itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Nhạc sỹ Bá Phổ: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay”

Nhạc sỹ Bá Phổ: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay”

Tuy chưa từng học ở một trường chính quy nào, nhưng hiện nay, khi đã trở thành nhạc sỹ danh tiếng, điều khiến nhạc sỹ Bá Phổ luôn trăn trở là việc “cổ nhạc Việt Nam dường như chỉ hấp dẫn những nhà nghiên cứu âm nhạc nước ngoài và sinh viên nước bạn”? Nhân buổi trò chuyện về âm nhạc nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung, nhạc sỹ Bá Phổ đã có những trao đổi rất thẳng thắn với chúng tôi về vấn đề này.

Thưa nhạc sỹ Bá Phổ, dường như từ ngày có nhạc đường, ông ít xuất hiện hơn?

Tôi vẫn thường xuyên xuất hiện đấy chứ. Từ đầu năm đến giờ có bảy chương trình truyền hình trực tiếp rồi đấy. Tôi cũng khá bận rộn với các lớp giảng dạy về cổ nhạc cho một số người nước ngoài. Nhiều nhà nghiên cứu của nước bạn tìm đến Việt Nam (nói chung) và nhạc đường Bá Phổ (nói riêng) để tìm hiểu cổ nhạc Việt Nam. Trong số đó có nhiều người là giáo sư, tiến sỹ và nhiều tuổi hơn tôi.

Giảng dạy những người như vậy ông có thấy mình bị áp lực không?

Không. Tôi chẳng bao giờ bị áp lực. Đôi khi còn thấy mình “oai” nữa vì được làm việc với nhiều giáo sư, tiến sỹ nước bạn mà tiền công lại khá cao (cười).

Số lượng người Việt tìm đến nhạc đường Bá Phổ để học cổ nhạc có nhiều không ạ?

Ôi, ít lắm, có chăng chỉ vài phóng viên đến tìm hiểu viết bài thôi. Tôi nghĩ một phần do cổ nhạc của chúng ta chưa thực sự phong phú để khám phá và một phần giới trẻ chưa có lòng tự hào dân tộc. Hơn nữa, do xu thế thời đại, do ồ ạt của môi trường, của những dòng văn hoá khác tràn vào. Bên cạnh đó, giáo dục cũng góp một phần khá quan trọng trong việc định hướng tư tưởng cho giới trẻ hôm nay. Phải có điều gì đặc biệt mới làm cho người ta thấy được cái hay, cái đẹp của cổ nhạc chứ.

Phải chăng do khâu “ tiếp thị cổ nhạc” chưa được chú trọng?

Không thể gọi là “tiếp thị” vì hoạt động văn hoá nghệ thuật từ trước đến nay thường được bao cấp. Mà bao cấp thì cần có định hướng. Xã hội hoá thì phải tự sống. Nghệ thuật có định hướng thì không thể xã hội hoá được.

Hiện nay, việc dạy cổ nhạc chưa được chú trọng phải chăng vì người giỏi chuyên môn thì chưa biết cách truyền đạt và ngược lại, người biết cách truyền đạt chưa hẳn đã giỏi về chuyên môn?

Tất nhiên cần nền tảng lý luận âm nhạc vững chắc mới có thể đi vào giảng dạy âm nhạc một cách bài bản được chứ không riêng gì cổ nhạc. Ở nước ta, sự thẩm định âm nhạc của một số giáo sư cũng chưa thật chuẩn xác. Nhiều giáo sư được đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài nên sự thẩm định của họ phần nhiều do các giáo sư nước ngoài truyền thụ. Nhưng không phải người nước ngoài nào cũng hiểu đúng đâu. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ đôi khi cũng hạn chế phương thức truyền đạt của người ta chứ. Hiện nay, khi thông tin cho công chúng về những giá trị tinh hoa của dân tộc lại thường dựa trên sách vở, lý thuyết hơn là thực tế. Không chỉ thiếu người hoạt động cụ thể trên từng sản phẩm mà ngay những nhà quản lý cần có khả năng thẩm định tốt, thậm chí phải biết “đãi cát tìm vàng”.

 
Gìn giữ cổ nhạc Việt Nam

Duyên cớ nào đưa ông đến với cổ nhạc Việt Nam?

Đúng là từ nhỏ tôi theo học nhạc cụ quốc tế. Năm 1963, Nghị quyết Trung ương Đảng là “hiện đại hoá âm nhạc dân tộc bằng cách xây dựng lại dàn nhạc giao hưởng Việt Nam” nên tôi xin sang đây. Năm 1987, tôi xin tách khỏi nhà hát ca múa nhạc TW để hoạt động độc lập. Tuy nhiên, hoạt động độc lập muốn thành công cần phải có những “yếu tố đặc biệt” thì người ta mới tìm đến mình. Yếu tố đó là “hay, giỏi, đẹp, lạ”. Tôi tìm cách khai thác cái “lạ” của nhạc dân tộc ở chính những thứ người ta “quên”! Nếu mua được thì phục chế, còn không mua được thì tôi tái chế. Đàn T’rưng là một trong những loại nhạc cụ đó. Thấy tôi làm được thì người ta công nhận thôi. Điều đó lý giải vì sao tôi hoạt động độc lập mà vẫn có hiệu quả.

Đàn T’rưng là sản phẩm của nhạc sỹ Bá Phổ nhưng vì sao nhắc đến ông, người ta thường gọi là “ông vua Đàn Nguyệt”?

Đấy là vì lúc trước tôi từng biểu diễn đàn Nguyệt rất thành công. Năm 1969, khi tôi biểu diễn sôlô đàn Nguyệt ở Paris, các thiếu nữ Pháp tung tôi lên và biệt danh “Vua đàn Nguyệt” có từ đó. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên biểu diễn solo đàn Nguyệt thành công ở nước bạn.

