itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Đan Trường: 'Nghệ sĩ trẻ chết vì nổi tiếng ảo'

Đan Trường: 'Nghệ sĩ trẻ chết vì nổi tiếng ảo'

Sau hành trình 15 năm làm nghệ thuật, lúc này, ca sĩ "Tình khúc vàng" không ngại nêu lên quan điểm về sự khác biệt giữa giá trị lao động của các thế hệ tiếp nối.

Bước rẽ thời vụ

- Anh chuẩn bị vào vai sinh viên trong phim chiếu Tết "Yêu anh em dám không" của hãng phim Phước Sang, tại sao anh nhận lời mời vào vai diễn này?

- Tôi vào vai một chàng sinh viên 26 tuổi, tốt nghiệp đại học và tìm việc làm. Vai diễn này không quá khó, kịch bản hay và phù hợp với tính cách của tôi. Quan trọng hơn là thời gian bấm máy không ảnh hưởng đến các kế hoạch biểu diễn của tôi.

- Việc lấn sân điện ảnh nếu không tốt sẽ mang lại cho anh danh hiệu "thảm họa"?

- Tôi lại thấy rất tự tin để nhận vai diễn này bởi độ tuổi và tính cách nhân vật rất hợp. Tất nhiên, tôi vẫn có chút lo lắng nhỏ.

- Dường như anh chỉ tham gia những phim của hãng Phước Sang?

- Anh Phước Sang rất có tài trong việc thuyết phục anh Hoàng Tuấn và tôi (cười). Có thể xem là mối lương duyên trong nghệ thuật. Trước đó, tôi đã nhận được lời mời tham gia nhiều bộ phim như Nàng men chàng bóng, nhưng kịch bản không phù hợp nên không tham gia. Tôi chia sẻ thêm về bộ phim Hiệp sĩ Guốc Vông do Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đảm nhiệm vai trò người viết kịch bản kiêm đạo diễn, nhưng do không sắp xếp được thời gian quay hình nên tôi từ chối tham gia.

- Anh có thể so sánh mức thu nhập giữa đi hát và đóng phim không?

- Mức cát-xê khi tham gia diễn xuất dù "khủng" đến mấy cũng không bằng lương đi hát. Tôi tham gia phim ảnh với mong muốn mang đến điều mới mẻ cho khán giả và fan. Tất nhiên, tôi không thể chọn bừa, phim nào cũng đóng. Nếu kịch bản không phù hợp, tôi không cần bàn bạc tiếp về lương.

- Từng tham gia một số phim nhưng khán giả vẫn chưa thấy anh có một vai diễn nào bứt phá?

- Tôi là một ca sĩ, đóng phim chỉ là bước rẽ thời vụ nên không thể xuất sắc như những diễn viên chuyên nghiệp hay gạo cội. Hạnh phúc nhất của tôi là khi đi đâu ở trong và ngoài nước đều được gọi bằng 3 tiếng thân thương "Thầy Nghiêm Tuấn", một vai diễn tôi tâm đắc trong phim Thứ ba học trò.

Vốn sống không bao giờ thừa

- Những ca sĩ được công chúng xem là hàng đầu Việt Nam như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… hái ra tiền nhờ làm giám khảo ở những chương trình truyền hình thực tế, anh có ý định này không?

- Một số chương trình đã mời nhưng tôi không sắp xép được thời gian. Những show diễn của tôi đã được lên lịch từ 6 tháng trước. Quan trọng hơn, tôi không thích tham gia game show để giữ trọn hình ảnh trong âm nhạc.

- Chẳng phải anh sợ làm không tốt công chúng sẽ quay lưng với mình?

- Không, tôi tự tin vào năng lực chính mình và biết mình làm được điều gì.

- Giữ phong độ trong 15 năm làm nghề, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm?

- Niềm tin yêu của khán giả là quan trọng nhất. Nó được chứng minh qua sự chăm chút trong từng album, hay những đêm nhạc của tôi thu hút hàng vạn người xem.

- Showbiz ồn ào và quá nhiều thị phi, dường như lúc này, anh đang chọn cho mình "thế giới khác"?

- Tôi tự tin đứng vững trước những hoạt động ồn ào của showbiz Việt. Với những giải thưởng vinh danh tên tuổi nghệ sĩ, tôi đã tự rút tên để nhường cơ hội cho đàn em. Tôi sống thanh thản mỗi ngày, dành thời gian tập luyện, vui vẻ cùng gia đình, tối lên sân khấu biểu diễn. Vậy là đủ!

- Phương châm hoạt động nghệ thuật của anh là gì?

- Sự giáo dục đàng hoàng của gia đình từ nhỏ đã giúp tôi nhìn nhận những gì nên làm và không, cũng như hiểu được giá trị cuộc sống. Tôn trọng người đi trước và tôn trọng khán giả là kim chỉ nam để tôi ép mình phải rèn luyện mọi lúc mọi nơi. Thời đỉnh điểm, mỗi lúc lên sân khấu, tôi luôn được ưu tiên hát trước hay ngồi những vị trí đẹp, nhưng tôi dám nói là mình luôn biết kính trên, nhường dưới. Còn bây giờ, tôi thấy hiếm có ca sĩ trẻ nào làm được những điều này.

- Anh thấy cách mà các nghệ sĩ trẻ muốn nổi tiếng hiện nay như thế nào?

- Tôi thấy buồn cười vì khi đi dạo với cún hay thử quần áo, mua xe … những công việc rất đỗi bình thường của các bạn cũng được "trưng" lên các phương tiện truyền thông. Có trường hợp những ca khúc với hàng hàng triệu lượt view ảo trên mạng nhưng khi đi hát thực tế không ai biết những ca khúc đó. Thế giới ảo vô tình dìm chết những gương mặt mới muốn đi tắt con đường nghệ thuật.

- Vậy theo anh, họ phải làm gì để có một sự nghiệp an toàn và vững chắc?

- Ngày xưa chúng tôi cực lắm, không như bây giờ, đi diễn rất xa với điều kiện thiếu thốn - di chuyển bằng xe máy hay thậm chí là xe đạp, không phải là ô tô hay siêu xe. Tôi tôn trọng sự cần lao trong nghệ thuật của chính bản thân tôi và những nghệ sĩ khác như Phương Thanh, Lam Trường, hoặc thế hệ kế cận có những đóng góp lớn như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Mỹ Tâm. Tôi chỉ mong các bạn trẻ làm nghệ thuật hiểu rằng, vốn sống không bao giờ thừa, nếu không có nó, lớp người như chúng tôi không thể nghiễm nhiên tồn tại và gặt được chút ít thành công.

Theo NCĐT