itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Đằng sau sự hồi sinh cho một trái tim bé bỏng

Đằng sau sự hồi sinh cho một trái tim bé bỏng

Em Trần Bình Lưu

“Em ơi, bé Lưu được cứu rồi, bé đã qua cơn nguy kịch và đã được chuyển xuống phòng hồi sức sau 2 ngày phẫu thuật” - giọng nói của đại diện ItaExpress ở Hà Nội, Phạm Hùng Phong vang lên từ đầu dây khiến cả văn phòng ItaExpress như vỡ òa vì sung sướng. Chúng tôi ôm lấy nhau chia sẻ niềm vui, như thể đấy là người ruột thịt của mình....

Tìm về “vùng trũng” nạn nhân Dioxin

Nắng tháng 8 rát đến khủng khiếp đối với chúng tôi khi lần đầu đến với Phú Yên, cả bốn biên tập viên đều kinh ngạc trước con số do Tổng biên tập báo Phú Yên cung cấp: “dân số nơi ấy chiếm 80% bị nhiễm chất độc màu da cam”. Nơi ấy chính là xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên – cái nôi đồng khởi của Khu V xưa. Cùng với ông Nguyễn Ngọc Chiến, phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Dioxin Phú Yên dẫn đường, chúng tôi len lỏi đến từng nhà trong danh sách hơn một trăm hồ sơ gửi đến xin tài trợ từ Quỹ ITA Hàn gắn vết thương. Suốt một tuần ròng rã “quần thảo” huyện Tây Hòa, địa chỉ cuối cùng chúng tôi tìm đến là nhà anh Trần Kim Hãnh với vẻn vẹn thông tin trong hồ sơ:

"

Gia đình nghèo khó, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mẹ già yếu, con bị bệnh nan y (bệnh tim). Đang nằm điều trị và chờ phẫu thuật thay tim nhưng vì hoàn cảnh rất nghèo không đủ khả năng. Nhiều khi bữa ăn hàng ngày cũng không đủ. Hai vợ chồng vất vả cả ngày cũng không đủ lo cho các con và tiền chữa bệnh. Cần tiền để thay tim cho cháu.

"

Một quyết định mang đến sự hồi sinh

Trong cuộc họp chuẩn bị cho sự kiện ra mắt và trao tặng đợt I của Quỹ ITA-s, chúng tôi có trình bày hoàn cảnh của em Trần Bình Lưu:Cháu không thể sống được nếu không được tài trợ tiền mổ tim gấp, hiện tại cháu đã được tổ chức ở địa phương tài trợ 20 triệu, còn 30 triệu nữa cho ca mổ 2.900 USD, đối với gia đình họ là sự tuyệt vọng”. Rất nhanh chóng, Chủ tịch Quỹ ITA-s đã phê duyệt. Chúng tôi nhìn nhau, niềm hạnh phúc rạng rỡ trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió Phú Yên. Niềm vui ấy ngay lập tức được thông báo về Phú Yên. Khỏi phải diễn tả hết sự bất ngờ của gia đình anh Trần Kim Hãnh và chị Trần Thị Tuyết Mai đến dường nào. Bà Chủ tịch Quỹ tỏ ý muốn mời bé và gia đình ra Hà Nội dự lễ. Tôi lập tức điện về không quên khuyến cáo:“Nếu tình hình sức khỏe của cháu không thể đi lại thì tuyệt đối không cho cháu đi”.

Có nằm mơ họ cũng không tin được điều kỳ diệu từ Quỹ ITA-s, từ tấm lòng của những người xa lạ tít tận đẩu đâu.

Có nằm mơ họ cũng không dám tin con mình có cơ hội được cứu sống chỉ từ một lá đơn “gửi thì gửi thôi chứ chả dám hy vọng gì”.

Đại diện Quỹ ITA-s,ông Phạm Hùng Phong đã đến thăm bé Lưu sau 2 ngày được phẫu thuật

Có nằm mơ họ cũng không thể tin được lời hứa của hai cô cậu BTV đến từ một trang tin điện tử: “Trong khả năng của mình, chúng em sẽ cố gắng hết sức đề xuất lên Lãnh đạo tài trợ để cứu cháu”. Mà ở cái chốn hẻo hút ấy, họ chả biết thế nào là trang tin điện tử, thế nào là Quỹ ITA-s, thiên hạ vẫn hứa đầy ra đấy, dào ôi, những lời hứa làm quà, có mất gì đâu!

Nhưng giờ thì họ tin, tin đến cuống quýt. Cuống quýt chạy vạy tiền để mua vé ra Hà Nội vì “nếu gia đình đi, Quỹ sẽ tài trợ tiền đi lại, ăn ở trong suốt hành trình và những ngày ở Hà Nội, tuy nhiên, vì gia đình ở xa quá, thời gian gấp rút, không kịp chuyển tiền về nên nếu gia đình ra, chúng tôi sẽ thanh toán toàn bộ chi phí ngay tại Hà Nội”. Cái làng quê nghèo xơ xác ấy không giúp nổi, họ đành cầu cứu đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Phú Yên.

