itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Tâm điểm nhạc Việt 2007

Tâm điểm nhạc Việt 2007

Các thí sinh trong đêm chung kết

cuộc thi Vietnam Idol

Theo đánh giá của giới chuyên môn và đa phần tầng lớp khán giả, nhạc Việt trong năm 2007 có xu hướng chùng xuống và thiếu đi những đột phá mang tính “cải tổ”.

Và đã có 2 ý kiến được đưa ra, thứ nhất là nhạc Việt đã bão hòa và “hết đất diễn”, thứ hai, đây là thời gian “án binh bất động” để thu hút “tiềm lực” cho cú nhảy lớn trong những năm tiếp theo.

1. Vietnam Idol

Sự kiện cuộc thi Thần tượng âm nhạc lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đánh dấu 2 vấn đề đang hiện hữu trong nền âm nhạc Việt Nam. Thứ nhất, sân khấu Việt Nam đang thiếu những ngôi sao lớn thực sự, và các cuộc thi âm nhạc hoành tráng được đưa ra như một giải pháp thời cuộc. Thứ hai là thị trường Việt đang tiến trên con đường tìm kiếm, khơi dậy và đào tạo ca sĩ trẻ một cách bài bản và chuyên nghiệp như các thị trường khu vực lớn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã làm.

Dù xét ở khía cạnh nào, Vietnam Idol đã gây được làn sóng chú ý từ khán giả và ban tổ chức có thể tự hào với thành công của cuộc thi. Nhưng những điểm đến và cách thức các ca sĩ trẻ tiếp tục sự nghiệp sau Vietnam Idol lại chứng minh một thực tế rằng, nền nhạc Việt chẳng thu được nhiều sau cuộc thi âm nhạc được đánh giá là hoành tráng nhất năm 2007.

2. Tùng Dương, Đỗ Bảo và Những ô màu khối lập phương

Album Những ô màu khối lập phương

Dự án Newage Việt dành cho Những ô màu khối lập phương của Đỗ Bảo và Tùng Dương đã được âm thầm triển khai từ khá lâu nhưng cho đến thời điểm được “bóc tem”, nó vẫn gây được khá nhiều bất ngờ cho người nghe. Tùng Dương đã chọn đúng cách để lột xác và đã thành công.

Một điều đặc biệt nữa trong Những ô màu khối lập phương là mảng phối khí của ca khúc đã được Đỗ Bảo đầu tư với nhiều tâm sức. Bản thân nhạc sĩ cũng tin rằng trong những năm tiếp theo, sẽ khó có một sản phẩm nào vượt qua album này về mặt phối khí. 2007 cũng đánh dấu một năm làm việc khá năng suất của Đỗ Bảo với album Tấn Minh, Tùng Dương, Ngọc Anh. Ca khúc Bức thư tình thứ 4 đã được anh viết xong và khả năng sẽ là hit của Hồ Quỳnh Hương trong album riêng thứ 2 của Đỗ Bảo dự kiến ra mắt vào dịp Tết.

3. Rain"s Coming tại Việt Nam

Tour diễn Rain’s Coming vòng quanh thế giới của Bi đã dừng chân tại Việt Nam trong những ngày đầu tháng 3. Đây là phát súng đầu tiên kéo thị trường Việt Nam vào những “cuộc chơi” mang tầm cỡ châu Á, điều đang hiện diện thường xuyên và bình thường ở các quốc gia láng giềng. Tầm cỡ và khả năng của Bi là điều không phải bàn cãi vì đây là thương hiệu “đẳng cấp” đã được khẳng định.

Rain"s Coming tại Việt Nam

Nhưng bên cạnh đó, sự hụt hơi của một thị trường âm nhạc còn non trẻ như Việt Nam đã minh chứng rằng nhạc Việt vẫn chưa sẵn sàng trước những sự kiện lớn, mang tầm ảnh hưởng từ khu vực. Rõ ràng, các công ty tổ chức của Việt Nam còn phải học hỏi nhiều trước khi nghĩ đến những dự án xa xôi hơn. Dù sao, đây cũng là động thái đáng mừng trong quá trình “cân bằng” giữa thị trường âm nhạc trong nước và khu vực.

