itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Sự ám ảnh mơ hồ, khắc khoải

Giữa hai chiều thời gian: Sự ám ảnh mơ hồ, khắc khoải

Ra mắt tập thơ khi đang là sinh viên Khoa sáng tác, lý luận và phê bình của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đoàn Văn Mật gây nhiều bất ngờ với độc giả bởi sự chín chắn, từng trải của mình thể hiện qua từng câu chữ, qua những trăn trở, suy tư. Không trẻ trung, không náo nhiệt như cái tuổi mình đang sống, Đoàn Văn Mật mang đến cho người đọc một hình dung về con người trầm lặng, cô độc, thường gặm nhấm và chất vấn nỗi buồn của mình, của kiếp người.

Dù từng bài thơ không nhắc đến một nỗi buồn cụ thể nào, nhưng nỗi buồn trải dài trong suốt tập thơ “Giữa hai chiều thời gian”, theo và ám ảnh người đọc về hình ảnh một con người không rõ mặt, không rõ dáng hình, chỉ có những cảm nhận tựa như mơ hồ mà thấm thía đến lặng người. Đoàn Văn Mật ngẫm mình ở mọi trạng thái, kể cả trạng thái đối lập nhau:

Ta đang sống

là mơ

Ta đang mơ

là thực

Ta đang cười

huyễn hoặc

Cạnh chiếc bình không hoa

Ta thấy ta đang ngủ

Ta thấy ta đang bay

Thấy ta vừa ngồi đây

Đã thấy ta biến mất

(Cạnh chiếc bình không hoa)

Những câu chữ vẻ như dửng dưng, nhưng hàm chứa bao suy tư, bao nỗi niềm gợi mở trong lòng người đọc. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng qua những phút giây như thế, nhưng không phải ai cũng có sự lắng nhìn lại để ngẫm nghĩ, để thấm thía hơn về cuộc đời, để rồi có lúc bật lên lời tự thú với chính bản thân, rằng:

Nhiều khi chưa bước đi đôi chân đã mỏi

Trở về nhà lòng như buổi tối

Như ta thiếu một cuộc đời

(Nhiều khi)

Ám ảnh cả cái “nghiệp chữ” mà mình đeo mang, người viết trăn trở với cái tôi trong mình qua những nghĩ suy của một người bạn cũng theo nghiệp viết:

Sống cùng tôi có anh bạn nhà văn

Với những nghĩ suy thường làm anh mất ngủ

Người ngẫm chữ lại “về nơi không chữ”

Mỗi ngày đi tôi thấy một cuộc đời

(Qua ô cửa tôi nhìn)

Hay:

Người phu chữ

Một đời không ngưng nghỉ

Bụi bám đầy mình

Bụi thành tri kỷ

Câu thơ đi

Chưa biết về đâu

(Thời gian)

Nhưng nỗi buồn của tác giả không chỉ dừng lại ở chủ thể cái tôi, mà lan tỏa ra cả thế giới xung quanh:

Không gian tím màu chờ đợi

Buồn… u… u

Cánh đồng nức nở khói

Tháng mười sót bông hoa cuối vụ

Tháng mười trơ

Khô khốc cái nhìn

(Tháng Mười)

Nỗi buồn ấy lan cả sang những vật tưởng như vô tri, vô giác, nên nỗi, tác giả liên tưởng đời trăng, đời thuyền cũng giống như kiếp người, chỉ là hư ảo:

“Hư ảo một đời thuyền

Hư ảo một đời trăng

Cô quạnh”

(Bến xuân)

Bởi thế, trong tình yêu, nơi mà đáng ra người ta phải tìm thấy ở đó sự sẻ chia, đồng điệu của một tâm hồn khác, thì với tác giả của “Giữa hai chiều thời gian”, chỉ có nỗi buồn và những hoài niệm, mà chúng cũng nhuốm màu hư ảo:

Và mơ hồ anh nghe thấy tiếng em

Lời tình tự từ buổi chiều nào đó

Và mơ hồ anh thấy bóng hình em

Dưới trăng sáng bước vàng chân cỏ

(Vắng)

Hay:

Ta rót thì xuân lên môi cạn

Thương đầy nhớ đấy tháng năm vơi

Người còn như mộng, ra còn mộng

Thơ hóa trầm thơ duyên bén đôi

(Năm khúc xuân)