Chuyến tàu SE2 bần bật rung lao về phía thủ đô, nơi Quỹ ITA-s đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng. Bần bật rung như trái tim yếu ớt của cháu Lưu.

Chúng tôi phấp phỏng lo khi biết em ra Hà Nội. Đích thân tôi chuẩn bị để đi đón cháu. Và cú điện thoại của người đàn ông tốt bụng nào đó cùng khoang với mẹ con bé Lưu khi gần tới Hà Nội khiến tôi điếng hồn…

Cháu nó chết mất cô ơi…

Ga Hà Nội, gần 22h đêm ngày 29/10….

Giữa những đoàn người túa ra, tôi lập tức nhận ra gương mặt của chị Mai. Khác với vẻ thiểu não ở Phú Yên ngày nào là gương mặt xanh mét, mắt đỏ hoe, chị lắp bắp nói không nên lời. Bé Lưu gục trên vai mẹ, tôi hoảng hồn đỡ lấy cháu, toàn thân lạnh ngắt, môi tím bợt. Bế cháu lao về Bệnh viện Tim Hà Nội ngay cạnh đó, bà mẹ líu ríu chạy theo. Phòng cấp cứu im lìm đóng, tôi gọi tìm bác sỹ đến ngỡ như mình lạc giọng. Chưa đầy một phút sau, kíp bác sỹ trực cấp cứu xuất hiện. Tấm thân của bé lồng lên dưới máy thở. Chị Mai đờ đẫn không nói được tiếng nào. Gấp rút làm thủ tục nhập viện cho cháu. Đêm Hà Nội cuối thu bỗng ớn lạnh. Sau 30’ cấp cứu, bé Lưu được chuyển lên khoa cấp cứu biệt lập. Bệnh viện trở lại im lìm, trơ lại chúng tôi. Lấy giọng bĩnh tĩnh nhất, tôi trấn an chị: “Đây là bệnh viện tim tốt nhất Việt Nam, giờ thì tin tưởng các bác sỹ thôi. Chị đừng lo nữa, cháu bé sẽ không sao – Cháu nó chết mất cô ơi…”, giọng xứ Nẫu đứt quãng và nức nở…

Nhật Minh động viên từ xa

Lén người mẹ tội nghiệp ấy, tôi đi ra ngoài sân, toàn thân bấn loạn, ôi chao, Lưu ơi, nếu em có mệnh hệ nào… ôi không… Trong cơn bấn loạn, anh Nhật Minh điện thoại từ Sài Gòn: “Em phải bình tĩnh, phải bình tĩnh để người nhà họ không hoảng. Vào bệnh viện rồi hãy tin vào bác sỹ. Anh đã điện cho Huy và Sơn đến rồi. Ngay bây giờ em hãy điện báo cho anh Hữu Dũng, Giám đốc Hành chính và Tổng Giám đốc Mến biết tình hình – Em đã điện báo cáo anh Hữu Dũng ngay rồi – Em điện thoại tiếp, báo anh Hữu Dũng xin ý kiến chỉ đạo”

Bấy giờ là nửa đêm.

Sài Gòn cùng thức, ItaExpress cùng thức, Quỹ ITA-s cùng thức trông…

Các đồng nghiệp của tôi đến, chúng tôi nhìn nhau và đến ngồi cạnh chị Mai, những cặp mắt hướng lên khu biệt lập. Sự im lặng đến ngột ngạt.

Tôi bảo Sơn về nghỉ lấy sức để ngày mai còn quay phim, cậu lầu bầu mãi mới chịu về. Chỉ còn lại tôi với anh Huy và mẹ bé Lưu. Tầng 3, nơi có bé nằm vẫn im lìm. BTV Kim Tuyến nhắn tin: “mọi người ở trong này đã biết tin, Giang ơi, không ai ngủ được. Cầu trời…Giang và anh Huy giữ sức khỏe nhé, ngày mai còn biết bao thứ…”

Những đồng nghiệp cùng thức từ xa với bé Lưu

Đắn đo một chút, tôi quyết định nhắn tin cho chị: “Chị ơi, em đang ở bệnh viện tim, em Lưu ra đến Hà Nội phải nhập viện cấp cứu ngay”. Tôi chìa chiếc điện thoại có tin trả lời của chị cho anh Huy xem: “… cần chuẩn bị sẵn sàng để giúp em !”.

Bấy giờ là 2h sáng ngày 30/9. Tôi thầm cảm ơn người phụ nữ ấy. Chị đã mang đến tinh thần cho chúng tôi trong những lúc bối rối nhất.