4. Ca sĩ Việt thử sức thị trường khu vực

Ảnh bìa album Chat với Mozart phát hành tại Nhật

Các sao Việt bắt đầu để ý hơn tới những kế hoạch hợp tác âm nhạc với thị trường khu vực trong tình trạng đóng băng của thị trường trong nước, cùng một chút tham vọng nhạc Việt sẽ làm nên chuyện tại những quốc gia khu vực. Mỹ Tâm khởi đầu cùng Nurimaru Pictures (Hàn Quốc) và đã phát hành Vút bay tại đây, tiếp đó Mỹ Linh cũng trình làng Made in Vietnam, Chat với Mozart và Để tình yêu hát tại Nhật Bản sau khi trải qua quá trình thử thách và đánh hơi tại thị trường âm nhạc khổng lồ này. Có chút thay đổi khi phiên bản Chat với Mozart lần này có thêm hai tracks Color of the Moon Mỹ Linh hát chung với nữ danh ca Nhật Yumi và Hương ngọc lan. Đây là những tín hiệu đáng mừng trên con đường hội nhập khu vực của nhạc Việt.

5. Nhạc teen lên ngôi

Ca sĩ Bảo Thy

Thị trường nhạc dành cho teen thời điểm nửa cuối năm 2007 trở nên sôi động lạ thường. Nếu như năm trước hiện tượng “cô gái Trung Hoa” Lương Bích Hữu của Nguyễn Pro làm mưa làm gió và gần như độc chiếm thị trường “béo bở” này thì thời điểm gần đây, Bảo Thy mới là gương mặt gây chú ý cho khán giả. Hàng loạt những ca khúc theo mô-tip “nhạc dễ thương, lời nhí nhảnh” ra đời như Ngôi nhà hoa hồng, Công chúa bong bóng, Trà sữa đã đưa tên tuổi Bảo Thy vụt sáng trong năm nay.

Bên cạnh đó, Thu Thủy cũng ra mắt album thứ 2 Candy theo phong cách Pop, R'n'B nhẹ nhàng và bắt tai, phù hợp với lứa tuổi “kẹo ngọt”. Chiến lược “Ngũ long công chúa” của Nguyễn Pro cũng đang gây chú ý vào thời điểm cuối năm cho dù mới chỉ bắt đầu khởi động.

6. Ca sĩ và Blog

Blog của ca sĩ Hoàng Hải

Một kênh truyền thông mới đem đến cơ hội tiếp cận gần hơn với sao của người hâm mộ. Blog là một phương tiện hai chiều, giúp cho khán giả có thể hiểu được phần nào đời sống riêng tư của ca sĩ, chuyện hậu trường, sau những buổi biểu diễn hay những dự án âm nhạc, còn ca sĩ cũng có “đất” để giãi bày, để thể hiện những khía cạnh khác trong con người họ.

Một số ca sĩ “chăm chút” khá thường xuyên cho blog của mình, và cũng được xếp vào dạng hot blogger như Lê Hiếu, Quang Vinh, Hoàng Hải, Phương Linh, Bảo Thy, Ngô Thanh Vân. Gần đây, chuyện ồn ào trong vụ việc ca sĩ Phương Thanh kiện blog Cô gái Đồ Long đang rất “nóng” và tạo nên một tiền lệ chưa từng có. Rõ ràng, những mạng xã hội đang ngày có ảnh hưởng to lớn đến showbiz Việt.

7. Ca sĩ trẻ quay lại nhạc xưa

Album “Cỏ úa” của Quang Hà

Trong tình trạng nhạc Việt đóng băng trước việc tìm kiếm những ca khúc mới, chuyện mua bản quyền ca khúc nước ngoài đôi khi gặp phải những thủ tục khá lằng nhằng và mức giá bản quyền cao, nhiều ca sĩ trẻ đã quyết định tìm đến nhạc xưa như một hướng đi mới.

Hát nhạc xưa cần sự trải nghiệm cảm xúc tốt, phần lớn ca sĩ trẻ thiếu đi yếu tố này, vì thế họ thu hút khán giả bằng cách đưa những thử nghiệm âm nhạc mới, cũng như cá tính của họ vào. Mặt tích cực của “phong trào” này chứng minh một thực tế, nguồn âm nhạc của Việt Nam khá phong phú và dồi dào, bên cạnh đó tầng lớp khán giả trẻ có điều kiện để tiếp xúc với thứ âm nhạc mà từ trước đến nay họ vẫn cho là xa vời và khó nghe.

Theo Thế giới học đường