itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Những mảnh đời và những ước mơ

Những mảnh đời và những ước mơ

Mỗi lá thư - một mảnh đời

“Mỗi một ngày đến, mỗi trang báo mở ra là mỗi mảnh đời, nhưng vẫn luôn có cảm giác như mình không theo kịp để vá nỗi đau của các em”.

Đó là tâm sự của ông Huỳnh Sơn Phước, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trong buổi lễ trao học bổng “Vươn lên” cho 250 học sinh Tây Nguyên vào trung tuần tháng 7. Chúng tôi cũng đã gặp đúng những cảm xúc và trăn trở ấy trong quá trình xét duyệt hồ sơ trao học bổng QUỸ ITA VÌ TƯƠNG LAI cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi.

Từ những mảnh đời với những mảnh ghép không toàn vẹn…

Mới 8 tuổi nhưng Bùi Tiến Sĩ (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đồng Phú, Thái Bình) đã phải vượt qua nỗi đau của sự vắng bố và chứng rối loạn tuần hoàn não của mẹ để hàng ngày vẫn cắp sách đến trường, học thật tốt và luôn phấn đấu trở thành đứa cháu thật ngoan của ông ngoại. “Bố cháu đã mất. Cháu ở với mẹ và ông ngoại. Ông cháu đã ngoài 70 tuổi, sức yếu. Mẹ cháu ốm luôn. Gia đình cháu không có thu nhập gì thêm ngoài việc cấy 3 sào ruộng...”.

Sinh ra trong một gia đình là nạn nhân của chất độc da cam (CĐDC), bố cùng một chị gái và hai anh trai của em đều bị nhiễm CĐDC. Hai người đã mất vì chất độc này, còn lại bố và anh cũng không còn khả năng lao động. Mẹ em sức khỏe yếu vẫn phải hàng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những thửa ruộng cằn cỗi để nuôi em đi học. Vượt qua mọi khó khăn, cái tên có bốn chữ thân thương Trần Thị Thúy Hà (học sinh lớp 9 Trường THCS Thị trấn Diêm Điền, Thái Bình) đã 9 năm liền được vang lên trong những buổi tổng kết trao phần thưởng cho học sinh giỏi và em cũng đã xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh.

10 năm rồi Nguyễn Thị Kim Anh (học sinh lớp 10 Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) vẫn đều đặn lên bục nhận phần thưởng học sinh giỏi mà không có sự hiện diện và chúc mừng của ba mẹ. Em sống trong tình yêu thương của bà nội và cô. “Bà nội em tuổi đã già, cô Ba làm ruộng bị thất mùa còn em trai em đang ở tuổi đi học cho nên gia đình em không có nguồn thu nhập nào cả. Em rất hy vọng được xét trao học Quỹ ITA Vì tương lai để em có tiền đóng học phí năm lớp 11, để em được tiếp tục đi học, để có một công việc ổn định nuôi em của em tiếp tục đi học. Em không muốn nghỉ học vì nếu em nghỉ học thì sau này tương lai của em và gia đình em sẽ thế nào đây…”.

Nao lòng cùng lời tâm sự rất thật của một em học sinh vừa tròn 10 tuổi, Đặng Thị Phương (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học An Ấp, Quỳnh Phụ, Thái Bình): “Cháu là trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Bà cháu 75 tuổi bị bệnh não. Mẹ cháu 44 tuổi bị bệnh thần kinh. Cháu đã một lần định bỏ học nhưng cháu được nhà trường, bên dân số trẻ em xã huyện đã động viên, giúp đỡ cháu vượt qua lúc khó khăn, cháu được cắp sách đến trường. Cháu chỉ buồn nhìn các bạn được bố, anh, chị lai đi học mà cháu lại đi bộ một mình vì hoàn cảnh khó khăn”.

Và trăn trở cùng nỗi đau quá lớn so với cái tuổi 13 non nớt của em: “Từ nhỏ em đã thiếu tình thương của cha. Nhờ sự chăm sóc từng ngày, từng tháng của mẹ, em được tới trường. Nhưng đến năm em học lớp 7, một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất mẹ em. Thế là em trở thành một đứa trẻ không cha, không mẹ, không tình thương, sống giữa sự quan tâm của mọi người và sự cưu mang của nhà trường. Nhưng nỗi đau ấy đã hằn sâu trong tâm hồn em. Hình ảnh mẹ lúc bệnh cứ in mãi trong đầu em, không thể nào phai nhạt. Nó khiến em suy nghĩ và bận tâm mãi trước cơn đau đã hành hạ mẹ em. Nhưng em không làm được gì, chỉ biết ngồi bên cạnh mẹ và khóc…” (Lê Thị Lan, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Chánh, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những mảnh đời với những mảnh ghép không toàn vẹn. Nhưng vượt trên tất cả những nỗi đau, mất mát, những vất vả trong cuộc sống đời thường, các em vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống với ngọn lửa vượt khó vươn lên không bao giờ tắt.

