itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Lùm Nưa và Lễ hội Nàng Han

Lùm Nưa và Lễ hội Nàng Han

Đã trở thành nét đẹp trong đời sống tình cảm và tiềm thức của bà con bản Lùm Nưa và đồng bào Thái Mường Trịnh Vạn, tưởng nhớ công đức của Nàng Han – người nữ anh hùng huyền thoại đã có công đánh giặc, bảo vệ bình yên cuộc sống cho bản làng.

Bà con dân tộc Thái tổ chức lễ hội vừa để tri ân, vừa mong cầu nàng phù hộ cho bản làng no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Lùm Nưa là một bản đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Vạn Xuân, cách huyện lỵ Thường Xuân 20 km về phía Tây – Nam. Bản Lùm Nưa (nghĩa là gió mát ở vùng trên) có 140 hộ với 679 nhân khẩu, phần lớn mang họ Cầm – một dòng họ đời nối đời là thủ lĩnh của đất Mường Trịnh Vạn.

Người Lùm Nưa vốn có tính tự cường từ ngàn xưa, lúc mà chế độ phong kiến lang đạo, các Mường lớn ức hiếp, thôn tính lẫn nhau thì Mường Trịnh Vạn vẫn vững vàng nơi đất khó. Mường nghèo, vẫn duy trì nghề trồng cấy lúa nước làm lương thực, nghề canh cửi và vá may, nghề đánh bắt cá ở hai dòng sông chảy qua bản. Đêm đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm rộn rã nhịp chày khua luống, âm vang tiếng cồng chiêng và ngọt ngào lời khặp. Với cảnh sơn thủy hữu tình mang đậm vốn văn hóa truyền thống này đã tạo cho Lùm Nưa – một bản Thái cổ với vốn văn hóa phi vật thể phong phú mà con người nơi đây đã sản sinh và bảo tồn nó. Đó là những mối dây liên kết về nếp sinh hoạt mang tính chất cộng đồng truyền thống của người Thái xưa vẫn còn bền chặt cho đến ngày nay.

Lùm Nưa nay có 20% hộ giàu, 47% hộ khá, không còn hộ đói. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần cũng dần được đáp ứng. Lùm Nưa có các đoàn thể như chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên, ban mặt trận Tổ quốc, chi hội cựu chiến binh và chi bộ 28 đảng viên. Lùm Nưa đã khai trương xây dựng làng văn hóa và đã được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Nếu ở vùng đồng bằng trù phú của xứ Thanh nổi tiếng với hò sông Mã, dân ca Đông Anh, trò diễn Xuân Phả thì đất Châu Thường nói chung, bản Lùm Nưa, Mường Trịnh Vạn nói riêng, cũng có những hình thức diễn xướng đặc sắc với nhiều trò chơi, trò diễn phong phú với cách phô diễn khá độc đáo. Có nhiều trò diễn đặc sắc mang đậm dấu ấn từ xa xưa, đó là trò diễn múa gươm, múa trống chiêng, các trò diễn mang tính nghi lễ như: cá sa sằng khàn, khua luống... Đó chính là vốn văn hóa truyền thống phong phú và đáng trân trọng mà Lùm Nưa vẫn còn lưu giữ và phát huy trong cuộc sống từ xa xưa tới nay.

Cùng với di sản văn hóa phi vật thể, Lùm Nưa còn có các di sản văn hóa vật thể khá phong phú, đó là các di tích như đền thờ ông tổ họ Cầm Bá, di tích đồi Pú Tính, lễ tế trời bằng trâu trắng trên đỉnh Pú Pen và đặc biệt là Lễ hội Nàng Han hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, lễ tục khá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Cạnh cánh đồng Đỏn Mầu là núi Hang, trên núi có Hang Mường, hang dài độ 1 km và có cửa vào, ra nằm sâu trong dãy núi uốn vòng, tựa như một vòng tay khổng lồ ôm lấy bản làng, đồng ruộng của bản Lùm Nưa và xã Vạn Xuân. Dưới chân núi, trước Hang Mường là sông Nhồng (sông máu) và Hò ong Nhàng, theo truyền thuyết thì máu giặc bị quân của nàng Han giết chết chảy thành sông và không xa sông Nhồng là cánh đồng Đỏn Mầu. Ngày nay, Hò ong Nhàng đã bị bồi lấp nên chỉ còn lại dòng chảy nhỏ. Sông Nhồng mềm mại, uốn lượn trước Hang Mường cũng bị bồi lấp đi nhiều. Tuy nhiên, trên dòng sông vẫn là nơi ngày đêm các cọn nước của đồng bài Thái cần mẫn đưa nguồn nước mát, tưới cho đồng Đỏn Mầu của Lùm Nưa và toàn xã Vạn Xuân.

Trong Hang Mường, có nhiều nhũ đá mang dáng dấp những chiếc gùi, chiếc bế, chĩnh rượu cần, hình voi, ngựa. Ngay sau lối vào cửa Hang Mường là một vòm hang rộng rãi, tương đối bằng phẳng (ước chừng khoảng 300m2). Trên vách Hang Mường, có nhũ đá màu hồng hình người thiếu nữ ngả lưng trên phiến đá và hình con ngựa chiến. Tương truyền nơi đây, Nàng Han đã nghỉ ngơi sau những giờ ra trận trở về. Và cũng chính nơi đây, từ xa xưa, bà con dân tộc Thái Lùm Nưa Mường Trịnh Vạn thành kính đặt hương án và bày lễ vật để thờ Nàng Han.

Đã trở thành nét đẹp trong đời sống tình cảm và tiềm thức của bà con bản Lùm Nưa và đồng bào Thái Mường Trịnh Vạn, tưởng nhớ công đức của Nàng Han – người nữ anh hùng huyền thoại đã có công đánh giặc, bảo vệ bình yên cuộc sống cho bản làng. Bà con dân tộc Thái tổ chức lễ hội vừa để tri ân, vừa mong cầu nàng phù hộ cho bản làng no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội đã bị thất truyền từ năm 1957. Năm 2007, nghĩa là 50 năm sau Sở Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa đã khảo sát, nghiên cứu và phục dựng trên cơ sở dựa vào các nghệ nhân và văn hóa làng bản. Chính điều này khẳng định cách làm lễ hội nói riêng, văn hóa dân gian nói chung, phải được quần chúng sáng tạo, trao truyền và sau khi khôi phục sẽ trở về với làng bản – cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng nó, trả về với môi trường diễn xướng của nó. Đó là hướng đi đúng mà việc phục dựng Lễ hội Nàng Han là một minh chứng.

Hà Ánh Nhung / Báo Thanh Hóa