itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Ra mắt cuốn tiểu thuyết : Lụa - Giấc mơ tình yêu

Ra mắt cuốn tiểu thuyết : Lụa - Giấc mơ tình yêu

Diễn viên gốc châu Á Sei Ashina

vai ái thiếp trong phim “Lụa”.

Tháng 10-2007, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng NXB Văn học ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết Lụa của nhà văn Ý Alessandro Baricco. Đầu tháng 12 này, Saigonmedia giới thiệu bộ phim Lụa của đạo diễn Pháp Francois Girard. Lụa có gì lạ để mọi người quan tâm như vậy?

Từ chất thơ của tiểu thuyết...

Nhân vật chính của Lụa là chàng thanh niên Herve Joncour, một con người được nhận xét « coi việc sống cuộc đời của mình là một tham vọng đặt không đúng chỗ ». Mà đúng như vậy, anh gia nhập binh ngũ theo mong muốn của cha, trở thành người buôn tằm vì yêu cầu của vị đối tác lớn của cha anh. Vợ anh, Helene, một người vợ gần như hoàn hảo, yêu chồng, dịu dàng và rất cam chịu một cuộc sống thường xuyên phải chờ đợi chồng. Có thể nói, cuộc đời của Herve Joncour đã được sắp xếp kỹ lưỡng và nó sẽ diễn ra mềm mại, êm dịu như những mảnh lụa nổi tiếng tại thành phố nhỏ Lavilledieu quê anh.

Mọi chuyện tưởng chừng như hoàn hảo nếu như vào một chuyến đi mua trứng tằm tại Nhật, anh không bắt gặp nàng, một thiếu nữ xinh đẹp có đôi mắt phương Tây. Cuộc sống phẳng lặng của Herve bỗng chốc cuộn sóng, một bên là gia đình đầy êm ả, bên kia là tình yêu với ái thiếp của một ông trùm mà nếu lộ ra sẽ là cái chết. « Nếu anh không trở lại, em sẽ chết », câu nhắn nhủ của nàng đã kéo chàng trở lại Nhật lần thứ hai, rồi thứ ba và thậm chí lần thứ tư. Với Herve, nàng là một tình yêu kỳ lạ, xa cách, bí hiểm và hầu như vô vọng.

Thế nhưng, Lụa không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình. Lụa là một bài thơ được viết bằng văn xuôi, một bài thơ của sự say đắm, của một tình yêu vô vọng và trên tất cả, Lụa là bài thơ của hạnh phúc, một hạnh phúc mà phải đến khi trải qua một cơn sóng gió người ta mới hiểu ra được mình sở hữu điều quý giá đến dường nào. Cái kết thúc bất ngờ của Lụa làm cả bài thơ mê đắm, cuồng nhiệt phía trên như tan đi, chỉ còn lại sự bàng hoàng pha chút hối tiếc với một người vẫn giữ được bên mình điều đáng quý nhất của cuộc đời mà chỉ một chút nữa đã mất đi.

... Đến những thước phim nóng bỏng

Có một lời khuyên: Nên xem phim trước hãy đọc truyện. Truyện là một bài thơ ngọt ngào thoáng chút sự nuối tiếc. Phim dù đã rất cố gắng nhưng quả khó lòng chuyển tải được chất thơ của truyện lên những khuôn hình. Chính vì thế, đạo diễn Pháp Francois Girard, người đã làm phim Cây vĩ cầm đỏ đành phải tập trung vào những khung hình phong cảnh tuyệt đẹp từ châu Âu đến Nhật Bản. Hơn thế nữa, phim cũng nhấn mạnh hơn đến tính nhục dục với những cảnh hở 50% đầy hấp dẫn nhưng không thô tục tuy cũng không thể dành cho khán giả nhỏ tuổi. Phim cũng gần như bám sát nội dung của truyện trừ một vài thay đổi.

Thay đổi lớn nhất là nhân vật Helene, phim đã dành cho người vợ này có nhiều đất diễn hơn từ tâm lý đến nghề nghiệp, thậm chí đạo diễn còn tạo ra hẳn một vườn hoa ly ly trắng, thứ hoa Helene thích nhất. Vườn hoa này chứa đựng ý tưởng chính về hạnh phúc của đôi vợ chồng, cảnh kết tuyệt đẹp, đầy ý nghĩa cũng diễn ra trong khu vườn này. Tuy nhiên, việc cho Helene nổi hẳn lên cũng không hẳn là một ý kiến hay vì chính sự mờ nhạt của người vợ trong tiểu thuyết mới tạo nên cú sốc cuối phim. Sự mạnh mẽ, nổi bật của người vợ trong phim khiến cái kết bùng nổ đã không diễn ra trong phim như đã diễn ra trong tiểu thuyết...

Một cuốn truyện đầy cảm động, một bộ phim hay. Lụa dù ở thể loại nào cũng tạo cho người đọc, khán giả những giây phút suy ngẫm về giá trị hạnh phúc thật sự ở mỗi con người.

Theo Tường Vy (SGGP)