Đến những ước mơ thánh thiện và cao đẹp…

Có những ước mơ quá đỗi bình dị đối với nhiều người nhưng sao với các em, ước mơ ấy dường như vượt quá tầm tay… “Cháu mơ ước có được một mái ấm gia đình sung túc, yên vui, có cha, có mẹ, có anh chị em để cháu được sống trong hạnh phúc gia đình” (Nguyễn Thị Thuy, học sinh lớp 8 Trường THCS Quỳnh Khê, Thái Bình).

Thuở nhỏ tôi ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa khỏi đôi chân của cha do vết thương của chiến tranh để lại. Tôi thường nằm mơ cùng cha đi dạo trên biển nhưng khoảnh khắc đó vẫn mãi chỉ gặp trong giấc mơ…”(Quách Thị Hương Giang, sinh viên Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp, Hà Nội).

Người ta vẫn thường nói “Không ai đánh thuế giấc mơ” nên có lẽ vì thế Nguyễn Thị Kim Chi (học sinh lớp 10 Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) đã ước thật nhiều để tô thêm sắc xanh hy vọng cho cuộc sống của em vốn đã quá nhiều gam màu xám: “Đầu tiên, em ước mình học thật giỏi, tốt nghiệp ra trường và làm trong một công ty danh tiếng để thu nhập gia đình ổn định hơn. Thứ hai, em ước mình trúng tờ vé số đặc biệt để cho ông bà nội em trả tiền nợ nhà nước và để ông ngoại em có tiền ra tòa để kiện vụ chuyện oan. Thứ ba, em mong ba mẹ em có tiền để cho hai chị em của em Tết nào cũng được về nội và đứa em út vì em đã lên đây 6 năm nay nhưng không có Tết năm nào em được về Cần Thơ thăm quê. Thứ tư, em mong trên trái đất này có sự công bằng và rộng lượng hơn nữa. Cuối cùng, cũng là ước mơ quan trọng nhất của em là em mong cho ông nội em hết bệnh để em còn có thể thực hiện những ước mơ đó để về khoe ông. Cho dù đó chủ là ước mơ nhưng em vẫn hy vọng”.

Có những ước mơ màu hồng thật đẹp và thật đáng trân trọng biết bao. “Ước mơ của cháu là được làm cô giáo để dạy những học sinh đáng yêu và những học sinh vùng sâu vùng xa, để được bước trên bục giảng những những cánh tay giơ lên hăng hái của các em học sinh, để được cầm tay các em viết chữ thật đẹp, để giúp các em thực hiện ước mơ của mình …” (Kiều Nữ Linh Hoạt, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Thành Tín, Ninh Thuận).

Em có một ước mơ cháy bỏng là trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Quê em thuộc miền đất rộng nhưng người thưa, trình độ dân trí còn thấp. Đại đa số các gia đình ở quê em đều nghèo. Cả làng đều làm việc chăm chỉ song con cua, cái hến, hạt thóc, quả vải vẫn lay lắt như số phận những người dân ở đây. Cả năm trồng một vụ vải mà chỉ có 800 đồng đến 1.500 đồng/kg. Cái gian truân nghèo đói cứ bám lấy gia đình em. Em muốn trở thành một kỹ sư giỏi, em sẽ về chính mảnh đất quê em, làm cho nó thay da đổi thịt” (Phan Thị Thơ, học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Hương, Bắc Giang).

Mỉm cười và “mơ” cùng những ước mơ màu hồng thật thánh thiện của các em, chúng tôi đã lặng người khi đọc những dòng tâm sự rất “đời” của một em học sinh lớp 7 (Lê Thị Lan, Quảng Ngãi): “Tôi không muốn mình là người bị thương để không phải hàn nhưng trên đời mấy ai được như ý. Không ai là không bị thương. Cho dù khi bị đứt tay, dù nhẹ hay nặng đều bị chảy máu. Nếu vết thương ấy không băng lại thì sẽ chảy máu cho đến chết mà thôi. Nhưng nếu được băng bó, chữa trị thì sau này sẽ lành lặn. Cảm ơn Quỹ ITA Vì tương lai. Xin hãy giúp tôi hàn gắn vết thương nhé!”.

Các em yên tâm. Chúng tôi cũng có một ước mơ chung, một mong ước cháy bỏng là được xoa dịu vết thương và nỗi đau của các em, được san sẻ bớt nặng gánh âu lo của các em, được đồng hành cùng ước mơ của các em.

Ước mơ nối tiếp ước mơ, yêu thương thắp lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Tương lai tươi sáng của các em sẽ được xây đắp lên bởi vị ngọt của lòng thương yêu và bởi chính những bàn tay san sẻ của các em. “Tôi ước được góp phần nhỏ bé của mình cùng Quỹ ITA Vì tương lai thắp sáng mãi ngọn lửa của lòng hiếu học, của mơ ước về tương lai tươi đẹp. Tôi sẽ cùng chung tay xây đắp ước mơ cho những người có hoàn cảnh như tôi. Mong sao cho tất cả thế hệ mai sau có được tương lai tốt đẹp”, (Nguyễn Văn Vui, sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội).

Bài, ảnh: Minh Hà