiếu” cho người lao động ngồi, phải giám sát chặt việc thi hành pháp luật lao động và tác động đến việc nâng mức phúc lợi của chủ DN cho CN. Sắp tới Tổng LĐLĐ sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng chế độ tăng lương hàng năm cho CN theo hướng bù trượt giá và đảm bảo cho CN được hưởng lợi ích từ mức tăng trưởng GDP của cả nước. Bên cạnh đó, sau khi nghị quyết về giai cấp công nhân ra đời, Tổng LĐLĐ cũng sẽ sửa Luật Công đoàn, đưa vào đó cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, tạo điều kiện cho đối tượng này làm tốt nhiệm vụ đại diện cho người lao động đối thoại, tham vấn, thương lượng với giới chủ để bảo đảm quyền lợi CN, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra đình công.

ĐOÀN MAI HƯƠNG