itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Ông Nguyễn Văn Hồng: “Biết đến khi nào mới trả hết nợ…”

Ông Nguyễn Văn Hồng: “Biết đến khi nào mới trả hết nợ…”

Ông Nguyễn Văn Hồng

ItaExpress - Nhìn nước mắt rơi trên khuôn mặt sạm đen của ông, chúng tôi cũng thấy mắt mình cay cay…

Khi chúng tôi đến ấp Thanh Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, trời đổ mưa, con đường nhỏ xíu, quanh co chỉ vừa một chiếc xe đi qua trở nên lầy lội, khó đi. Việc tìm nhà lại càng trở nên khó khăn hơn vì số nhà lộn xộn, không theo một quy tắc nào và cũng không ít nhà không số… Không quản ngại, sau khi kiên nhẫn hỏi thăm nhiều lần, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là một trong những thương binh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn của ấp - ông Nguyễn Văn Hồng, năm nay 67 tuổi.

Tham gia chiến đấu từ những năm 60 và có nhiều đóng góp cho cách mạng, sau khi hòa bình lập lại, ông Hồng trở thành thương binh bậc ¾. Các chứng tích do chiến tranh để lại vẫn còn hằn rõ trên người ông. Đó là căn bệnh thủng đại tràng, chân gãy và những mảnh đạn còn ghim trong đầu… Hậu quả là sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt, khi nhớ khi quên, phải sống bằng thuốc mỗi ngày. Thấy cuộc sống quá chật vật, ông cố nén cơn đau để làm việc: nuôi vịt, bắt ốc…, phụ vào với vợ con. Nhưng giờ đây, khi ngày càng tuổi cao, sức yếu, vết thương hành hạ ngày đêm nên không thể cố gắng được nữa, ông Hồng chỉ biết trông cậy vào các con và số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng.

Ông bà Hồng đang tâm sự về những cơ cực của đời mình

“Nhà nước trợ cấp được nhiêu đó, tui mừng nhiêu đó. Nhưng bệnh của tui nhiều quá. Chừng đó cũng chưa đủ trang trải tiền thuốc men… Vợ tui cũng hơn 66 tuổi rồi, cũng đau yếu liên miên, nhưng cảnh nhà thế này, phải cố đi làm mướn cho người ta. Ai kêu gì vợ tui cũng làm, mỗi ngày chỉ được hai mấy, ba chục ngàn, mà việc cũng bữa có bữa không…” - ông Hồng nói trong nghẹn ngào. Chia sẻ với ông, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau rất lớn của người đàn ông này. Đó không phải nỗi đau vì cuộc sống túng thiếu, nghèo khó vây quanh. Sâu xa hơn, dường như ông đang đau nỗi đau của một người muốn làm được nhiều điều hơn để trước tiên không phải là gáng nặng của ai, sau đó là lo lắng cho gia đình, vợ con… nhưng sức khỏe, tuổi tác và bệnh tật khiến ông trở nên bất lực. Ông không thể chịu đựng nổi ý nghĩ mình đã không còn làm được gì nữa.

Các con ông cũng rất thương cha và cố gắng làm lụng, nhưng cái nghèo vẫn không buông tha họ. Trong số 4 người con, trừ người con trai út là đi may tại TP.HCM, hầu hết đều sống bằng nghề trồng lúa và nuôi vịt. Thu nhập vì thế cũng thất thường, nhất là những khi mất mùa, ảnh hưởng mưa lũ hay dịch cúm gia cầm vừa qua… Ngặt nghèo hơn, ông Hồng còn phụng dưỡng thêm mẹ già, năm nay đã trên 90 tuổi, già yếu và đau bệnh, chỉ nằm một chỗ. Cái nghèo cứ thế lại nối tiếp nghèo và nợ thêm chất chồng nợ…

Đại diện ItaExpress đến thăm hỏi và tặng quà gia đình ông Hồng

Khi thấy chúng tôi đưa mắt quan sát căn nhà, như có người để trút nỗi niềm, ông Hồng bộc bạch: “Địa phương có hứa sẽ trợ cấp cho tui cất một căn nhà tình nghĩa, nhưng chưa kịp cất thì căn nhà cũ đã bị mưa bão kéo đổ sập. Căn nhà lá này tui cất lại từ số tiền 17 triệu vay của nhà nước, cộng thêm sự gom góp chút ít của các con, rồi vay mượn thêm… Tui hy vọng sau đó sẽ nhận được trợ cấp, nhưng chờ hoài… Nay thì nợ của nhà nước sắp đến hồi phải trả, thiệt tình tui cũng không biết trông cậy vào đâu, biết đến khi nào mới trả hết nợ... May sao được biết có quỹ này (tức Quỹ ITA Hàn gắn vết thương - K.T), tui vô cùng mong mỏi nhận được sự giúp đỡ của các ông, các bà… để trang trải phần nào nợ nần trước mắt. Được vậy, tui và gia đình thành thật biết ơn”.

Quả thật, số tiền 17 triệu là quá lớn đối với một gia đình, khi mà cái ăn, cái mặc hàng ngày vẫn còn chưa đủ. Nhìn nước mắt rơi trên khuôn mặt sạm đen của ông, chúng tôi cũng thấy mắt mình cay cay…

Lương Kim Tuyến