Theo ông thì cách làm của mình có gì khác biệt?

Thường thì người ta hoạt động theo kiểu sáng tác và biểu diễn thôi. Còn riêng với Bá Phổ thì làm tuốt các khâu từ A đến Z. Nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, tái chế, cải tiến, sáng tác, biểu diễn, tổ chức biểu diễn và cả giảng dạy. Tôi luôn nghĩ, muốn hoạt động bền vững và dài lâu thì nhất định phải có những thành tựu về nghiên cứu và tổ chức biểu diễn.

Làm sao người nước ngoài biết danh Bá Phổ và tìm đến ông?

Cả đời tôi chưa bao giờ được bước chân vào một trường cấp hai chính quy chứ đừng nói gì đến đại học. Những gì tôi có được hôm nay là do học mót, học lỏm đấy. Nhưng tôi chưa bao giờ giảng dạy “lạc đề” cả. Người nước ngoài cũng rất biết “chọn mặt gửi vàng” đấy.

Còn việc người nước ngoài tìm đến tôi thì cũng rất khó lí giải. Theo cá nhân tôi nghĩ thì có thể bắt đầu từ lần tôi tham gia biểu diễn ở nhà khách Chính phủ cho cố vấn của tổng thống Bush (cha). Lúc đó hầu như rất ít người xem. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ có vị cố vấn và vài phóng viên đài BBC thôi. Sau khi xem tôi biểu diễn, ông ấy có phỏng vấn tôi khoảng ba mươi phút nhưng lại không đả động gì đến âm nhạc mà hỏi nhiều về chính trị. Cũng may là tôi trả lời khá rành rẽ. Có lẽ khi trở về Mỹ, ông ấy đã báo cáo lên Thượng Viện nên đến năm 1991, khi John Kerry (phó chủ tịch thượng viện) sang thăm Việt Nam, ông cho mời tôi lên biểu diễn. Từ đấy, người nọ truyền tai người kia nên nhiều học giả nước ngoài, nhiều nhà nghiên cứu nước bạn sang Việt Nam đều chỉ tin tưởng vào tôi. Đối với họ, bằng cấp không quan trọng, cái chính là sự hiểu biết của mình truyền cho họ mà thôi.

Có thể nói, với nhạc sỹ Bá Phổ thì sự công nhận của công chúng trong nước ít hơn từ nước ngoài?

Tôi không đồng ý với quan điểm của bạn. Bản thân vấn đề âm nhạc nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung - tức là những vấn đề trừu tượng, khi được hỏi thích hay không thích đều áp dụng theo tiêu chí của người thành phố. Đó là điều hết sức phi lý. Người nông thôn cũng thích đấy chứ, nhưng họ không có điều kiện thưởng thức, nghiên cứu thôi. Ngay cả các chương trình nói là “của công chúng” cũng chưa hẳn đã đúng. Người của công chúng phải là người được công chúng thừa nhận. Ngay trong thuyết Âm dương cũng tồn tại hai mặt sáng - tối mà. Chính vì vậy tôi vẫn bảo, ở đất nước nào, giai đoạn phát triển nào cũng có sự thật - giả lẫn lộn. Thi có thật - giả, bằng cấp đã thật - giả, giải thưởng lại cũng thật giả nốt! Nếu “thật”, may lắm chỉ có thi toán, thi chạy và đá bóng – nhưng ở bóng đá mà có tiêu cực là tại anh cầm còi. Còn những gì thuộc về trừu tượng thì giải thưởng cũng đều trừu tượng cả. Cái trừu tượng nếu do thiếu hiểu biết còn được châm chước nhưng nếu do mưu mô, có ý đồ dàn xếp thì rất khó được công chúng chấp nhận.

 
Nhạc sỹ Bá Phổ tại nhạc đường

Ý ông là có mâu thuẫn giữa sự công hiến và công nhận?

Đương nhiên, đó là điều mà ai cũng nhìn thấy chứ đâu chỉ riêng bản thân tôi. Thế nên mấy trăm năm trước Nguyễn Du đã phải đau đớn thốt lên rằng “ Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - thiên hạ ai khóc Tố Như chăng”? Câu hỏi ấy bây giờ vẫn còn linh nghiệm. Nhưng theo tôi, những gì mình giành tâm huyết thì mình làm, tốt là làm, không quan trọng ai nhìn nhận, đánh giá như thế nào. Đi trước không thể nói là thiệt hay không mà điều cốt yếu là việc đó giúp ích gì cho xã hội. Tư duy phải đi trước thời đại. Những bộ óc vĩ đại đương thời thường ít được ghi nhận. Họ nghĩ những việc chưa ai từng nghĩ thì cống hiến của họ chưa được công nhận cũng là điều dễ hiểu. Những người được xã hội thừa nhận chưa hẳn do bộ óc vĩ đại mà bản thân họ chỉ là những học giả thông minh thôi. Tôi không đồng ý việc người ta kêu gọi lòng say mê. “Say” và “mê” cũng có lúc người ta “tỉnh”. Còn tâm huyết thì sống cả đời vì nó, không quan trọng hiện tại có được công nhận hay không.

Vậy nhạc sỹ Bá Phổ là người tâm huyết hay say mê?

Tôi là người sống vì lý tưởng của riêng mình. Thấy việc gì đúng và nên làm thì làm thôi.

Cảm ơn ông. Chúc ông ngày càng có nhiều thành công trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc cổ nhạc dân tộc.

Giáng Tiên

(thực hiện)