itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Nhu cầu việc làm / Nguồn lực cho du lịch Việt Nam

Nguồn lực cho du lịch Việt Nam

Lễ hội hoa, nơi thu hút khách du lịch

Hưởng ứng chuyên đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch trên chuyên trang Việc Làm mới đây, ông Paul Stoll (ảnh), chuyên gia hàng đầu về du lịch, cha đẻ Dự án Con đường Di sản thế giới tại Việt Nam đã có bài viết sâu về nguồn lực cho du lịch VN. Việc Làm trích đăng bài viết của ông.

Một du khách cần 3 nhân viên

Các chuyên gia du lịch đã thống kê cứ một du khách sẽ cần sự phục vụ của ít nhất ba nhân viên trong suốt thời gian nghỉ của họ. Con số đủ cho thấy ngành du lịch và dịch vụ là ngành có sức hút kinh khủng về nhân lực. Chỉ riêng năm 2006, cứ 12 công việc mới được tạo ra thì có 1 công việc trong ngành du lịch và dịch vụ, chiếm tỷ trọng 8,3% của thị trường tuyển dụng toàn cầu.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngành công nghiệp không khói đã tạo ra 7 triệu công việc trong năm 2006, chiếm 2,8% tổng số công việc tuyển dụng trong năm. Ở Việt Nam, con số này là 2,6 triệu công việc có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến du lịch, chiếm 8,78% hay cứ 14,6 công việc mới thì có 1 công việc liên quan đến ngành này.

Đến năm 2015, con số này dự kiến sẽ là 3,3 triệu công việc, chiếm 7,5% hay cứ 13,4 công việc mới sẽ có 1 công vịêc liên quan đến du lịch - dịch vụ. Những con số trên cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp có nhu cầu lớn về lao động này, và đi kèm theo nó là vấn đề đào tạo cho nguồn nhân lực phục vụ cho ngành. Con số này sẽ có sức thuyết phục hơn rất nhiều nếu chúng ta tính cả số nhân lực gián tiếp gần gấp đôi con số trực tiếp.

Đối với du lịch, chỉ người lao động làm tốt công việc của mình là không đủ để đáp ứng được nhu cầu của những người đi du lịch. Vì vậy, việc đào tạo sao những nhân lực này cần dựa trên các quy chuẩn về chất lượng cho các cơ sở và dịch vụ du lịch. Khi đã là dịch vụ mang tính chuyên nghiệp thì cần được tuân thủ theo những quy chuẩn nghề nghiệp được xây dựng theo tiêu chuẩn đáp ứng sự mong đợi của những du khách. Có làm được như vậy thì mới đảm bảo được việc thu hút khách.

8 kỹ năng cần có
Thách thức ở đây là làm sao để tuyển dụng được những nhân sự có khả năng đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng đó. Các tiêu chí như thái độ, sự cam kết, phong thái, khả năng ngoại ngữ và sự trung thực... phụ thuộc vào năng lực của từng ứng viên. Tuy nhiên vì đây là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, nên những ứng viên muốn làm việc trong ngành này cần nắm bắt được 08 kỹ năng hay thói quen sau:

1. Mỗi khi bạn thấy một khách hàng, hãy đón họ với một nụ cười thật ấm áp và nhìn thẳng vào mắt họ

2. Chủ động lấy số liên hệ của khách.

3. Khi giao tiếp với khách, hãy sử dụng ngôn ngữ cử chỉ với một giọng nói thân mật, thái độ tích cực và thân thiện nhất. Hãy dùng những ngôn từ lịch sự của những người làm dịch vụ. Và nhớ gọi tên gọi của khách bất kỳ khi nào có thể.

4. Đối xử với khách với sự tôn trọng và lịch sự, và luôn chu đáo với các nhu cầu cần thiết của khách.

5. Hãy nhớ là bạn không chỉ làm việc theo bổn phận. Hãy là một người có trách nhiệm khi giải đáp các câu hỏi của khách hàng, và cố gắng giải quyết các vấn đề nhanh và chính xác. Nếu bạn không thể giải đáp hay đưa ra giải pháp cho vấn đề, hãy chủ động tìm ai có thể giúp được khách hàng.

6. Đoán trước các nhu cầu của khách hàng, và hãy chủ động giải quyết trước khi khách phải yêu cầu.

7. Có kiến thức sâu rộng về các sản phẩm và dịch vụ. Hãy chủ động giới thiệu hay quảng bá các sản phẩm, dịch vụ này đến du khách.

8. Tiếp nhận các ý kiến góp ý của khách hàng. Điều này rất quan trọng. Hãy cám ơn họ, và chân tình mời họ quay lại. Thiện cảm là yếu tố tích cực đối với bất kỳ ai làm việc trong ngành này.

Thành công của ngành du lịch và dịch vụ được dựa trên từng con người, với điều kiện họ phải nhận thức được tác động của cách họ làm việc. Tổng cục Du lịch Việt Nam phải chuẩn bị cho mình một chương trình hay một kế hoạch của ngành tập chung vào chất lượng; và phải xây dựng được một chương trình giảng dạy phục vụ cho ngành bao gồm tất cả các công việc liên quan đến du lịch - dịch vụ, từ hàng không, đại lý du lịch, khách sạn, hệ thống bán lẻ và cả ngành công nghiệp giải trí.

Paul Stoll