itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Hoà T. Trần: Giọng hát... phi giới tính

Hoà T. Trần: Giọng hát... phi giới tính

Album Để dành của Hoà T. Trần

Không chủ đích đến với âm nhạc như một nghề nghiệp nhưng Hoà T. Trần thể hiện một thái độ nghiêm túc và cẩn trọng với mong muốn "nhìn lên" chứ không hát để làm vừa lòng mọi người.

Sống giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài sao Hòa không hát những ca khúc dễ nghe, mềm mại?

- Hoàn toàn không có khái niệm nhạc dễ nghe hay khó nghe. Đối với Hòa, chỉ có nhạc bạn thích hoặc không thích mà thôi! Tôi chọn những gì tôi yêu thích; nó thuộc về cá tính, đường hướng mà người nghệ sỹ phải định hình cho mình, chứ không thuộc về những phân biệt địa lý, giữa hải ngọai và trong nước.

Ca sĩ Trần Thu Hà khi sống ở Mỹ cũng bắt đầu hát mềm mại hơn, ít cá tính hơn. sao Hoà vẫn thích một điều gì đó khác lạ?

- Mềm mại đồng nghĩa với ít cá tính hơn sao? Chẳng lẽ cứ phải “quái lạ, lập dị” thì mới được gọi là cá tính? Âm nhạc vốn muôn màu muôn sắc; bởi thế, người thể hiện cần một sự uyển chuyển, linh họat để biến hóa trong từng không gian bài hát. Bản lĩnh của Hà Trần nằm trong việc chị làm chủ được những ca khúc chị thể hiện, đưa vào sự tinh tế “đặc trưng Hà Trần”. Cho dù là những bản cover lại, người nghe vẫn nhận ra một Hà Trần riêng biệt, không lẫn với ai, đấy mới thật sự là cá tính âm nhạc!

Với quan niệm âm nhạc là cuộc dạo chơi ngoài nghề bác sĩ, Hoà thấy mình sẽ còn dạo chơi được bao lâu nữa?

- Cuộc dạo chơi của Hòa khởi nguồn từ một niềm đam mê. Niềm đam mê đó lớn dần để thành hình một ước mơ. Rồi ước mơ được nuôi dưỡng bởi chính niềm tin, tình thương của tất cả những người bạn đồng hành trong âm nhạc với Hòa. Tất nhiên, cuộc dạo chơi sẽ kết thúc khi niềm tin yêu vơi dần, khi niềm đam mê lịm tắt và giấc mơ tan biến. Còn bây giờ, Hòa chỉ biết là mình đang hạnh phúc vì được “sống” ước mơ của mình.

Cuộc dạo chơi nào cũng tốn kém và tốn nhiều thời gian, Hoà làm sao dành được nhiều thời gian để tiếp xúc với dòng nhạc mà trong nước?

- Đó là hạn chế của Hòa khi theo đuổi ngành học chuyên môn của mình, nhưng đấy cũng chính là con đường Hòa đã chọn. Khi không thể xuất hiện thường xuyên như một ca sỹ “thuần túy”, khi không vướng bận vào những áp lực “cơm no áo ấm”, Hòa đến với khán giả duy nhất bằng chính giọng hát của mình, bằng âm nhạc thuần khiết, và có thể đứng ngoài guồng máy thị trường để sống trọn vẹn niềm đam mê nghệ thuật.

Trần Thái Hòa sinh năm 1983. Hiện đang sống ở Canada. Nghề nghiệp chuyên môn: Sinh viên y khoa năm cuối tại trường Đại Học McGill (Montréal)
Đã từng thu âm, biểu diễn, ghi hình: - Album đầu tay: Để Dành; Tình nhớ (Trịnh Công Sơn), Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng) - Bài hát Việt – Độc Thọai (Quốc Bảo) – 06/2007 - Trăng Phố (Quốc Bảo) – bài hát chủ đề trong bộ phim truyền hình “Chuyện tình công ty quảng cáo” sẽ được trình chiếu trong tương lai.

Khi nghe Hoà hát, có thể cho rằng đó là một giọng nữ hay là một giọng nam cũng được. Là Hoà cố tình tạo ra cái vẻ “phi giới tính” cho giọng hát mình chăng?

- Hòa có giọng nam cao, hát với đúng cao độ những cảm xúc của một chàng trai trẻ. Hòa không thích sự gượng ép, khiên cưỡng trong âm nhạc. Hòa cũng không cố tạo những gì không thuộc về mình vì Hòa trân trọng sự chân thành trong giọng hát, đó là cách giao cảm hiệu quả nhất với người nghe.

Những bài hát Hoà chọn gần như cũng hợp với ca sĩ nữ hơn. Hoà quyết định chọn vào album đầu tay cũng vì muốn tô đậm chất giọng “mái” của mình?

Hoà T. Trần

- 10 bài hát nằm trong CD đầu tay đều gắn liền với những giai thoại, những kỷ niệm đẹp của một cuộc dạo chơi âm nhạc mà Hòa muốn “để dành” cho riêng mình. Lời ru cho con là ca khúc đầu tiên Hòa trình diễn trên sân khấu. Cảm ơn một đóa xuân ngời là mối liên kết với NS Quốc Bảo. Để dành là sáng tác dành riêng cho Hòa. Trở về thay những gì Hòa muốn nói. On dirait qu’ils dormentYou and I là những suy nghĩ của tầng lớp trẻ sinh sống và lớn lên xa quê hương. Đó là những bài hát tô đậm nét chân dung Hòa T. Trần trong lần ra mắt đầu tiên của mình.

Phát hành album tại Việt Nam trước, Hòa có kế hoạch gì cho việc “chinh phục” thị trường trong nước sau khi đã thừa nhận là album này không hợp tai nghe "ngoại" lắm?

- Hòa nghĩ trong tương lai gần, sự phân biệt trong nước – ngoài nước sẽ là không cần thiết, những ca sĩ như Hòa có thể hoạt động ở bất kỳ đâu mà không cần danh xưng “ca sĩ hải ngoại” và có thể làm những gì mình thích mà không phải đối mặt với những câu hỏi kiểu “Tại sao ca sĩ hải ngoại lại hát kiểu này kiểu nọ…”. Dù ở đâu thì chúng ta cũng là người Việt, cũng phục vụ khán giả Việt là chính, mà khán giả thì có gu rất phong phú, chuyện khó nghe, dễ nghe chỉ là tương đối và cảm tính mà thôi.

Linh Lan