itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Ở nơi tận cùng

Ở nơi tận cùng

Ở nơi tận cùng Tổ quốc

Chưa đến bảy giờ sáng, trời Cà Mau mát rười rượi. Trước lúc máy bay hạ cánh, một vùng sông nước rộng lớn, trắng xóa thu vào tầm mắt... rồi cờ lau sậy hiện ra kín hai bên đường băng khi máy bay tiếp đất...

Món cá Nâu kho rau Giác ở nơi “tận cùng tổ quốc” lần này không còn nguyên vẹn như cảm giác lần đầu tiên tôi được nếm - cũng tại nơi này - chín năm về trước; nhưng món mắm cá lóc chiên thì vẫn còn nguyên mùi vị... đến thèm nắm cơm nguội !

Chuyến rong chơi Cà Mau lần này, tôi không luẩn quẩn ở chốn thị thành như hàng chục chuyến đi trước nữa ! Lòng đã quyết, phải trở lại Đất Mũi và rừng U Minh để tìm lại cảm giác của cái thời mới ra trường, bước chân vào nghề báo !

Hơn nữa, chuyến đi này tôi còn có một người bạn đồng hành đã gần bước qua tuổi 60 nhưng chưa một lần đặt chân đến tọa độ 0000 (nay là 0001) - mỗi năm Đất Mũi dài ra mà ! Anh bạn của tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, định cư bên trời Tây, nhưng lại làm việc ở Quảng Trị. Tôi quen anh trong một chuyến đi về vùng Hướng Hóa, Quảng Trị đầy bom mìn.

Như đã hẹn, bốn giờ sáng ra sân bay tôi đã thấy anh ngồi ngóng. Anh nói nửa đùa nửa thật: “Cả đêm không ngủ được !”. Nhưng “đoàn” đi Cà Mau còn có hai người bạn nữa, một cùng lứa với tôi, một cùng lứa với anh. Bốn người, hai thế hệ, nhưng mặc kệ cho cái khoảng cách về thời gian ấy... Chúng tôi là những người cùng muốn đến Đất Mũi.

Chưa đến bảy giờ sáng, trời Cà Mau mát rười rượi. Trước lúc máy bay hạ cánh, một vùng sông nước rộng lớn, trắng xóa thu vào tầm mắt... rồi cờ lau sậy hiện ra kín hai bên đường băng khi máy bay tiếp đất...

Như đã hẹn với anh bạn ở thành phố Cà Mau, chúng tôi chỉ kịp ghé khách sạn nhận phòng và thưởng thức món bún bò cay (chứ không phải hai món ăn sáng ưa thích ở vùng đất này là bún mắmcháo đầu cá - ăn với rau má lá nhỏ xíu chứ không to như ở Sài Gòn) là lên đường ngay.

Mũi Cà Mau

Hơn tám giờ sáng chúng tôi đã yên vị trên tàu cao tốc để đi Rạch Tàu (Đất Mũi). Hai bên sông trên đường ra Đất Mũi cảnh vật rất khác so với chín năm trước - người và nhà cửa sao nhiều quá; mà lại không phải nhà lá như trước ! Tự nhiên tôi buồn khi ánh nắng phản chiếu mái tôn hắt vào mắt. Ánh nắng vùng sông nước bây giờ khó chịu hơn xưa (vì mái tôn nhiều chăng ?). Tôi còn nhớ, năm 1998, trong một tiệc rượu ở Đầm Dơi, Cà Mau, anh bạn đi cùng nhậu xỉn, nằm trên xuồng giữa giờ Ngọ mà cứ lẩm bẩm “đêm nay trăng sáng quá !”.

Hơn một giờ, tàu cao tốc đến Năm Căn, cái thị trấn rất nhỏ, nhỏ đến độ khi đi vào thơ ca nó cũng không thể lớn hơn. Trong bài Áo mới Cà Mau, nhạc sĩ Thanh Sơn viết: “Chừng nào về Năm Căn nhớ nhau qua lại cũng gần”. Thế mà khách từ Năm Căn đi Đất Mũi không ít, tàu tấp vào Năm Căn đón “no” khách mới đi tiếp ra Mũi.

