Huế, phủ và giai nhân…
Tôi đến Huế khi thành phố đã gần sang ngày mới, mưa lất phất trên đại nội, trên dòng Hương giang khiến cho Huế càng thêm trầm mặc.
Dẫu đây không phải lần đầu đến với Huế mà sao vẫn cứ thấy hồi hộp lạ…
Tôi bảo người lái xe cho xuống cầu Trường Tiền, không hiểu sao, tôi cứ dứt khóat phải đi bộ qua đó, qua những nhịp cầu bảy sắc rực rỡ, cảm giác như chân mình đang lướt đi trên những nhịp cầu vồng. Bên kia cầu là Vĩ Dạ, tôi không lý giải được tại sao lần nào tôi nhất định phải ở bên Vĩ Dạ? Phải chăng đó là đất của các vương phủ, của những lầu son, gác tía gần như còn duy nhất sót lại trọn vẹn của Huế?
Hình như ban đầu không hẳn thế, tôi đến với Vĩ Dạ vì một cái gì vướng vít với Hàn thôi thúc bước chân. Hàn ơi! Tôi đã về đây…đã về mà sao vẫn thấy day dứt…
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
(“Đây thôn Vĩ Dạ” – Hàn Mặc Tử).
Để rồi đi khắp Huế mới thấy vẻ đẹp rất Huế ấy trải khắp nơi, nhưng không đâu đẹp bằng ở Vĩ Dạ, hay tại Hàn khiến cho Vĩ Dạ thêm thơ hơn…?
Vĩ Dạ xưa |
Lần đầu tiên đến với Huế mà đã có cảm giác như phải lòng Huế từ vạn kiếp, phải lòng Huế hay phải lòng Vĩ Dạ? Hay phải lòng những lầu son, gác tía còn lưu lại ở Vĩ Dạ? Về một thời vàng son của cung vàng điện ngọc? Hay là cái tiếc nuối xa xôi về cái bóng câu qua cửa? Hay của cái sức ép cơm áo gạo tiền khi phủ Tuy Lý Vương bị bán dần, bán dần nay chỉ còn hình hài trong ký ức, chỉ còn lại là một điện thờ lành lạnh? Hay của là gác tía của một vị quan tam phẩm trong hình hài của một quán cà – phê hoài cổ? Hay là dải tường heo hút của những lầu công chúa heo hút dọc bến Kim Lăng?
Tôi đã hoài công tìm đến với Ngự Viên, muốm tìm về cái tiếc nuối khôn nguôi của kẻ đã “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/ Tôi đi gian díu với kinh thành” mà tìm đến với Ngự viên, để rồi bao hẫng hụt trào dâng: “Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Bảy thập kỷ trôi qua, theo dấu chân xưa tôi tìm lại thì đến cả chút dấu tích xưa cũng không còn cho cõi lòng hoài cổ…Hỡi ôi! Huế của tôi ơi! Huế dịu dàng và buồn bã như giai nhân bặt bóng tình lang…
Vĩnh Hoài