Bệnh viện tim Hà Nội lúc bấy giờ không phải chỉ có mình tôi với anh Huy ngồi trên chiếc ghế nhựa, phấp phỏng chờ tin, mà cả đội ngũ ItaExpress cũng phấp phỏng chờ. Chưa bao giờ tôi thấy chúng tôi khăng khít với nhau, lo lắng cho nhau đến thế, vì một người không máu mủ.

Sau 36 tiếng ngột ngạt.

Một ngày trôi qua không có tin tức, đêm thứ 2, chỉ còn tôi với chị Mai ngồi chờ, vẫn ở chiếc ghế nhựa trong góc viện. Mọi người đã về lại Sài Gòn sau khi sự kiện thành công.

Lại một đêm không có tin tức, người mẹ ngồi bất động, im lìm.

10h sáng hôm sau, tức là sau 36 tiếng, tôi được gặp bác sỹ Đạo, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp. Những thông tin đầu tiên về bệnh tình bé Lưu được tiết lộ:

Sau 36 tiếng ngột ngạt, đã có thông báo đầu tiên 

“Đến bây giờ tôi đã có thể thông báo cho thân nhân của cháu Lưu biết, cháu đã qua cơn nguy kịch, bốn ngày nữa, các Giáo sư của Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ cùng với các Giáo sư của bệnh viện Bạch Mai tiến hành hội chẩn và kết luận về chuyện mổ cho cháu. Gia đình và nhà tài trợ cần chuẩn bị những thủ tục cần thiết ngay như chuyển bảo hiểm, chuẩn bị tiền".

“Đây không còn là vấn đề tiền bạc nữa, mà là tấm lòng, là cái tâm được hiểu hiện qua hành động… Tôi thực sự rất nể phục các bạn!”

Tôi thở phào và cảm giác như ở phương Nam, cả Sài Gòn cũng thở phào theo. Ngay lập tức tôi điện về cho bố bé Lưu cũng đang phấp phỏng ở Phú Yên để làm những thủ tục chuyển bảo hiểm và đề nghị anh phải ra ngay.

14h thứ 6, ngày 5/10 em Trần Bình Lưu lên bàn mổ, bác sỹ trực tiếp mổ là Nguyễn Sinh Hiền, và bốn ngày sau, chiều 9/10/2007 tôi đã có buổi trao đổi với bác sỹ Đạo qua điện thời về tình hình của bé: “Sau hai ngày hậu phẫu, cháu đã được rút ống thở, tình hình của cháu càng ngày càng khá lên, khá lên so với trái tim đầy bệnh tật của cháu, chứ thực ra trong trái tim của cháu còn nhiều khuyết tật lắm, bẩm sinh phức tạp, các ông thôn lỗ ngoằn ngoèo lung tung, các lá van tiểu sản đóng không kín, mở không hết… Đại diện Quỹ ITA-s, ông Phạm Hùng Phong và đại diện Milky US, ông Cường đã vào thăm và tặng quà cho cháu. Phải nói rằng trường hợp của cháu Lưu quá điển hình và cháu quá may mắn. May mắn vì được Quỹ ITA-s của Tập đoàn Tân Tạo tài trợ tiền để mổ tim, nhưng cái may mắn lớn hơn đó là sự kịp thời. Đây không còn là vấn đề tiền bạc nữa, mà là tấm lòng, là cái tâm được hiểu hiện qua hành động rất kịp thời của Quỹ ITA-s. Tôi thực sự rất nể phục các bạn!”.

“Chúng ta sẽ tiếp tục!”

Khoảng nửa tháng nữa bé Lưu sẽ được xuất viện về nhà. Niềm vui và hạnh phúc vỡ òa trong lòng chúng tôi. Thốt nhiên, tôi chợt nhớ lại lời nói của đồng nghiệp Nguyễn Phương Liên khi chúng tôi cùng nhau đi thẩm định hồ sơ ở Tây Ninh: “Nhìn sự cực khổ đến tội nghiệp của họ, tự nhiên thấy sự cố gắng của chúng ta có ý nghĩa biết bao”, và tôi cảm giác của buổi sáng ngày 30/9 ùa về, cảm giác của một người đứng dưới sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, xem những đoạn phóng sự về những hoàn cảnh, những số phận bất hạnh mà chúng tôi đã từng đến tận nơi, nhìn họ bước ra trong ánh sáng lung linh của đèn sân khấu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và chị Yến ân cần trao những món quà cho họ, tôi tiến đến bên Liên, nắm chặt tay em nói khẽ, giọng run run vì hạnh phúc: “Chúng ta sẽ tiếp tục, em nhỉ!

Sài Gòn 04h30’ rạng sáng ngày 10/10/2007
Lại Thu Giang

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.