Cái tấm nhôm có chữ “Mũi Cà Mau” ngày nào giờ không còn nữa. Cái quán ngày xưa làm bằng cây đước, cây mắm và lá dừa nước giờ đã “lớn lên”, thành hai cái nhà hàng bê tông to vật vã tương phản với vùng sông nước !

Tôi đi một vòng Đất Mũi tìm chút cảm giác của chín năm trước và chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Mất chừng 30 phút là “khám phá” xong Đất Mũi. Ghé vào “Nhà hàng thủy tạ” thưởng thức món cá Nâu kho rau Giáckhô cá Thòi lòi. Món cá Nâu hơi tệ vì cá vẫn còn bé xíu ; khô cá Thòi lòi cũng vậy, bây giờ chỉ là loại cá nhỏ chứ không phải như cá hồi chín năm trước nữa!

Ăn xong, anh bạn luống tuổi yêu cầu cô phục vụ ca vài câu cổ nhạc thì được đáp ứng ngay. Không có đờn nhưng cô ca vẫn rất mùi. Chỉ có điều, đã hơn 30 năm rồi, chiến tranh đã lùi xa vậy mà sao như nó vẫn cứ hiện diện trong những giai điệu ngọt ngào kia ? !

Hơn hai giờ chiều. Phải về thôi, xa Mũi thôi. Xa hàng cây đước, cây mắm vẫn ngày ngày vươn ra hướng biển. Xa cái nắng gay gắt của vùng đất cuối cùng của tổ quốc. Xa giọng hò, câu ca của cô phục vụ nhà hàng dễ mến...

Về lại thành phố Cà Mau với món rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh và món rắn nước nướng khan mà anh bạn người địa phương chí tình đặt sẵn ở một quán nhậu vỉa hè. Ngon hết biết... khi có thêm vài xị đế. Xong món cháo mọi người cũng liêu xiêu...

Sáng hôm sau lên đường về U Minh. Kế hoạch đi vào rừng xem gác kèo ong thất bại vì sự nhiệt tình của những người bạn địa phương trong khâu... nhậu. Giờ, rừng đã lùi xa hơn trước nên muốn vào rừng cho ra rừng phải đi xuồng máy hơn tiếng đồng hồ. Mà nếu như thế thì hỏng chương trình tiếp đón khách theo kiểu đặc trưng ở đây.

Ngồi ở cái quán bên dòng sông còn tương đối sạch sẽ, uống bia Sài Gòn đỏ mà thấy khó chịu vô cùng. Nhưng biết làm sao khi nguyện vọng “uống đế” của mình không được anh em hưởng ứng. Nhìn món cá lóc nướng truilươn nấu lẩu chuối bốc khói, rồi nhìn cái thùng bia kế bên mà... buồn. Nhưng mọi người đều nói: “Rượu không bảo đảm, đau đầu”.

Bỗng nhiên tôi nhớ cái thời gần 10 năm trước. Khi đó, về U Minh cán bộ địa phương nói thẳng “không biết nhậu đế, không tiếp”. Khi đó, ăn cá lóc nướng trui và uống rượu đế pha mật ong say ngất ngây mới được việc cho mình! Và cũng vì uống bia nên món lươn và cá lóc nướng không được khách chú ý lắm. Vậy là một món đặc trưng hơn của U Minh được đem ra : mắm cá lóc chiên ! Cảm giác về hương vị U Minh của nhiều năm trước lại hiện về nhưng chập chờn, không được trọn vẹn lắm vì trong men bia chứ không phải men rượu!

Tọa độ GPS0001

Về lại Sài Gòn trong một buổi sáng mưa trắng xóa trên cánh đồng bất tận, miệng lẩm bẩm bài Áo mới Cà Mau: “Người Cà Mau dễ thương vô cùng”.

QUANG CHUNG

(Nguồn : Báo SG Times)