Báo nước ngoài viết về văn hóa uống rượu của người Việt
“Một hai ba dô.., sau tiếng hô lớn, tôi và những người bạn ngả nghiêng hút từng ngụm rượu gạo ngọt qua những chiếc ống tre tại thành phố Phan Thiết", phóng viên CNNGo viết về một buổi tiệc rượu cần của người Việt.
Bài viết miêu tả, khi uống rượu, người ta ngồi thành vòng tròn, tự tay xé những miếng khô mực chấm nước sốt me và tương; tháo mấy cuộn nem chua thịt lợn trong lá chuối tươi và xì xụp húp trứng vịt lộn. Tất cả món ăn dùng khi uống rượu như thế này được gọi bằng cái tên đơn giản là “mồi” hay "đồ nhắm".
"Khi tôi đi nhậu với những người đàn ông (phụ nữ ở Việt Nam không được phép uống rượu), điều quan trọng là chúng tôi phải uống đều nhau. Không giống như người miền Bắc, ở miền Nam mọi người cùng uống rượu trong một chiếc chum. Mặc dù độ rượu chỉ khoảng 40% nhưng tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ về căn bệnh viêm gan và những bệnh lây nhiễm vốn có tỷ lệ mắc khá cao ở tỉnh Bình Thuận này", Adam Bray, phóng viên của CNNGo, tác giả từng xuất bản 15 sách hướng dẫn du lịch đến Việt Nam và các nước Đông Dương viết.
Ở Việt Nam có 3 loại rượu gạo phổ biến: loại được chưng cất thông thường gọi là rựơu gạo (hay rượu đế); loại được ủ trong bình gốm gọi là rượu cần (rượu tiệc); loại thứ ba được ngâm cùng với động vật hoặc cây, lá được gọi là rượu thuốc.
Cụ thể, rượu gạo (theo cách gọi miền Bắc, còn miền Nam gọi là rượu đế) được chưng cất bằng phương pháp truyền thống, người ta sử dụng gạo tẻ hoặc gạo nếp để nấu. Đầu tiên gạo trắng được nấu chín rồi nghiền nát ngâm, sau đó cho nước và men vào để làm lên men hỗn hợp. Cuối cùng loại nước chưng cất được sau quá trình lên men, người ta lấy để làm rượu.
Tuy nhiên việc uống loại rượu gạo này ở Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, bởi một số độc chất sinh ra trong quá trình chưng cất hoặc cồn (được thêm vào để tăng tính thẩm mỹ) có thể gây mù lòa, thậm chí tử vong.
Nói về rượu cần, phóng viên Adam Bray viết tiếp: "Rượu cần (rượu tiệc) là món yêu thích của tôi. Đây là loại rượu đặc trưng của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, thường được dùng trong các dịp đặc biệt như đám cưới hoặc tiệc mừng năm mới. Khác với rượu gạo, rượu cần không qua chưng cất nhưng thay vào đó là dùng gạo nếp đen, thảo mộc, vỏ cây và các hương liệu thiên nhiên được ủ cho lên men trong các bình gốm lớn với thời gian ít nhất 2 tuần".
Đến khi buổi tiệc bắt đầu, người ta mới rót chất lỏng vào hỗn hợp ẩm trên (thường là nước dừa, nước ngọt hay bia và nhâm nhi trong vòng một giờ hoặc hơn. Khi cần uống thêm, có thể châm thêm chất lỏng vào bình. Người ta uống rượu cần bằng những chiếc ống hút làm bằng tre rừng, loại rượu có nhiều mùi vị của cà phê, mật ong, chocolate, hồi, đinh hương, quế. Ngoài ra đó, mùi vị của loại rượu này còn phụ thuộc vào những nguyên liệu đặc trưng được thêm vào của mỗi dân tộc.
Rượu thuốc thì được làm từ gạo nguyên chất được ngâm với hoa quả hoặc thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe như kỷ tử, linh chi, tử hà xa; hoặc các loại động vật hoang dã như rắn, tắc kè, cá ngựa; thậm chí cả những loại động vật quý hiếm như gấu, hươu, hổ cũng bị người ta săn bắn để lấy sừng, móng, bào thai để ngâm rượu.
Bên cạnh đó, vấn đề mê tín cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngâm rượu như hướng hoặc ngày hạ thổ một bình rượu. "Theo truyền thống, rượu có giá trị là loại được chôn cất ở hướng Đông Bắc của một ngã ba đường trong 100 ngày để có được sự cân bằng tự nhiên", bài báo trích lời của ông Hà Lê Hùng, một người khá rành về rượu ở Mũi Né.
Cũng theo ông Hùng, có hơn 100 loại rượu thuốc ở Việt Nam và mỗi loại có một công dụng khác nhau như: chữa bệnh đau lưng ở người già, bồi bổ cho phụ nữ sau khi sinh nở, giúp lưu thông khí huyết... "Trong đó tăng cường sinh lý là tác dụng thường được nhiều người nhắc đến nhất khi nói đến rượu", ông nói trên CNNGo.
Kenny Nguyễn