Mơ hồ nên có lúc tác giả như người mất phương hướng, mất ý thức về sự tồn tại của bản thân:

“Cứ đi mãi đi mãi đi mãi

Anh không biết bây giờ mình đang ở đâu

Cái ngõ này mình đứng chờ nhau

Viên gạch vẫn còn nguyên những vết chân vôi vữa”

(Vắng)

Vì thế nên có lúc anh lại ngạc nhiên với chính mình:

“Im

Lặng

Em trôi về anh

Còn anh trôi về ý nghĩ

Ơ kìa! Cái bóng của mình

Nói cười gì mà ầm ĩ”

(Im lặng)

Phải chăng, tất cả những nỗi niềm, những suy tư ấy đã khiến anh phải “thức với nhiều im lặng” để nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ, nhìn lại một thế giới trong tưởng tượng:

Tôi đã thức với nhiều im lặng

Của buổi tối thật dài

Đi về trên con đường huyễn hoặc

Của lòng tin bị đánh cắp

Bởi một người mang nhiều khuôn mặt

Tôi đã thức với nhiều im lặng

Khi mỗi ngày thấy đầy lên trong mắt

Có những người không mang khuôn mặt

Vẫn sống bình yên

Khi tôi đi tìm cái mình đánh mất

Mà không thể gặp

Cái đã qua của ngày hôm qua

Tôi đã thức với nhiều im lặng

Khi thấy tôi trôi về đời sống khác

Ở đó sự tồn tại và biến mất

Chỉ cách nhau một hơi thở

Chỉ cách nhau một nỗi nhớ

Ở đó loài người bỗng mọc lên từ ý nghĩ của vạn vật

Và phụ thuộc

Vào sự không hình dung

Về thể xác, linh hồn

(Tôi đã thức với nhiều im lặng)

Điệp khúc “Tôi đã thức với nhiều im lặng” được nhắc đi nhắc lại trong bài như một sự tự nhắc nhở của tác giả. Phải chăng, đó là điệp khúc thể hiện sự bất lực của Đoàn Văn Mật? Bất lực trước cuộc đời và bất lực với ngay chính bản thân mình. Cái điệp khúc “Tôi đã thức với nhiều im lặng” gợi lên rất nhiều tâm trạng của người viết. Hẳn là anh đang nghĩ ngợi, đang nghiền ngẫm ghê lắm. Hay là anh đang phải đối mặt với một cái gì đó hư ảo, không xác định? Để rồi, khi không tìm được lời giải cho chính mình, anh bỗng nhận ra:

Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ

Những khuôn mặt nhàu ứ, tắc đọng trên đường giờ cao điểm

Không nhớ nổi đã ra đi từ lúc nào

Chưa biết được đâu là đích đến

Cả đời cứ là cuộc hành trình nuốt không trôi mà ừng ực khát thèm

Giống như họ, những nhà thương thuyết không đi đến sự thỏa hiệp

Giống như tôi tự vỡ trong giọng nói của mình mà bế tắc khi tìm giọng điệu…

(Thấy tôi ngày càng giống họ)

Không hề bộc lộ cảm xúc vui buồn trong việc phát hiện ra sự “giống họ” của mình, Đoàn Văn Mật dường như buông trôi cảm xúc của mình, của độc giả theo dòng suy tưởng riêng của mỗi người.

Bìa tác phẩm: "Giữa hai chiều thời gian"

Có thể nói, “Giữa hai chiều thời gian” đã mang đến cho người đọc những hình ảnh, sự suy tưởng đa chiều cả về thế giới có thực và thế giới trong tưởng tượng. Đọc để rồi cùng mang một nỗi ám ảnh, một sự mơ hồ, không rõ ràng về chính bản thân cũng như thế giới xung quanh. Không quá cầu kỳ, trau chuốt câu chữ, không bó buộc trong một thể loại nào nhưng tác giả vẫn khiến người đọc hòa mình, cùng chia sẻ những buồn vui, trăn trở về con người, về cuộc đời với người viết. Cho dù: “Sống ở cõi đời - Khát ở cõi người - Giữa có và không - Ta nhỏ bé vô chừng” (Thời gian).

Bùi Nhung